Đẩy mạnh sản xuất hàng thay thế nhập khẩu

08:00 | 17/07/2011

421 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thực hiện một trong các mục tiêu của Nghị quyết của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, một Chương trình hành động cấp quốc gia đang được xây dựng nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu.

Trong cuộc họp về chương trình này diễn ra ngày 16/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện, trình Chính phủ báo cáo chi tiết về tình hình nhập khẩu các nhóm hàng nhập khẩu của Việt Nam, phân tích nhu cầu, khả năng sản xuất trong nước để từ đó đưa ra các giải pháp, chính sách phù hợp thúc đẩy sản xuất thay thế hàng nhập khẩu.

Năm 2010, riêng ngành công nghiệp đã có 4 nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn. Kim ngạch nhập khẩu nhóm máy móc, thiết bị, phụ tùng khoảng 15,5 tỉ USD; nhóm thép, vải, điện tử, xăng dầu phải nhập từ 4,5 – 6 tỉ USD mỗi mặt hàng; nhóm chất dẻo, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, hóa chất nguyên liệu, phôi thép, phân bón, linh kiện ôtô, tân dược phải nhập từ 1-3 tỉ USD mỗi mặt hàng; nhóm 6 mặt hàng ôtô, giấy, bông, cao su, sợi có giá trị nhập khẩu dưới 1 tỉ USD mỗi mặt hàng.

Các mặt hàng công nghiệp chủ yếu được nhập khẩu từ 34 nước và vùng lãnh thổ. Mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn chủ yếu do trong nước chưa sản xuất được để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ sản xuất như máy móc, thiết bị cơ khí, máy tính,…

Bộ Công Thương cũng đã có phân tích, đánh giá bước đầu về khả năng sản xuất một số mặt hàng công nghiệp chủ yếu thay thế nhập khẩu hiện nay.

Nhìn chung, hầu hết các mặt hàng đều mang lại cơ hội tốt cho các nhà sản xuất trong nước ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, để biến các cơ hội thành hiện thực, nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp cần phải giải quyết, khắc phục nhiều khó khăn, vướng mắc. Đối với nhà sản xuất, đó là nguồn lực, vốn lưu động, nguồn ngoại tệ đến công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh.

Một số chính sách cũng chưa thực sự tạo điều kiện cạnh tranh cho hàng trong nước như trong đấu thầu cung cấp thiết bị cũng như trong các dự án có thủ tục giải ngân dài và phức tạp. Bên cạnh đó, các sản phẩm trong nước cũng chịu sự thiệt hại lớn do hàng nhập lậu, hàng nhái.

Chọn lọc, tập trung sản xuất hàng có lợi thế cạnh tranh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, chương trình hành động cấp quốc gia về đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu cần làm rõ mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, doanh nghiệp trong nước nhằm tập trung sản xuất tại Việt Nam các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu với chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu và trong nước, có giá cạnh tranh so với hàng nhập khẩu cùng loại.

Trong bối cảnh mặt bằng cạnh tranh còn yếu của doanh nghiệp trong nước, Chương trình cần chọn lọc các ngành trong nước thực sự lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, tránh hỗ trợ tràn lan, hô khẩu hiệu.

Chương trình cũng cần xây dựng với các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, không vi phạm các cam kết quốc tế, gắn kết với nội dung Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 đang được xây dựng.

Theo chinhphu.vn