George Soros: Tương lai của đồng Euro phụ thuộc vào nước Đức

09:06 | 16/08/2011

988 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhà đầu tư có uy thế lớn nhất thế giới George Soros đã chỉ trích nước Đức đã chưa làm tròn vai trò lãnh đạo trong khu vực đồng tiền chung châu Âu

Trả lời phỏng vấn trên tờ Tấm gương (Đức) về cuộc khủng hoảng đang lan như bệnh dịch ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, tỉ phú – nhà đầu tư huyền thoại George Soros đã cho rằng: “Các chính trị gia đã không thực sự cố gắng khắc phục khủng hoảng. Cho đến giờ này, họ chỉ cố gắng để mua thời gian”.

George Soros: Những nỗ lực của các chính trị gia châu Âu chỉ như để mua thời gian

Đức phải là người chỉ huy và phát hành trái phiếu chung E-bond là cần thiết

Nhà đầu tư có uy thế lớn nhất thế giới George Soros đã chỉ trích nước Đức đã chưa làm tròn vai trò lãnh đạo trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và cho rằng: giải pháp cho cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện tại là Berlin phải ra lệnh và dẫn dắt châu Âu. Ông cũng lập luận ủng hộ việc phát hành loại trái phiếu chung E-bond cho 16 quốc gia khu vực Eurozone là một lối thoát để châu Âu vượt qua khủng hoảng nợ công.

- Ông Soros, chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu, một cuộc khủng hoảng tiền tệ và một cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa thế giới. Tình thế tài chính tiến thoái lưỡng nan này có phải đã trở nên lớn quá tầm để có thể xử lý? Làm thế nào để các chính trị gia ở hai bờ Đại Tây Dương có thể chung tay giải quyết tình trạng đa khủng hoảng hiện nay?

Soros: Các chính trị gia đã không thực sự cố gắng khắc phục khủng hoảng. Cho đến giờ này, họ chỉ cố gắng để mua thời gian. Nhưng đôi khi thời gian sẽ chống lại bạn nếu bạn lảng tránh đối mặt với vấn đề thực tại và giải thích với công chúng về những gì đang bị đe dọa.

- Có phải ông đang nói đến người Đức? Nhiều chuyên gia cho rằng Thủ tướng Angela Merkel đã do dự khi giải quyết khủng hoảng?

Soros: Phải. Tương lai của đồng Euro phụ thuộc vào nước Đức. Đây là luận điểm riêng của tôi. Nước Đức luôn ngồi ở vị trí người lái xe bởi vì Đức là quốc gia lớn nhất châu Âu với những đánh giá tín dụng tốt nhất và thặng dư thương mại cao. Trong khủng hoảng, quốc gia này cũng luôn luôn là chủ nợ và người chỉ huy. Chắc chắn rằng đây không phải là vị trí mà người Đức hay Thủ tướng Merkel mong muốn và họ họ phải chấp nhận miễn cưỡng một cách dễ hiểu. Nhưng có một thực tế là: Người Đức hiện đang ở vị trí người chỉ huy châu Âu thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.

- Tại sao Berlin nên nắm lấy ý tưởng đó?

Soros: Chỉ đơn giản là không có sự thay thế nào khác. Nếu đồng Euro bị sụp đổ, nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan tài chính. Nó sẽ đẩy không chỉ Đức, không chỉ châu Âu mà là cả thế giới này vào một cuộc khủng hoảng tương tự như Đại suy thoái những năm 1930 – xảy ra do mất kiểm soát với cuộc khủng hoảng ngân hàng khi đó.

- Và sau đó cần thực hiện những gì để chống đỡ với cuộc khủng hoảng này?

Tôi nghĩ rằng chỉ có một sự chọn lựa. Đó không phải là câu hỏi liệu châu Âu có cần một đồng tiền chung hay không. Đồng Euro tồn tại và nếu nó bị phá vỡ, tất cả những gì kinh khủng nhất sẽ xảy ra. Sự đổ vỡ của đồng Euro sẽ gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng và khôn lường đối với hệ thống ngân hàng không chỉ ở khu vực châu Âu mà trên toàn thế giới. Chắc chắn, Đức cũng sẽ không nằm ngoài tác động của sự đổ vỡ đấy. Do đó, Đức phải bảo vệ sự tồn tại của nó. Mà để đồng Euro tồn tại, cần phải cho phép các thành viên Eurozone có thể tái tài trợ phần lớn các khoản nợ với các điều khoản hợp lý. Vì vậy, cần có sự ra đời của trái phiếu chung khu vực đồng euro. Nhưng khi nghiên cứu những vấn đề liên quan đến sự ra đời của trái phiếu euro, bạn sẽ gặp phải một khó khăn là mỗi quốc gia châu Âu hiện vẫn đang kiểm soát chính sách tài chính riêng của mình.

- Người Đức rất ghét ý tưởng về trái phiếu Euro. Họ lo ngại rằng theo kịch bản này, họ sẽ phải đi giải cứu tất cả mọi người, kể cả những quốc gia lớn như Ý.

Soros: Đó là lý do tại sao bạn cần phải thiết lập các quy tắc tài chính để đảm bảo khả năng thanh toán của từng thành viên. Điều này sẽ làm cho các cử tri Đức có thể chấp nhận được trái phiếu euro. Châu Âu cần có một cơ quan quản lý tài chính hợp pháp. Khó khăn ở đây là việc chấp thuận các quy tắc. Và điều không may là Đức đã có một số ý tưởng hài hước khi muốn các thành viên còn lại của Eurozone phải lấy họ làm gương mà theo trong khi không nước nào có thể có thặng dư thương mại mà lại không có nước nào bị thâm hụt. Đức phải đề xuất các quy tắc mà nước khác cũng có thể làm theo được. Những quy định này phải cho phép giảm dần nợ. Họ cũng phải chấp nhận cho phép các nước có tỷ lệ thất nghiệp cao, như Tây Ban Nha, tiếp tục có thâm hụt ngân sách theo chu kỳ, cho đến khi nền kinh tế các nước này hồi phục.

Thủ tướng Đức Angela Merkel là một trong những người phản đối kế hoạch phát hành E-bond

"Vắng Hy Lạp hay Bồ Đào Nha thì chợ vẫn đông”

- Ngày càng có nhiều nhà kinh tế, đặc biệt là ở Đức, nhìn nhận khả năng rời bỏ Eurozone của Hy Lạp. Ông có cho rằng đó là sự lựa chọn khả thi của nước này không?

Soros: Tôi nghĩ rằng vấn đề Hy Lạp đã được các nhà lãnh đạo châu Âu xử lý không thích đáng và lựa chọn đó có thể là giải pháp tốt nhất. Châu Âu, đồng Euro và hệ thống tài chính có thể vẫn “sống” mà không có Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. Không có họ, phần còn lại sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và dễ quản lý hơn. Nhưng các nhà quản lý tài chính phải bố trí một sự sự ra đi có trật tự để không làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng châu Âu. Điều đó sẽ ngốn rất nhiều tiền bạc bởi vì hệ thống ngân hàng châu Âu bao gồm Ngân hàng Trung ương (ECB) sẽ phải bồi thường cho sự ra đi của Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Người gửi tiền ở các ngân hàng Hy Lạp cũng phải được bảo vệ. Nếu không người gửi tiền ở các Ngân hàng Ireland hay Ý cũng sẽ cảm thấy không được an toàn.

Một kịch bản tương tự như cuộc khủng hoảng năm 2008?

- Liệu cuộc khủng hoảng hiện tại có tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng năm 2008 không?

Soros: Cuộc khủng hoảng này là sự nối tiếp của cuộc khủng hoảng tương tự. Năm 2008, hệ thống tài chính đã sụp đổ và đã phải dùng các biện pháp hỗ trợ nhân tạo để kéo dài sự sống. Tuy nhiên, sự mất cân bằng gây ra bởi cuộc khủng hoảng đã không được loại trừ tận gốc.

- Điều đó có ý nghĩa gì?

Soros: Phương thức mà các nhà chức trách đã chọn 3 năm trước đây là dùng tín dụng nhà nước để thế chỗ, cứu chữa cho tín dụng đã mất khả năng thanh toán của một hệ thống tài chính đã sụp đổ. Sau vụ phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers, các Bộ trưởng Tài chính châu Âu đã ban hành một tuyên bố rằng không có một tổ chức tài chính nào khác nữa được phép phá sản. Đó là một quyết định đúng. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel thì lại cho rằng, sự hỗ trợ như thế sẽ chỉ do mỗi quốc gia thành viên EU làm, chứ không phải là do Liên minh châu Âu!

- Làm mất đi niềm tin vào sự mạnh mẽ của châu Âu khi phản ứng với khủng hoảng – Đó có phải là sai lầm lớn nhất từ trước tới nay?

Soros: Tuyên bố của Merkel chính là nguồn gốc của khủng hoảng. Nó khiến người ta thiếu tin tưởng vào việc châu Âu sẽ cùng nỗ lực bảo vệ đồng Euro đến cùng.

- Thậm chí bây giờ cả Pháp cũng đang bị khủng hoảng đe dọa. Vậy thì khi nào khủng hoảng kết thúc?

Soros: Tất nhiên, bây giờ thì khủng hoảng đang lan rộng và thị trường thì đang lo sợ. Nước Đức đã nhận ra rằng sẽ không có ai “đứng mũi chịu sào” thay nó để bảo vệ đồng Euro. Càng để chậm trễ hơn, cái giá phải trả của Đức sẽ càng cao hơn.

- Ông đã chỉ trích gay gắt cách xử lý khủng hoảng của các nhà lãnh đạo châu Âu. Thế nhưng, nhiều người châu Âu lại đang cáo buộc các nhà đầu cơ như ông đã góp phần đẩy đồng Euro vào thảm cảnh này. Các quỹ đầu tư lớn như quỹ đầu tư Soros của ông đã đặt một khoản cược khổng lồ chống lại đồng Euro trong năm vừa qua. Và trong những ngày gần đây, một số nước châu Âu thậm chí áp đặt lệnh cấm tạm thời bán ngắn, đặt cược vào giá cổ phiếu giảm.

Soros: Bạn đang gây bối rối cho thị trường và các nhà đầu cơ. Tại thời điểm này, các nhà đầu cơ lớn nhất là ngân hàng trung ương, vì họ là người mua và người bán các loại tiền tệ quan trọng nhất. Các quỹ phòng hộ đã chắc chắn bị “hất cẳng” bởi các ngân hàng trung ương. Thị trường mong đợi các cơ quan có thẩm quyền tạo ra một hệ thống tài chính thực sự chặt chẽ. Nếu có bất kỳ lỗ hổng trong hệ thống đó, các nhà đầu cơ sẽ “luồn” qua các lỗ đó nhanh chóng.

- Nhưng trên thực tế, sự đầu cơ làm cho bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng trở nên tồi tệ hơn. Hãy nhìn vào thị trường hoán đổi tín dụng (CDS) nơi các nhà đầu cơ đang đánh cược vào khả năng suy giảm hơn nữa của các đồng tiền và nên kinh tế. Làm như vậy có hữu ích chăng?

Soros: Tất nhiên, đầu cơ sẽ luôn làm cho khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn. Nếu có một điểm yếu, nó sẽ phơi bày ra ngay. Và bạn là đúng, thị trường CDS là một công cụ rất nguy hiểm và tôi nghĩ rằng nó không nên được cho phép. Tôi là một trong rất ít người cho rằng CDS là một công cụ nguy hiểm bởi nó nghiêng về mặt tiêu cực nhiều hơn.

- Ông có nghĩ rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu là một phần của giải pháp hoặc là một phần của vấn đề khi nói đến việc giải quyết khủng hoảng?

Soros: Nó là một phần của vấn đề nhưng là phần nào? Bất kỳ ngân hàng trung ương nào cũng chỉ nên được giao phụ trách thanh khoản. Còn thanh toán bằng tiền mặt là trách nhiệm của kho bạc. Nhưng vì không có kho bạc châu Âu, ECB phải gánh thêm trách nhiệm đó. Để bảo vệ cho hệ thống tài chính, nó đã phải đi quá giới hạn của nó.

- Ông đang đề cập đến việc mua lại trái phiếu Hy Lạp? Bây giờ ECB thậm chí còn bắt đầu mua lại trái phiếu Tây Ban Nha và Ý. Tuy không rõ ràng lắm nhưng ECB được phép làm vậy một cách hợp pháp.

Soros: Vâng. Nhưng việc này cũng tạo niềm tin là các ngân hàng trung ương luôn làm những việc cần thiết để giữ cho hệ thống hoạt động và sau đó mới xem xét đến các khía cạnh pháp lý. Trong cuộc khủng hoảng, bạn không có thời gian để suy nghĩ về những mối bận tâm như vậy quá lâu.

Trung Quốc vẫn là người chiến thắng duy nhất trong cuộc khủng hoảng

- Hoa Kỳ đang ngập trong đống nợ lớn hơn là châu Âu. Sự phục hồi kinh tế ở nước này đã bị tổn thương. Liệu có thể xảy ra một cuộc suy thoái kép ở Mỹ không, thưa ông?

Soros: Công nợ của Hoa Kỳ không cao đến mức đó. Nhưng thị trường đã quyết định rằng nước Mỹ sắp phải đối mặt với một cuộc suy thoái, đặc biệt sau khi Hoa Kỳ bị hạ cấp tín dụng bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng Standard & Poor’s.

- Cách điều hành nền kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bị chỉ trích nặng nề. Là một người ủng hộ ông Obama lớn nhất hồi năm 2008, ông có hài lòng với chính sách kinh tế của ông Obama không?

Soros: Không, tất nhiên là không. Nhưng thực tế là Mỹ đã có 25 năm xây dựng thái quá – quá nhiều tín dụng và đầu vơ vay nợ – những điều kiện rất dễ “cháy”. Và bạn cần một thời gian dài để đảo ngược tình thế.

- Obama đã cố gắng kích thích tăng trưởng với một chương trình kích thích kinh tế khổng lổ nhưng lại làm tăng nợ quốc gia. Đó là một sai lầm?

Soros: Obama chấp nhận các ý tưởng của John Maynard Keyes (nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh). Về cơ bản, phân tích của Keynes vẫn rất có liên quan với sự khác biệt lớn giữa hiện tại và những năm 1930. Trong những năm 1930, các tiểu bang, chính phủ đã thực tế không có nợ và có thể do đó bị thâm hụt. Ngày nay, tất cả các chính phủ đều dính vào nợ nần, và đó là một sự thay đổi lớn.

– Nếu Keynes vẫn còn sống, ông ấy sẽ điều chỉnh lại lý thuyết của mình?

Soros: Chắc chắn. Ông có thể nói rằng các chính phủ vẫn có thể hưởng lợi từ hoạt động thâm hụt tài chính, nợ mới được đầu tư theo cách mà nó sẽ trả cho chính nó. Vì vậy, tiền chi tiêu sẽ phải tăng lên.

- Ông có nghĩ rằng Hoa Kỳ xứng đáng bị hạ cấp như đánh giá gần đây của Standard & Poor’s?

Soros: Có lẽ không. Quyết định này là dựa trên cơ sở kỳ vọng rằng quá trình chính trị sẽ không đưa lại các giải pháp.

- Là một nhà đầu tư, ông có “nghe” các cơ quan xếp hạng tín nhiệm?

Soros: Tôi không nghe nhưng nhiều nhà đầu tư khác thì có đấy.

- Các tổ chức xếp hạng tín dụng đang bị cáo buộc là “đổ thêm dầu vào lửa” khủng hoảng. ông có cho rằng vai trò của các cơ quan xếp hạng trong hệ thống tài chính cần phải được thu hẹp lại?

Soros: Tôi không có câu trả lời.

- Là một nhà đầu tư, ông sẽ tiếp tục đặt cược vào đồng Euro?

Soros: Tôi chắc chắn sẽ không bán Euro bởi vì Trung Quốc đã quan tâm đến việc có một đồng tiền thay thế cho đồng USD. Bạn có thể trông chờ Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nước EU duy trì đồng Euro.

Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nước EU duy trì đồng Euro

- Đó có phải lý do dẫn đến việc đồng Euro vẫn còn mạnh so với đồng USD?

Soros: Vâng. Có một người mua bí ẩn sẽ tiếp tục chống đỡ cho đồng Euro.

- Và người đó không phải là ông?

Soros: Vâng. Không phải là tôi (cười).

- Và cuối cùng Trung Quốc vẫn là người chiến thắng duy nhất trong cuộc khủng hoảng này?

Soros: Trung Quốc, tất nhiên, đã là người chiến thắng vĩ đại của toàn cầu hóa, và nếu toàn cầu hóa sụp đổ, người Trung Quốc cũng sẽ nằm trong số những người thất bại. Vì vậy, họ có một quan tâm mạnh mẽ trong việc bảo tồn hệ thống toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, theo cách nào đó, họ cũng miễn cưỡng chấp nhận điều đó như là người Đức. Đức do dự chấp nhận trách nhiệm về châu Âu còn Trung Quốc thì do dự để nhận trách nhiệm đối với thế giới. Nhưng cả hai đều bị đẩy vào gánh những trách nhiệm đó.

– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện, ông Soros.

Phương Anh (Theo SO)