Điều "lạ" trong giải Cánh diều 2016

16:48 | 17/03/2017

1,685 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không có phim nhà nước nào tham gia tranh giải; không chấp nhận phim Việt hóa là hai điểm đáng chú ý nhất trong giải thưởng Cánh diều năm nay.  

Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải, tính đến ngày 13/3 đã có 123 tác phẩm tham gia đề cử giải thưởng Cánh diều 2016 với 118 phim và 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh. Trong số các phim có 19 phim điện ảnh tiêu biểu như: Sài Gòn anh yêu em, đạo diễn Lý Minh Thắng; Tấm Cám: Chuyện chưa kể, đạo diễn Ngô Thanh Vân; Bao giờ có yêu nhau, đạo diễn Dustin Nguyễn... Ngoài ra còn có phim truyền hình, phim hoạt hình, phim tài liệu, khoa học, phim ngắn.

Có điều lạ trong giải Cánh diều năm nay là không có một bộ phim nhà nước nào tham dự tranh giải. Đây có lẽ là điều mới mẻ nhất sau nhiều mùa tổ chức của giải thưởng Cánh diều.

dieu la trong giai canh dieu 2016
"Vệ sĩ Sài Gòn" gây tranh cãi khi tham dự tranh giải Cánh diều

Một điểm đáng chú ý của Lễ trao giải Cánh diều 2016 đó là tất cả các hạng mục đều không chấp nhận phim Việt hóa. Theo ông Đặng Xuân Hải, nếu để các phim Việt hóa tranh giải sẽ không cân sức, không công bằng với những sản phẩm điện ảnh thuần Việt. Mục tiêu của giải thưởng Cánh diều 2016 là khích lệ phim dân tộc nên sẽ ưu tiên các sản phẩm điện ảnh trong nước. Như vậy, thêm một năm nữa Cánh diều vàng “từ chối” các bộ phim sử dụng kịch bản nước ngoài, mặc dù hầu hết những bộ phim này đều “làm mưa làm gió” tất cả các phòng chiếu tại Việt Nam.

Trong khi đó, việc bộ phim “Vệ sĩ Sài Gòn” của đạo diễn người nước ngoài Ken Ochiai có tên trong danh sách tham dự giải lại đang gây tranh cãi trong dư luận. Lý giải về việc cho phép bộ phim tham gia tranh giải, đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết: “Phim “Vệ sĩ Sài Gòn“ vẫn đang trong quá trình xem xét vì đây là bộ phim do đạo diễn nước ngoài thực hiện. Bộ phim có thành công hay không thì vai trò của đạo diễn mang tính chất quyết định. Nhưng nếu loại bỏ phim này ra khỏi danh sách thì thiệt thòi cho ê kíp vì quay phim, diễn viên… là người Việt Nam. Có thể trong cuộc bàn bạc sắp tới với ban tổ chức, chúng tôi sẽ xem xét để dự án “Vệ sĩ Sài Gòn” tranh giải thưởng cá nhân chứ không tranh giải phim. Đây cũng là cách để khích lệ tinh thần những người làm điện ảnh trong nước”.

Giải thưởng Cánh diều 2016 vẫn giữ nguyên cơ cấu gồm giải Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và bằng khen trao cho mỗi hạng mục phim. Ngoài ra còn có giải Cánh diều vàng cho cá nhân là người Việt (kể cả người Việt mang quốc tịch nước ngoài và người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam) tham gia thực hiện các phim có chủ sở hữu (hoặc đồng sở hữu) thuộc Việt Nam sản xuất.

Với tiêu chí giải thưởng năm nay là đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực; vì vậy giải Cánh diều vàng không chỉ là sân chơi dành cho các bạn trẻ thể hiện tài năng mà qua đó còn là nơi để các bạn trẻ ươm mầm sáng tạo và phát triển. Từ đó, góp phần tạo ra lớp công chúng trẻ tương lai yêu thích điện ảnh, giúp điện ảnh Việt Nam phát triển hơn nữa.

Với mong muốn đưa điện ảnh Việt Nam đến gần hơn với công chúng, trước và sau ngày diễn ra Lễ trao giải, sẽ có các hoạt động chiếu phim điện ảnh miễn phí tại 5 điểm: Rạp Cinebox, Cinestar Quốc Thanh, CGV Thảo Điền, BHD, Trung tâm nghiên cứu và lưu trữ điện ảnh (từ 3- 7/4); tổ chức chương trình phim Hàn Quốc tại rạp chiếu phim Cinebox chào mừng Giải thưởng Cánh diều với sự tham gia của đoàn điện ảnh Hàn Quốc (từ 8 – 10/4).

Sau giải Cánh diều năm nay, phía Hàn Quốc sẽ có các lớp dạy về diễn xuất cho các học viên là các sinh viên các trường sân khấu, điện ảnh, các lớp học liên quan đến công tác làm phim tại Việt Nam.

Lễ trao giải Cánh diều 2016 sẽ được Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức vào ngày 9/4 tới, tại Nhà hát Quân đội, TP. HCM.

Nhã Anh