Cải thiện hệ thống cấp - thoát nước đô thị

Giải pháp tình thế, hiệu quả thấp

11:02 | 21/08/2017

1,173 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Cao Lại Quang, hệ thống cấp - thoát nước tại các đô thị hiện đã quá cũ, thiếu đồng bộ, mọi giải pháp chống ngập úng chỉ là tình thế, hiệu quả thấp!

Không theo kịp tốc độ đô thị hóa

Trao đổi tại Hội thảo Nâng cao chất lượng dịch vụ cấp thoát nước do Hội Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức, ông Cao Lại Quang cho hay, hiện hệ thống cấp - thoát nước còn thiếu đồng bộ, chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa của Việt Nam; phạm vi cấp nước ở nhiều địa phương còn thấp, tỷ lệ thất thoát, thất thu còn cao (khoảng 23%), chất lượng nước sạch nhiều nơi còn hạn chế; tỷ lệ xử lý nước thải qua các trạm xử lý tập trung mới đạt 12%, việc thải trực tiếp ra môi trường đang gây ô nhiễm nghiêm trọng; tình trạng úng ngập ở các thành phố lớn đang gây nhiều bức xúc cho người dân và cộng đồng... Lĩnh vực cấp - thoát nước hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều thách thức cần phải giải quyết như: ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn, nguồn lực đầu tư hạn chế.

giai phap tinh the hieu qua thap
Người dân tại các đô thị vẫn phải chịu úng ngập khi có mưa bão

PGS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng, thông tin: Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước có 805 đô thị, chiếm 37% dân số với tổng công suất cấp nước hiện là 8,5 triệu m3/ngày. Đến năm 2020, dân số đô thị tăng lên 45-50 triệu người, mức tiêu thụ nước sẽ tới 9-10 triệu m3/ngày. Nhu cầu về nước sạch ngày càng cao, nhưng cả nguồn nước mặt và nước ngầm đều đang bị ô nhiễm, hệ thống đường ống dẫn nước đô thị chắp vá, mới cũ lẫn lộn, xuống cấp trầm trọng. Cùng với đó, hệ thống bể chứa nước sạch và bể tự hoại của người dân mỗi nơi một kiểu, chỗ để ngầm, chỗ để trên cao... Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng, rò rỉ khiến cho nguồn nước ngọt bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nước ngọt.

Hết ngập mới hết ô nhiễm nguồn nước

Liên quan đến vấn đề hạ tầng cấp - thoát nước tại các khu đô thị, ông Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam - cho rằng: Chỉ khi Việt Nam giải quyết được tình trạng ngập úng ở các đô thị mới có thể giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm.

giai phap tinh the hieu qua thap
Hội thảo ngành nước Vietwater 2017 - Hà Nội

“Tuy nhiên hạ tầng cấp - thoát nước không đồng đều khiến việc sửa chữa, nâng cấp rất khó khăn. Khi một nền tảng đã không đồng bộ ngay từ đầu, những công tác xử lý sau này cũng chỉ là chắp vá” - ông Tiến lo ngại.

Nhu cầu về nước sạch ngày càng cao, nhưng cả nguồn nước mặt và nước ngầm đều đang bị ô nhiễm, hệ thống đường ống dẫn nước đô thị chắp vá, mới cũ lẫn lộn, xuống cấp trầm trọng.

Trước tình trạng cứ mưa là ngập ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ông Tiến cho rằng, các giải pháp chống ngập úng hiện nay chỉ mang tính tạm thời. Chưa ai bảo đảm được những dự án này sau khi hết hiệu lực sẽ giải quyết hết được hiện trạng úng ngập, hệ thống cấp - thoát nước vẫn sẽ ở tình trạng đối phó. Mặc dù hiện tại, các cơ quan ngành nước và cấp - thoát nước đang nỗ lực hết sức để đưa công nghệ xử lý nước thải, chống thấm, chống tràn vào các đô thị nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Người dân vẫn phải chịu sự ngập úng mỗi khi có mưa lớn, trong khi các cơ quan chức năng tiếp tục loay hoay với những giải pháp đối phó tạm thời mà không đưa ra được quy hoạch cải thiện tổng thể, toàn diện hệ thống cấp - thoát nước của các đô thị lớn.

PGS.TS Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng:

“Tại các đô thị có 40 nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động với tổng công suất 950.000m3/ngày đêm, chỉ có khoảng 10% nước thải phát sinh được xử lý, rất thấp. Với những phương pháp xử lý nước thải như hiện nay, vẫn cần có thêm công nghệ về kiểm soát rủi ro, cảnh báo và xử lý sớm, đưa vào hoạt động hệ thống kiểm soát ô nhiễm trực tuyến để tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm hóa chất”.

Diệu Thuần