Đằng sau lời từ chối Nga của Belarus

13:30 | 08/10/2015

5,117 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm 6/10, Belarus tuyên bố không cần căn cứ hàng không của Nga. Đây là điều chẳng có gì lạ và đã được nhìn thấy ngay sau khi Nga thông báo muốn lập một căn cứ quân sự ở Belarus.
dang sau loi tu choi nga cua belarus
Ngày 11/10 sẽ diễn ra bầu cử Tổng thống tại Belarus

Hãng tin Pháp AFP dẫn thông báo của Văn phòng báo chí Tổng thống Belarus Lukashenko nói: "Hiện chúng tôi không cần một căn cứ, lại càng không cần lực lượng không quân. Chúng tôi cần những vũ khí cụ thể. Tôi đã công khai trao đổi vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin".

Thông báo có đoạn: “Chúng tôi cần máy bay- không cần căn cứ. Chúng tôi có những phi công tuyệt vời của mình... Tại sao tôi lại cho phép máy bay và phi công từ nước ngoài vào nước mình?”

Từ năm 2013, Nga đã đề xuất thiết lập một căn cứ không quân ở Belarus. Tháng 9 vừa rồi, Tổng thống Nga Putin nhắc lại đề nghị này với Minsk và còn chỉ thị cho các bộ trưởng thông qua thỏa thuận để xây dựng một căn cứ không quân của Nga ở Belarus.

Nga từng triển khai một trạm radar và một đài phát thanh hải quân ở Belarus, song đơn vị không quân (nếu được thành lập) sẽ là căn cứ quân sự lớn đầu tiên của Moskva tại đây.

Belarus tiếp giáp không chỉ Nga mà còn cả Ba Lan và những quốc gia thành viên EU lẫn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên bán đảo Baltic như Latvia và Litva. Chỉ riêng việc Nga tiếp nhận Crưm và hậu thuẫn phe nổi dậy ở Ukraina đủ khiến NATO và những nước kia lo ngại sâu sắc. Họ đối phó bằng việc tăng cường vũ trang và NATO tăng cường hiện diện quân sự thường xuyên ở những thành viên trong khu vực láng giềng của Nga.

Nếu giờ Nga có thêm căn cứ quân sự ở Belarus thì mức độ lo ngại của họ còn tăng gấp bội. Nhưng thật ra, động thái trên của ông Putin chỉ là cú đòn gió.

Thời gian qua, Belarus đã tận dụng chuyện ở Ukraina và căng thẳng giữa Nga với phương Tây để cải thiện đáng kể quan hệ của mình với chính những nước kia. Minh chứng là các cuộc hội đàm về hòa bình cho Ukraina đều diễn ra ở thủ đô Minsk của Belarus. Chính tại đây đã ra đời hai thỏa thuận Minsk 1 và Minsk 2 về tình hình Ukraina.

Theo giới quan sát, Belarus chắc chắn không hề muốn Nga có căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Nhưng nước này quan hệ chặt chẽ với Nga đến mức không thể phớt lờ lợi ích chiến lược thiết thực và lâu dài cũng như các mối quan tâm của đối tác. Belarus là đồng minh chủ chốt của Nga và là thành viên của một liên hiệp kinh tế do Nga đứng đầu.

Thực ra Nga cũng biết là Belarus sẽ từ chối nhưng cú đòn gió của ông Putin hiểm ở chỗ vừa răn đe Belarus vừa khiến phương Tây thêm bối rối. Qua đề nghị lập căn cứ không quân ở Belarus, Nga muốn Chính phủ Belarus phải ý thức đầy đủ giới hạn của mình trong chuyện “đi dây” giữa Nga và phương Tây cũng như Mỹ, EU, NATO và chính phủ Ukraina phải hiểu rõ rằng Moskva chưa sẵn sàng nhượng bộ.

Sở dĩ phải đợi đến gần 20 ngày sau khi ông Putin nhắc lại đề nghị lập căn cứ không quân, Belarus mới có câu trả lời là bởi vì chủ nhật này (11/10) sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, trong đó Tổng thống mãn nhiệm Alexander Lukashenko có nhiều cơ hội tái cử. Hôm 4/10, hàng trăm chính trị đối lập Belarus đã tiến hành một cuộc tuần hành tại thủ đô Minsk để phản đối kế hoạch này của Nga.

Ông Lukashenko lên nắm quyền từ năm 1994, và vẫn bác bỏ các cáo buộc của phe đối lập và phương Tây rằng ông đã biến Belarus thành một nhà nước độc đoán.

Với tuyên bố không cho Nga lập căn cứ quân sự, ông Lukashenko gửi tín hiệu tới EU rằng ông quan tâm tới việc cải thiện quan hệ với khối này.

Nga cho tới nay chưa đưa ra lời bình luận công khai nào đáp lại tuyên bố của ông Lukashenko.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Theo AP, Reuters, ABC News)