Đốt đuốc đi tìm người viết sách thiếu nhi

08:09 | 25/09/2016

659 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thực tế hiện nay cho thấy, trên thị trường sách thiếu nhi, số lượng đầu sách dịch từ các ấn phẩm nước ngoài đang “áp đảo” so với sách do các tác giả người Việt. Chính vì thế, các nhà phê bình, các nhà văn, nhà thơ và những người nặng lòng với nghiệp cầm bút đã không ít lần bày tỏ nỗi niềm đốt đuốc đi tìm người viết cho thiếu nhi…

Theo thống kê, hơn 50% số sách cho thiếu nhi hiện nay vẫn từ nguồn nhập khẩu, trong đó nhiều cuốn không phù hợp văn hóa hoặc có nội dung khác biệt với cuộc sống, sinh hoạt và tâm lý trẻ em Việt Nam, cho nên tính giáo dục không cao. Thực tế trẻ em hiện nay ít đọc sách, chủ yếu đọc truyện tranh (nước ngoài) vẫn luôn là mối lo của người lớn.

Trong khi đó, theo cuộc khảo sát về nhu cầu mua sách cho trẻ em của nhà xuất bản Trẻ đem đến một kết quả bất ngờ, khi có tới 38% số phụ huynh muốn mua sách nội cho con, còn số người muốn mua sách ngoại chỉ chiếm 9%; nhưng các phụ huynh đang gặp khó vì sách nội quá ít.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với một số tiến sĩ giáo dục học, đại diện nhà văn và đơn vị xuất bản, phát hành các ấn phẩm sách, truyện dành cho thiếu nhi về vấn đề trên.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh - Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”:

Mong muốn viết cho các em, vì các em

dot duoc di tim nguoi viet sach thieu nhi

Trong thời đại có sự “phủ sóng” khắp nơi của công nghệ và một nền văn hóa thính thị thì việc đánh giá niềm yêu thích đọc sách của trẻ cần phải có sự tìm hiểu cẩn trọng. Có thực là một đứa trẻ ít sờ đến sách là nó hoàn toàn không thích đọc sách hay không? Nếu gia đình, nhà trường hỗ trợ nó tìm được thời gian và cách tiếp cận sách thì sẽ thế nào?

Cá nhân tôi cho rằng, nhu cầu đọc sách đối với trẻ cũng tự nhiên như nhu cầu chơi game, xem tivi, giao

Người lớn đã lơ là với sách vở, với văn hóa đọc thì e là khó có thể tạo cho con em mình thói quen đọc sách, chứ không nói tới tình yêu với sách vở. Đó một phần do mặt trái của sự phát triển và hội nhập công nghệ thông tin. Nghịch lý phải không? Nhưng đúng vậy đấy. Điện thoại di động, iPad, máy tính, laptop lại đang khiến ngày càng nhiều người xa rời sách in.

lưu bạn bè - sách là một góc tinh thần của chúng. Hiện giờ, có quá nhiều điều cản trở việc một bạn đọc nhỏ tuổi xây dựng “thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc” của mình, nói theo cách nói của tác giả Nguyễn Hữu Viêm, thì đó là những khía cạnh làm nên văn hóa đọc. Chẳng hạn, lượng bài vở quá nhiều, thời gian nghỉ giữa các buổi học còn không có, thời gian dành cho sách bị thu hẹp đến mức thấp nhất.

Việc học Văn và các môn học trên lớp vẫn theo hình thức học để thi, chưa kích thích và dẫn dắt các bạn tìm đọc thêm sách để mở rộng vấn đề đang học để tìm hiểu, để cảm, để vui. Vì thế mà, điều ta thấy phổ biến vẫn là những đứa trẻ của iPhone, iPad, tivi hoặc là của những cuốn truyện tranh đơn giản, chớp nhoáng, vừa đủ để vui cười, cũng vừa vặn đáp ứng nhu cầu đọc cân đối với thời gian đứa trẻ có thể dành cho việc đọc.

Thế nhưng, nếu bạn chứng kiến cảnh trên dưới 3 nghìn người bất chấp nắng mưa, kiên nhẫn xếp hàng để nhận chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vào ngày ra mắt sách của nhà văn (đều đặn suốt 4 năm trở lại đây tại Hà Nội) thì bạn có thể lờ mờ hiểu rằng, trong những đứa trẻ, những người trẻ vẫn có rất nhiều độc giả tiềm năng, nếu không nói là phần lớn. Làm gì để “tiềm năng” ấy được khơi dậy mới là vấn đề cần đặt ra.

Đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi trong những năm gần đây đúng là chưa nhiều và chưa “hùng hậu” nếu so với đội ngũ gạo cội của thế hệ trước, thời mà văn học thiếu nhi được quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng với những tên tuổi đi vào lịch sử như Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Đoàn Giỏi, Vũ Hùng, Trần Hoài Dương, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Hoàng Sơn, Xuân Quỳnh...

Thế nhưng, tôi vẫn thấy sự bền bỉ từ tấm lòng yêu trẻ của những người gắn bó với nghề, mong muốn viết cho các em, vì các em. Bên cạnh các cây bút đã thành danh trong lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi như Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến, Trần Quốc Toàn, Lê Phương Liên... những tác giả như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyên Hương, Văn Thành Lê, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Vũ Thị Thanh Tâm, Văn Thành Lê... cũng đã được các bạn đọc nhỏ tuổi đây đó nhớ tên và yêu mến, dù có thể các em đọc họ chưa thành “vệt”, chưa hệ thống.

dot duoc di tim nguoi viet sach thieu nhi
Trẻ em chọn sách trong Hội sách Văn Miếu 2015

Nhiều cây bút được phát hiện trong một phong trào, một cuộc thi, nhưng không có nghĩa là tất cả các tác giả xuất hiện trên đời đều từ đó. Có những người dành cả đời sáng tác cho thiếu nhi, nhưng có cây bút tạt ngang cũng đem đến cho các em những món ăn tinh thần phong phú, đồng hành cùng các em trong cuộc sống hay cả những vấn đề thời đại. Chẳng hạn, đạo diễn Lê Hoàng với “Sao thầy không mãi teen teen” dành cho độc giả trung học cơ sở, trung học phổ thông, Đỗ Bích Thúy với những câu chuyện về “Em Béo”, Phong Điệp với các tác phẩm viết cho con gái và bạn bè của con, Nguyễn Đình Tú với “Chú bé mang chiếc ba-lô màu đỏ”...

Ưu thế của các nhà văn thế giới là các cuộc phiêu lưu không biên giới, xuyên thời gian cùng với trí tưởng tượng bay bổng tuyệt vời, sáng tạo không giới hạn. Những Piter Pan, Alice, gia đình Mumi, Karik và Valia, Harry Potter... từ đó mà ra đời. Nhưng nếu các nhà văn Việt Nam chưa làm nên đột phá ở mảng này, họ lại có cơ hội ở cuộc sống hiện tại, rất thật, kề bên. Những câu chuyện vừa chia sẻ cảm xúc với trẻ, vừa hướng dẫn ứng xử và giúp trẻ định nghĩa các khái niệm giá trị tinh thần quan trọng như tình chị em, tình bạn, sự trung thực, khảng khái, tương trợ, lòng tin, niềm vui... (Vũ Thị Thanh Tâm với “Cuộc chiến tóc ngắn tóc dài”, Tuệ An với “Đường ra biển lớn”, Ngọc Linh với “Tét đại ca - cậu thật rắc rối”, Hương Thị với “Tũn tồ”...).

Nói về yêu cầu, tiêu chí về nội dung và hình thức, thì có nhiều, thậm chí có những điều tỉ mẩn như cỡ chữ, màu sắc tranh minh họa, số lượng chữ, khoảng cách lề sao cho phù hợp với sức khỏe và khả năng tiếp thu của trẻ. Nhưng ngắn gọn thì, viết sách cho trẻ em là một việc khó. Người viết dù viết từ nhu cầu tự thân của mình thì vẫn không thể không nghĩ tới cảm nhận và nhu cầu đọc của độc giả độ tuổi mà mình hướng tới.

Những điều hấp dẫn được trẻ như phiêu lưu, kiến thức mới mẻ, sự hài hước, sự bay bổng... cũng cần được sắp xếp hài hòa trong trang viết của nhà văn, sao cho tác phẩm vẫn là sự dẫn dắt, hướng dẫn của một người có kinh nghiệm hơn về cuộc sống, chia sẻ và đồng hành cùng các em trong chặng đường tìm hiểu thế giới và bản thân mình. Sự hiểu biết về tâm lý của trẻ, sự hiểu biết cuộc sống, cộng với tài năng văn chương và... cả may mắn nữa - mới làm nên một tác giả mà các em yêu mến.

Giám đốc Pandabooks Nguyễn Thanh Giang:

Sách “thuần Việt” còn quá ít

dot duoc di tim nguoi viet sach thieu nhi

Có một điều cần phải khẳng định, đó là trẻ em thời xưa hay thời nay đều có nhu cầu và thích đọc sách dù hiện nay đang có quá nhiều thiết bị điện tử hay những cuốn truyện tranh đơn giản, chớp nhoáng lôi kéo chúng. Thế nhưng, rõ ràng là nhu cầu đọc của trẻ em khác người lớn, thế giới chúng nhìn cũng khác chúng ta.

Tuy nhiên, là một người gắn bó với việc làm sách nói chung và sách cho trẻ em nói riêng, tôi cũng nhận thấy một thực tế khá… đau lòng, đó là số lượng tác giả và tác phẩm dành riêng cho trẻ em còn quá ít, đặc biệt là những cuốn sách “thuần Việt”. Khó khăn nhìn từ phía các tác giả rất nhiều, họ thiếu động lực để làm, thiếu những sân chơi như những trại sáng tác, những cuộc thi… để họ tập dượt, để sáng tác. Trên thực tế, không có nhiều tác giả, nhất là các tác giả trẻ viết sách cho lứa tuổi thiếu nhi, vì thế những tựa sách dành cho trẻ con Việt vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bên cạnh đó, muốn viết cho trẻ em thì người viết phải có kinh nghiệm sống, nắm bắt tâm lý trẻ em giỏi mới có thể viết hay cho trẻ đọc, chính vì thế những nhà văn viết truyện trẻ em đa số đều là người có tuổi. Thứ hai là sách, viết cho trẻ em ít gây được sự chú ý so với những cuốn sách kiểu như ngôn tình hay tìm cách khai thác những vấn đề thuộc dạng “đại ngôn”. Đó là một trong những nguyên nhân ít tác giả mặn mà với mảng đề tài này.

Còn nhìn từ phía các nhà xuất bản, đơn vị phát hành các ấn phẩm dành cho phụ huynh và trẻ em như Pandabooks, khó khăn lại nằm ở những trở ngại khi tái bản những cuốn sách cũ hay tìm kiếm bản thảo mới, có chất lượng. Với nhiều ấn phẩm cũ, đã gây dựng được tên tuổi chúng tôi phải liên hệ tác giả và người thân (với trường hợp tác giả đã mất) để xin làm mới tác phẩm, sau đó là tìm tòi nghiên cứu cách thể hiện mới phù hợp với thị hiếu của độc giả nhỏ tuổi hiện nay…, nhưng không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ.

Đối với các bản thảo mới, việc tìm kiếm cũng như thẩm định chất lượng của bản thảo này cũng không hề đơn giản. Với thực tế tác giả chuyên viết cho thiếu nhi không nhiều, càng không nói tới việc tác giả đó có tên tuổi, nên để có trong tay một bản thảo chất lượng là điều không hề dễ dàng; còn với tác giả chưa có tên tuổi, công việc thẩm định chất lượng còn khó khăn hơn gấp bội. Hay với các ấn phẩm nước ngoài, chúng ta không thể chỉ nhìn vào tiêu chí best-seller (ấn phẩm bán chạy) hay tên tuổi tác giả, số lượng đầu sách bán ra ở nước ngoài để đánh giá đó là ấn phẩm phù hợp với trẻ con Việt Nam.

Thời gian gần đây, rất nhiều phụ huynh phàn nàn rằng sách cho trẻ em phần lớn là sách dịch. Là một đơn vị phát hành sách, trong đó có nhiều mảng sách cho thiếu nhi, chúng tôi không phủ nhận thực tế này, bởi số lượng sách dịch đang có vị trí áp đảo khoảng 70-80% tổng đầu sách cho thiếu nhi, trong khi đó sách nội chỉ chiếm khoảng 20%. Bản thân các đơn vị xuất bản, phát hành sách như Pandabooks cũng cảm thấy vô cùng trăn trở với thực trạng này, bởi rõ ràng không phải cuốn sách nào được nước ngoài yêu thích cũng phù hợp với phong tục, tập quán hay đặc điểm của trẻ em nước ta. Trước đây, chúng tôi đã từng gặp nhiều trường hợp “vênh” nhau về tôn giáo, quan điểm… của nước ngoài và Việt Nam trong các ấn phẩm, nhiều lúc chúng tôi phải xin ý kiến tác giả để bỏ các chương, các phần không phù hợp. Tuy nhiên, việc này kéo theo rất nhiều vướng mắc về thủ tục cũng như kết cấu cuốn sách.

Để góp phần giải quyết các khó khăn, Pandabooks cũng như nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành… đang nỗ lực hết sức mình để tìm kiếm những bản thảo chất lượng, phù hợp thị hiếu cũng như có giá trị giáo dục, định hướng cho thiếu nhi bằng tất cả tình yêu nghề, yêu trẻ và trách nhiệm với cộng đồng. Bởi rõ ràng, bên cạnh các cuốn sách do các tác giả Việt viết nên, sách dịch vẫn là mảng không thể thiếu trong ngành xuất bản của bất kỳ quốc gia nào, nó thể hiện sự giao thoa văn hóa, học hỏi nước bạn chứ không đơn thuần chỉ phục vụ cho giải trí hay lợi nhuận.

Tuy nhiên, để có thể đạt được kết quả nào đó trong “công cuộc” làm sách cho trẻ em đọc, để chúng yêu thích và phù hợp với mục đích định hướng, giáo dục, tạo thói quen đọc cho trẻ thì không chỉ dựa vào nỗ lực của các tác giả hay các đơn vị xuất bản, phát hành. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ và tạo điều kiện từ phía các cơ quan chức năng để có nhiều hơn những tác phẩm hay dành cho con trẻ.

Nhà văn Lê Tấn Hiển:

Ít người viết lấy đâu ra nhiều sách

dot duoc di tim nguoi viet sach thieu nhi

Tôi phải nói rất thật một điều, tôi thấy trẻ em hiện nay rất ít em thích thú với việc đọc sách so với việc chơi điện tử hay giải trí bằng các thiết bị công nghệ. Mà không chỉ nói riêng trẻ em đâu, chính người lớn chúng ta cũng bắt đầu có nhiều người hầu như cả năm không cầm đến cuốn sách nào. Người lớn đã lơ là với sách vở, với văn hóa đọc, thì e là khó có thể tạo cho con em mình thói quen đọc sách, chứ không nói tới tình yêu với sách vở. Đó một phần do mặt trái của sự phát triển và hội nhập công nghệ thông tin. Nghịch lý phải không? Nhưng đúng vậy đấy. Điện thoại di động, iPad, máy vi tính, laptop lại đang khiến ngày càng nhiều người xa rời sách in.

Trong khi đó, sách lại cung cấp cho trẻ nhiều kiến thức bổ ích, những khám phá thú vị, những cuộc phiêu lưu kỳ thú. Sách còn giúp trẻ hình thành nên nhân cách, học cách ứng xử thân thiện, lối sống đạo đức, lòng nhân ái. Các nhà sư phạm đồng ý rằng: Đọc sách là một trong những cách học tốt nhất để giúp trẻ phân biệt được việc làm đúng và sai. Hơn nữa, nội dung cuốn sách còn củng cố những giá trị mà các bậc phụ huynh đang dạy con khi ở nhà.

Nói về các tác giả viết cho thiếu nhi, có một thực tế mà ai cũng nhận thấy, đó là tác giả viết cho thiếu nhi vốn xưa nay bao giờ cũng ít, nếu không muốn nói là rất hiếm. Số nhà văn chuyên nghiệp viết cho thiếu nhi, tính cả nước, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số tác giả có danh nay đã mất hoặc cao tuổi, hầu như không còn viết nữa. Tác phẩm của họ chỉ là tái bản mà thôi. Người viết cho trẻ ít, thì sách thiếu nhi ít là đương nhiên.

Có thống kê cho biết, số lượng tác giả viết cho thiếu nhi vào khoảng 200 người, nhưng theo tôi, tính cả văn và thơ, thì nhà văn thực sự chuyên viết cho thiếu nhi đâu có được nhiều thế. Nhiều vị gọi là cũng có viết cho thiếu nhi, từng cũng viết về thiếu nhi hoặc có một truyện, một bài thơ viết cho thiếu nhi… nếu cộng cả số ấy, theo tôi, mới được con số trên.

Trên thực tế, ít người viết cho thiếu nhi thì lấy đâu ra nhiều sách để đọc. Tìm dịch và xin, mua bản quyền sách viết cho thiếu nhi của các nước cũng là một giải pháp của người làm xuất bản đặng khỏa lấp thiếu hụt đó. Song, chọn dịch gì, phù hợp với văn hóa Việt Nam không, tỷ lệ truyện tranh và truyện đọc bao nhiêu cho hợp lý, thì nhiều đơn vị xuất bản vẫn chưa tính đến, nên hậu quả xảy ra như chính những lời than vãn, kêu ca của các bậc phụ huynh.

Viết sách cho thiếu nhi không gì ngoài lòng đam mê và tình yêu của mình. Phải hướng thiện thông qua những câu chuyện, nhân vật. Loại bỏ những sự khuyên nhủ giáo điều, cứng nhắc bằng suy nghĩ tác giả. Khoa giáo với thiếu nhi phải thông qua tính cách nhân vật, sự kiện cụ thể, sự xung đột tạo sự giáo dục cho thiếu nhi.

Ngoài ra, đối với người cầm bút, bất kể nhà văn hay nhà báo, “viết cho ai” luôn là câu hỏi đầu tiên. Vì nếu đã xác định viết cho trẻ xem, thì phải viết sao cho chúng hấp dẫn, thu hút chúng bằng những gì gần gũi với đời sống của chúng, biết chúng thích gì, không thích gì… Và đương nhiên nhà văn cũng cần lồng ghép tính giáo dục, hướng dẫn, thẩm mỹ trong ấy… Tôi nghĩ, chỉ giản dị gói gọn trong mấy điều trên, đủ làm phương châm cho người muốn viết sách thiếu nhi.

Vừa rồi, nhà sách “Tri thức trẻ” có gặp tôi và xin được tái bản bộ truyện 16 tập chị vừa nói đấy - “Đội đặc nhiệm nhà C21”. Ngoài nhiều trao đổi với nhau, tôi hỏi anh phụ trách nhà sách lý do muốn in lại cuốn này. Anh nói, đại ý, chúng tôi làm sách, ngoài phục vụ nhu cầu đa dạng của độc giả nhiều thành phần, lứa tuổi, còn phải tính đến chuyện kinh doanh nữa. Nghĩa là in ra phải bán được và có lãi. Khi đi khảo sát thị trường phát hành, tức chủ các hiệu sách, hỏi: chúng tôi muốn tái bản một số sách thiếu nhi, nên chọn cuốn nào? Các chủ hiệu đưa ra một danh sách ngắn, trong đó có “Đội đặc hiệm nhà C21”. Và họ chắc chắn sẽ bán được. Với tác giả, chẳng biết chuyện như thế có phải niềm vui không nhỉ.

Thành lập bộ phận đánh giá, khảo sát thị hiếu, nhu cầu của từng đối tượng độc giả như phụ huynh, trẻ em từng lứa tuổi… sau đó đề ra chương trình, chiến lược tìm kiếm bản thảo trong và ngoài nước phù hợp các ấn phẩm phải có giá trị.

Vương Tâm - Thanh Huyền

Năng lượng Mới 560