Trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải

Di sản trong cuộc sống đương đại

07:19 | 24/12/2017

459 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thành Điện Hải đóng vai trò to lớn trong trận chiến chống lại liên quân Pháp - Tây Ban Nha tại Đà Nẵng từ năm 1858 đến 1860. Đây không chỉ là một kiến trúc quân sự điển hình thời trung đại Việt Nam mà còn là một di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của quốc gia. Song, nhiều năm qua, thành Điện Hải đã bị xâm hại khá nghiêm trọng.  Hiện nay, Đà Nẵng đang lên phương án trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải. Báo Năng lượng Mới ghi lại một số ý kiến của các chuyên gia xung quanh vấn đề này.

GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Súng thần công là bảo vật quốc gia

di san trong cuoc song duong dai

Thực tế, Di tích thành Điện Hải đã bị xâm lấn từ sau năm 1975. Thời điểm đó, đã có nhiều hộ dân đến sinh sống và xây dựng nhà cửa xâm lấn di tích. Đồng thời, chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khi đó còn bố trí cho Công ty Dược phẩm xây dựng trụ sở ngay bên trong thành Điện Hải. Chính vì thế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng của công ty đã làm méo mó, biến dạng khu di tích trong một thời gian dài.

Năm 1988, thành Điện Hải được lập hồ sơ xếp hạng di tích. Hiện nay, thành Điện Hải chỉ còn 4 bức tường thành chính và hệ thống hào, rãnh phía đông và phía nam, còn các hào rãnh khác đã bị xâm hại gần như hoàn toàn. Theo hồ sơ xếp hạng di tích, thành Điện Hải có 2 khu vực bảo vệ. Khu vực 1 là toàn bộ phần bên trong, được bao bọc bởi bờ tường phía trong thành. Khu vực 2 là hệ thống hào, rãnh và phần đất xung quanh, cách chân tường thành 65m. Tuy vậy, hàng loạt công trình đã xây dựng lấn vào phía bờ hào, chân thành và tường thành, làm thay đổi hiện trạng vốn có của tòa thành cổ này.

Đây là những hiện vật gốc, độc bản, được phát hiện tại di tích thành Điện Hải. Những khẩu súng được triều đình nhà Nguyễn đúc và trang bị cho hệ thống phòng thủ ven biển ở Đà Nẵng.

Ngoài những hộ dân lấn sâu, làm nhà chồng lên tường thành ở khu vực phía tây, các tòa nhà Trung tâm hành chính, Công viên phần mềm, Trung tâm thể dục thể thao người cao tuổi... nằm ở các phía đông, nam và bắc thành Điện Hải đã vi phạm khoảng cách bảo vệ tòa thành. Đặc biệt, Bảo tàng Đà Nẵng, một công trình kiên cố với kiến trúc hiện đại nằm ngay trong khu vực bảo vệ tại khuôn viên thành Điện Hải, đã xâm hại nặng nề nhất đến tính toàn vẹn của di tích.

Năm 2016, Đà Nẵng đã kiến nghị về việc xếp hạng bộ sưu tập súng thần công là bảo vật quốc gia. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chuyển hồ sơ xin ý kiến Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia trước khi báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Tuy nhiên, Hội đồng vẫn cân nhắc về nội dung giá trị, đặc biệt là tính xác thực, tiêu biểu của bộ sưu tập súng thần công.

di san trong cuoc song duong dai
Thành Điện Hải nhìn từ trên cao

Bản thân tôi là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đã kiến nghị Hội đồng sớm có ý kiến đồng thuận công nhận bộ sưu tập này là bảo vật quốc gia. Theo tôi, bộ sưu tập súng thần công này có nhiều giá trị đặc sắc.

Thứ nhất, đây là những hiện vật gốc, độc bản, được phát hiện tại di tích thành Điện Hải. Đây là những khẩu súng được triều đình nhà Nguyễn đúc và trang bị cho hệ thống phòng thủ ven biển ở Đà Nẵng, trong đó có thành Điện Hải, đồng thời trực tiếp tham gia cùng quân, dân Đà Nẵng chiến đấu chống lại liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Đà Nẵng từ năm 1858-1860.

Thứ hai, bộ sưu tập này có giá trị đặc biệt vì liên quan đến sự kiện lịch sử của đất nước, gắn liền với di tích lịch sử cấp quốc gia là thành Điện Hải. Đây là một trong những pháo đài cổ có vị trí quan trọng hàng đầu ở Việt Nam vào thế kỷ XIX.

Theo tôi, Đà Nẵng cần phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch trong việc quảng bá, khai thác bộ sưu tập bảo vật quốc gia và Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải. Đây là những tài nguyên du lịch đặc sắc của Đà Nẵng nằm trong sự liên kết đặc biệt với các di sản văn hóa thế giới là Huế, Hội An và Mỹ Sơn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học - Đại học Huế: Điều chỉnh những sai sót

di san trong cuoc song duong dai

Hiện chưa có một công trình nghiên cứu toàn diện nào về thành Điện Hải được công bố, chủ yếu là lưu hành nhỏ hẹp trong giới nghiên cứu. Trong những bài viết đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều chi tiết sai sót cả về chuyên môn lẫn khoa học, thậm chí mâu thuẫn nhau. Do vậy, đây là một thách thức lớn cho việc nhận thức và xây dựng các phương án bảo tồn, tôn tạo và phục hồi, phát huy giá trị của di tích.

Đầu tiên, chúng ta phải thống nhất được thành Điện Hải có bao nhiêu tên gọi. Theo tôi, nơi này chỉ từng được gọi là đài Điện Hải, thành Điện Hải và đồn Điện Hải chứ chưa bao giờ có tên là bảo Điện Hải như trong một số tài liệu đã dẫn. Chúng ta có thể tra cứu điều này trong sách Đại Nam Thực Lục.

Thứ hai, phải thống nhất được thời điểm thành Điện Hải được xây dựng. Lâu nay, giới học thuật và các phương tiện thông tin đại chúng đều sử dụng mốc 1823 (năm Minh Mạng thứ 4) để nói về thời điểm di tích thành Điện Hải được xây bằng gạch. Quốc sử quán triều Nguyễn cũng ghi trong bộ Đại Nam Nhất Thống Chí rằng: “Năm Gia Long thứ 12 (1813) đắp đài ở trấn Đà Nẵng hơi gần bãi biển. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) dời đến chỗ hiện nay và xây bằng gạch”.

Trong những bài viết đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều chi tiết sai sót cả về chuyên môn lẫn khoa học, thậm chí mâu thuẫn nhau về thành Điện Hải.

Tuy nhiên, trong hai bộ Đại Nam Thực Lục và Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ đều khẳng định, thành Điện Hải được xây vào năm 1822 và đến năm 1823 mới hoàn thành. Đó là cơ sở để điều chỉnh khi đề cập đến mốc xây dựng thành Điện Hải.

Tiếp theo là việc xác định chu vi, diện tích, độ rộng, độ sâu của hào di tích thành Điện Hải là bao nhiêu? Điều này rất quan trọng trong việc phục hồi và tôn tạo di tích. Sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ cho biết khá chi tiết là thành Điện Hải có chu vi 139 trượng, cao 1 trượng 2 thước, hào rộng 4 trượng 5 thước. Trong cuốn Đại Nam Nhất Thống Chí thì ghi thành Điện Hải cao 1 trượng 2 thước, hào sâu 7 thước.

Sau này, nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả Báo cáo khảo sát của Đà Nẵng đều quy đổi ra đơn vị mét tây, thường quy đổi thành chu vi 556m, tường cao 5m, hào sâu hơn 3m. Cách tính này cho thấy tác giả quy đổi đơn vị chiều dài 1 trượng thành 4m, 1 thước thành 0,4m. Thế nhưng, những kết quả nghiên cứu về đơn vị đo lường thời Nguyễn được kiểm chứng thì 1 trượng bằng 4,7m, 1 thước bằng 0,47m. Do đó, chu vi thành Điện Hải phải là 139 trượng x 4,7m là 653,3m, chiều cao thành là 5,64m.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần thống nhất quan điểm về việc thành Điện Hải có 2 cửa hay 3 cửa, gồm những bộ phận nào, cột cờ thành Điện Hải nằm ở vị trí nào?...

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế: Góc nhìn di tích trong tương lai

di san trong cuoc song duong dai

Tôi sẽ không nói thêm đến các giá trị lịch sử của thành Điện Hải, mà xin nói góc nhìn về thành Điện Hải trong tương lai.

Chúng ta cần làm gì để bảo tồn di tích thành Điện Hải một cách phù hợp và khai thác, phát huy giá trị di tích này tốt nhất? Đó là một câu hỏi lớn. Ở đây, tôi xin có một vài đề xuất.

Thứ nhất, việc bảo tồn thành Điện Hải phải làm sao giữ gìn được một cách bền vững các giá trị nổi bật, độc đáo, hiếm có của di tích. Đó là bảo tồn, phục hồi diện mạo một tòa thành quân sự gắn liền với một cảng khẩu quan trọng nhất của Việt Nam trong thế kỷ XIX. Đây là nơi đã từng chứng kiến một cuộc đụng độ bi hùng giữa dân tộc Việt Nam với quân xâm lược phương Tây, mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc. Vì vậy, trong phương án bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị di tích thành Điện Hải, phải làm sao làm nổi bật đặc điểm này.

Thứ hai, phương án phục hồi cần phải được nghiên cứu kỹ, được thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, những chuyên gia về bảo tồn di sản, thăm dò dư luận để tạo sự đồng thuận. Đà Nẵng quyết định mở rộng khu vực quy hoạch rộng đến 2,6ha sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, phục hồi các cảnh quan phù hợp và xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ cho việc khai thác, phát huy giá trị di sản... Cần phải tính đến lượng khách du lịch đến tham quan thành Điện Hải sẽ tăng lên nhiều lần so với hiện nay sau khi được tôn tạo, trùng tu.

Quy hoạch cần tính đến việc thích ứng của thành Điện Hải với môi trường đương đại xung quanh, chứ không thể chủ quan duy ý chí là phải trả về đúng môi trường nguyên thủy cho di tích.

Thứ ba, về phương án khai thác, phát huy giá trị di sản thành Điện Hải, ngoài trưng bày, giới thiệu theo các phương pháp truyền thống thì tôi nghĩ chúng ta cần phải tính đến việc ứng dụng các công nghệ hiện đại để quảng bá và giới thiệu về di sản. Việc cần làm là xây dựng kênh thông tin quảng bá về di tích để giới thiệu ngay với du khách khi họ mới đặt chân đến Đà Nẵng. Phương pháp tiếp cận, ngoài quảng bá trực quan như pano, áp phích... thì xu hướng hiện nay là tiếp cận thông tin qua các phần mềm có thể dễ dàng khai thác như điện thoại thông minh, máy tính bảng...

Chúng ta cũng có thể xây dựng một trung tâm diễn giải lịch sử ngay trong thành Điện Hải, sử dụng các giải pháp công nghệ hiện đại kết hợp giữa phim 3D, 4D với hình ảnh, thuyết minh một cách đầy đủ, sinh động và hấp dẫn về lịch sử thành Điện Hải và cả hệ thống phòng thủ nguyên thủy của triều Nguyễn ở cảng Đà Nẵng. Hoặc có thể xây dựng những show diễn hoành tráng sử dụng các bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó ca bài chòi làm nòng cốt.

Và, quy hoạch cần tính đến việc thích ứng của thành Điện Hải với môi trường đương đại xung quanh, chứ không thể chủ quan duy ý chí là phải trả về đúng môi trường nguyên thủy cho di tích. Vì đó là một việc làm bất khả thi và cũng không phù hợp với quan điểm về bảo tồn và phát triển di sản hiện nay trên thế giới là “bảo tồn tích cực để di sản sống trong lòng cuộc sống đương đại”.

Từ đầu năm 2017, các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di tích thành Điện Hải đã và đang được lãnh đạo TP Đà Nẵng quan tâm. Việc thực hiện Dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải” với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP Đà Nẵng quyết định phê duyệt với diện tích 26.519m2 (Quyết định số 1259/QĐ - UBND ngày 8-3-2017). Ranh giới quy hoạch được xác định bởi các điểm phía bắc đường Lý Tự Trọng, phía nam giáp Trung tâm công nghệ phần mềm, phía đông giáp Trung tâm hành chính, phía tây giáp khu dân cư. Quyết định 1259 chỉ rõ, nội dung quy hoạch là khoanh vùng bảo vệ di tích thành Điện Hải và quy hoạch xây dựng các hạng mục tôn tạo cảnh quan (cây xanh, vườn dạo, bãi đỗ xe...), khớp nối đồng bộ với quy hoạch các khu dân cư lân cận.

Theo đó, giai đoạn 1 của dự án sẽ triển khai và hoàn thành trong 2 năm 2018-2019, gồm giải tỏa, đền bù các hộ dân phía tây thành Điện Hải. Tu bổ, tôn tạo lại thành trong, thành ngoài và hào nước, cải tạo cảnh quan khuôn viên, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật sân vườn phía ngoài... Cơ bản sau khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ trả lại nguyên vẹn hảo và tường thành ngoài, đồng thời tôn tạo cảnh quan di tích với tổng mức đầu tư khoảng 98 tỉ đồng. Trong đó chi phí đền bù khoảng 67 tỉ đồng, chi phí xây dựng 18 tỉ đồng…

Thanh Hiếu