Đấu thầu vận tải trực tuyến: Ứng dụng công nghiệp 4.0

21:13 | 09/12/2017

1,413 lượt xem
|
Trước những khó khăn, thách thức của ngành vận tải trong thời đại công nghiệp 4.0, đấu thầu trực tuyến được đánh giá là tiết kiệm chi phí, công khai minh bạch, tránh tình trạng “đi đêm”, khuất tất và mọi người đều có thể tham gia…  

Bước đột phá

Cuối tháng 11-2017, Hiệp hội Vận tải Hà Nội phối hợp với Công ty Viladata tổ chức Hội thảo “Đấu thầu trực tuyến, giải pháp cho ngành vận tải trong thời đại 4.0”. Tại đây, nhiều khó khăn đã được các đơn vị vận tải đem ra mổ xẻ và thảo luận. Theo đó, bên cạnh những vướng mắc về cơ chế chính sách, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động kinh doanh vận tải được các đơn vị vận tải quan tâm. Hội thảo cũng giới thiệu hệ thống đấu thầu vận chuyển TransTender nhằm kết nối nhà vận tải và khách hàng. Qua hình thức này, khách hàng có nhu cầu thực hiện đăng thông tin dưới hình thức các gói thầu, nhà cung cấp vận tải tìm kiếm và xem xét các thông tin về các gói thầu đã đăng và nộp hồ sơ dự thầu.

dau thau van tai truc tuyen ung dung cong nghiep 40
Toành cảnh hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Thời đại công nghệ 4.0 được coi là thời đại kết nối số với những công nghiệp mới hoàn toàn. Đặc trưng của công nghệ số là kết nối được vạn vật. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh dù bạn ở đâu cũng có thể kết nối được với nhau. Ở Việt Nam, công nghệ số đang là một xu hướng mới để phát triển đất nước. Ngành vận tải cũng cần phải chuyển mình để theo kịp xu hướng mới.

Theo các chuyên gia, sàn giao dịch trực tuyến này là bước đột phá cho ngành vận tải trong thời đại mới. Các doanh nghiệp (DN) vận tải và khách hàng sẽ phải từng bước tham gia vào một sàn giao dịch trực tuyến để không bị loại ra khỏi thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.

Giảm chi phí, tránh “đi đêm”

dau thau van tai truc tuyen ung dung cong nghiep 40
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Nói về hệ thống đấu thầu vận chuyển TransTender, ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Mở đấu thầu trực tuyến chính là đang hấp thụ công nghiệp 4.0 theo đúng chủ chương của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải nhằm nâng cao chất lượng vận tải, hạ giá thành vận chuyển. Đây là một giải pháp không phải chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đã làm”.

Đưa giải pháp đấu thầu trực tuyến vào ngành giao thông vận tải sẽ giúp giảm giá thành, hạn chế xe rỗng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thủ tục hành chính cho các DN vận tải. Nếu theo cách truyền thống lâu nay các DN vẫn làm, đó là đi tìm kiếm khách hàng, đến tận nơi ký hợp đồng, đi lại rất nhiều lần, giờ chỉ cần sử dụng CNTT để hai bên có thể kết nối với nhau. Trong khi đó, có nhiều đơn vị vận tải tham gia sẽ có cạnh tranh về giá, từ đó hạ giá thành vận chuyển. Đây là điều mà ngành vận tải nói chung và Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói riêng mong muốn tạo ra cơ hội cho khách hàng và DN kinh doanh vận tải đạt được hiệu quả tối ưu.

Ngoài ra, khi áp dụng CNTT vào vận tải sẽ tạo thuận lợi cho các DN vận tải có thể sử dụng máy vi tính, sử dụng mạng xã hội. Thông tin của khách hàng được thể hiện nhanh chóng, DN vận tải chỉ cần kết nối mạng để biết nhu cầu của khách hàng, từ đó tính giá. Nhiều đơn vị cùng đưa ra giá hợp lý nhất để khách hàng có thể lựa chọn nhà vận tải có năng lực và giá phù hợp nhất cho mình.

TransTender phục vụ việc tìm kiếm, kết nối nhu cầu đi lại, vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng được thuận tiện, minh bạch, tận dụng các nguồn lực dư thừa trong xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm giá thành vận chuyển.

Hiện nay, đã có nhiều loại sàn giao dịch trực tuyến, ví dụ như sàn giao dịch bất động sản, sàn giao dịch chứng khoán… Ở TP Hồ Chí Minh cũng đã có sàn giao dịch về vận tải nhưng hoạt động chưa có hiệu quả. Vì đó là một phương thức hoạt động mới, người ta đã quen với cách làm thủ công nên chưa thể thích ứng được ngay. Tuy nhiên, đấu thầu trực tuyến làm theo một cách khác. Khi đưa thông tin lên sàn giao dịch đấu thầu trực tuyến, giá vận chuyển được công khai đến khách hàng, các DN vận tải cũng biết được rằng giá của DN mình đưa ra có thu hút được khách hàng hay không, từ đó phục vụ chất lượng vận tải phù hợp, giá hạ và đem lại lợi ích tốt cho xã hội.

Nói về đối tượng của đấu thầu trực tuyến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: Đối tượng của đấu thầu trực tuyến trước hết là hàng hóa, vì hiện nay vận tải hàng hóa ngày càng phát triển nên thị trường chủ yếu nhằm vào xuất nhập khẩu, phục vụ các cảng biển. Khi đấu thầu trực tuyến thành công, nguồn hàng phong phú, các DN vận tải sẽ đầu tư phương tiện tạo ra năng lực nhất định về quản lý tài chính và quản lý phương tiện, chất lượng vận chuyển sẽ được nhân lên nhiều lần.

Tuy nhiên, hiện nay khi áp dụng CNTT vào vận tải gặp rất nhiều khó khăn vì thói quen làm việc thủ công đã lâu đời. Nhiều DN vận tải còn chưa biết đến 4.0 là gì. Thêm vào đó, một số DN vận tải cho rằng, tất cả đều đã có sắp đặt, có “suất” hết rồi, có một nhóm lợi ích xen vào giữa những giao dịch đặt hàng nên không tạo nên sự công bằng. Do đó, ông Liên cho rằng: Cần phải cố gắng kiên trì thay đổi và áp dụng CNTT vào một cách từ từ. Theo TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Ưu điểm lớn nhất của đấu thầu trực tuyến là không có sự can thiệp vào bất cứ giai đoạn nào trong quá trình thương lượng và giao dịch của khách hàng/người dùng. Không đề xuất lộ trình hay giá cước, tất cả là do khách hàng và đối tác quyết định. Điểm khác biệt lớn nhất với các ứng dụng vận chuyển khác là khi khách hàng đăng thầu trên ứng dụng, thông tin gói thầu sẽ lập tức được gửi đến những nhà vận chuyển có đăng ký dịch vụ. Nhờ vậy, những nhà vận chuyển có thể nắm bắt được thông tin và tham gia đấu thầu ngay, tiết kiệm tối đa thời gian cho cả hai bên.

Theo ông Đỗ Quốc Hưng (Công ty Viladata), khi Uber, Grab vào thị trường Việt Nam thì taxi truyền thống điêu đứng và đưa ra nhiều biện pháp đối phó nhưng chưa hiệu quả. Mỗi đơn vị tự làm ứng dụng riêng (Mai Linh, Vinasun…) chưa tạo thuận lợi cho khách hàng, thị phần và lợi nhuận giảm xuống. Nếu không thay đổi sau một thời gian nữa, nhiều DN vận tải sẽ gặp khó khăn, phá sản.

Mỹ Hạnh - Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc