Cấm công chức nói tục

06:37 | 18/06/2014

1,001 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quy chế yêu cầu cán bộ, công chức khi giao tiếp với đồng nghiệp phải lịch sự, không nói tục, không dùng tiếng lóng, không quát nạt... Đây là lần đầu tiên thủ đô có một quy chế như thế. Bởi xuất phát từ thực trạng đáng báo động hiện nay: cán bộ, công chức nói tục, chửi bậy và quát mắng nhau khá nhiều, gây ô nhiễm môi trường văn hóa công sở.

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, đã nổi tiếng về sự thanh lịch của người Tràng An. Dĩ nhiên, sự thanh lịch là của những thế kỷ trước, còn bây giờ, Hà Nội là nơi cư trú của nhân dân hầu hết các tỉnh trong cả nước tụ về, học tập, sinh sống, làm ăn và công tác. Vì thế, Hà Nội chứa đựng phong cách, lối sống của nhiều vùng miền khác nhau. Có điều, nhiều người sống và làm việc tại Hà Nội không ý thức được rằng, Hà Nội là bộ mặt của cả nước, phải thể hiện một lối sống văn hóa và thanh lịch. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà UBND TP Hà Nội phải đưa ra cái quy chế nói trên.

Phải thấy rõ một điều là, cán bộ, công chức đều là người có học, có văn hóa, không thể giao tiếp với nhau, với dân bằng những lời lẽ thô tục như những người ít học. Cơ quan, công sở nào cũng có quy chế văn hóa ứng xử nơi công sở và những nội quy khác. Vấn đề là ở chỗ, cán bộ và công chức có tự giác chấp hành hay không. Quả thật, đến làm việc ở những cơ quan, công sở mà bất ngờ nghe thấy các nhân viên nói tục, chửi thề, quát mắng nhau ầm ĩ thì ai cũng thấy chối tai, không thể chấp nhận được.

Tệ hại hơn nữa là khi họ tập trung ăn nhậu ở những nhà hàng, quán xá thì không khác gì cái chợ vỡ, ngôn từ càng tự nhiên chủ nghĩa hơn. Hình ảnh người cán bộ trong con mắt nhân dân đã xấu đi nghiêm trọng. Vì lối ứng xử thô tục ấy phát triển theo hướng gia tăng mà chính quyền thành phố phải ra quy định cấm. Nhưng đã cấm thì lại phải có những hình thức xử lý kỷ luật kèm theo mới có tác dụng chứ chỉ nói cấm suông thôi chắc khó khả thi.

Như vậy lại phải có hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết rằng những câu, những từ như thế nào thì gọi là nói bậy, nói tục. Và nói những câu như thế thì mức xử phạt như thế nào, chẳng hạn như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức là nhân viên; và giáng chức, cách chức đối với cán bộ quản lý. Mà để bắt được lỗi của nhau cũng không đơn giản bởi cùng làm việc với nhau, mọi người không nỡ tố giác nhau. Người này phát hiện ra, có tố cáo thì liệu người thứ ba có mạnh dạn làm chứng hay không. Lối sống dĩ hòa vi quý là cái vỏ bọc để bao che cho nhau khuyết điểm, khó mà xử phạt nhau được. Đúng là rất khó. Chỉ trong những trường hợp giao tiếp với dân mà cán bộ, công chức vi phạm, dân thẳng thắn tố giác thì mới có tác dụng. Đồng thời, với quy định này, tất cả cán bộ, công chức phải tự giác xem lại lối sống và cách ứng xử của mình để nghiêm túc điều chỉnh là hiệu quả nhất. Còn nếu thành phố chỉ ban hành quy định, phổ biến xong rồi bỏ đấy thì quy định sẽ rơi vào quên lãng như nhiều quy định lâu nay đã được đề ra đã bị lãng quên.

Bùi Đức