Đà Nẵng - thành phố của những điều tử tế

09:08 | 25/08/2015

6,576 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petro Times) – Ở Đà Nẵng, những ngày nắng nóng, trên các con phố có rất nhiều bình trà, bình nước được để ra vỉa hè với dòng chữ “Nước mát, miễn phí”; và tất nhiên, không bị thu vì gây cản trở giao thông như ở Hà Nội!

Giải mã bí ẩn thành phố du lịch 'không có số 13'

Giải mã bí ẩn thành phố du lịch 'không có số 13'

Đà Nẵng có một đặc điểm rất đặc biệt và độc đáo, khiến không ít du khách đã phải đặt câu hỏi: Lẽ nào “Đà Nẵng - thành phố không số 13”?

Cư dân thân thiện, thật thà

Những năm gần đây, Đà Nẵng đang như một “ngôi sao sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam; và một phần nào đó tạo được tiếng vang với cộng đồng du lịch quốc tế. Để có được tiếng tăm ấy, ngoài cảnh sắc trời ban, còn là nếp sống, là cách ứng xử văn minh của chính quyền và người dân Đà Nẵng - một đô thị trẻ, hiện đại, nhiều sắc màu văn hóa.

Có câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội rằng, có một nhóm du khách Hà Nội, đến Đà Nẵng du lịch và muốn ăn mỳ Quảng nấu theo kiểu Túy Loan. Nhóm khách này đến một quán mỳ Quảng, gọi năm tô mỳ Quảng Túy Loan, ông chủ quán cười tươi đáp: “Anh, chị muốn ăn mỳ Quảng kiểu Túy Loan thì đến quán này nè, ở địa chỉ... Quán nớ nấu mỳ Túy Loan ngon, còn nhà tui nấu mỳ kiểu Phú Chiêm”.

Nhóm khách du lịch ngẩn người trước sự thật thà của ông chủ quán. Giả như, ông chủ quán cứ cười tươi rồi bê mỳ nhà mình ra bán, có lẽ du khách cũng chẳng biết được là mỳ nấu theo kiểu gì, miễn ngon là được.

Câu chuyện này, bao nhiêu phần trăm là thật thì khó ai kiểm chứng được, nhưng chuyện cư dân ở đô thị này thật thà, sống chan hòa là chuyện có thật.

nhung-cau-chuyen-nho-ve-van-minh-do-thi-da-nang

Tất cả những nơi dán biểu tượng thân thiện này, du khách và người dân đều được sử dụng dịch vụ vệ sinh miễn phí.

Có thể điểm qua một vài câu chuyện thời gian gần đây để thấy điều đó.

Tháng 3/2015, cặp vợ chồng Mai Thi Manzano và Joe Manzano (quốc tịch Mỹ) có chuyến du lịch tại TP Đà Nẵng. Trong chuyến du lịch của mình tại đây, cặp vợ chồng người Mỹ có ghé một quán ăn trên đường Nguyễn Tri Phương và người vợ Mai Thi Manzano sơ ý để quên chiếc ví, bên trong có hơn 1.000 USD, hơn 5.000.000đ VND và một số giấy tờ tùy thân.

Khi về đến khách sạn, họ cũng không nhớ là mình đã để quên chiếc ví; chỉ đến khi người em họ trong TP. Hồ Chí Minh gọi điện ra nói họ để quên ví tại quán ăn, 2 người mới nhớ ra. Hóa ra, trong chiếc ví có một mảnh giấy nhỏ ghi số điện thoại của người em họ, chủ quán đã gọi điện đến số ấy thông báo đang giữ chiếc ví và chờ người đến nhận. Sau đó, chị Mai Thi Manzano cùng chồng mình đã đến nhận lại tiền và giấy tờ của mình.

Thông qua mạng xã hội, cặp vợ chồng người Mỹ đã gửi lời cảm ơn đến người chủ quán và có những ấn tượng rất tốt đẹp về người dân cũng như TP Đà Nẵng: “Hành động này sẽ in dấu tốt đẹp trong tâm trí chúng tôi trong kỳ nghỉ này. Con người và thành phố nơi đây quả thật là đáng mến và đáng sống”.

Câu chuyện về anh nhân viên bảo vệ Nguyễn Thanh Thiệt (23 tuổi) trong 3 năm, 18 lần nhặt được của rơi đều trả lại người mất, tổng giá trị tài sản hơn 2 tỷ đồng cũng là câu chuyện gây nhiều xúc động trong cộng đồng.

Khi làm nhiệm vụ tại Cảng hàng không Đà Nẵng, anh Thiệt phát hiện chiếc túi xách của chị Đỗ Thị Mộng Hoa (trú tại đường Ông Ích Khiêm, TP Đà Nẵng) để quên trên xe đẩy đồ; bên trong có nhiều tiền mặt, nhẫn, dây chuyền, vòng tay, sổ tiết kiệm… tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Ngay trong tối hôm đó, anh Thiệt nhặt được một túi xách có 16 triệu đồng tiền mặt, 12 nhẫn vàng, lắc tay vàng, dây chuyền… Anh Thiệt nhanh chóng nộp lại cho đội An ninh cơ động Cảnh hàng không Đà Nẵng để trả lại người bị mất.

Anh Thiệt là nhân viên bảo vệ, lương chỉ đủ sống, không lấy gì làm giàu có nhưng có lần nhặt được chiếc túi xách bên trong chưa số tài sản trên 1 tỷ đồng, không nổi lòng tham; đó là một câu chuyện đẹp trong thời buổi “người khôn, của khó” bây giờ.

nhung-cau-chuyen-nho-ve-van-minh-do-thi-da-nang-1

Tại các bãi biển Đà Nẵng, du khách được tắm và sử dụng miễn phí cầu phao, cầu trượt, một số dịch vụ hỗ trợ khác.

Trên đây chỉ là 2 câu chuyện, trong muôn vàn những câu chuyện về cư dân ở đô thị này có những hành động tử tế, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và bạn bè bốn phương.

Rất nhiều thứ miễn phí...

Gần đây, du khách và cư dân Thủ đô mừng vui khi nhà vệ sinh công cộng hạng sang được đưa vào sử dụng; rộng 50m2, có điều hòa, trang bị những thiết bị cao cấp. Ở Đà Nẵng, nhà vệ sinh công cộng miễn phí chẳng được “5 sao” như vậy; nhưng TP Đà Nẵng đã có những chính sách xây dựng và hỗ trợ nhà vệ sinh miễn phí từ rất lâu rồi.

Theo thống kê, địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có 19 công trình vệ sinh công cộng, hoạt động từ nhiều năm nay. Trong số đó là nhà vệ sinh công cộng ở bến xe trung tâm Đà Nẵng, mở cửa từ 4h30 sáng đến 21h, được lát gạch men sạch bóng, thoáng mát, có gương, lược, tuyệt đối không có mùi… Luôn luôn có người trực, không phải để thu tiền mà để phục vụ và nhắc du khách thay giày, dép khi vào nhà vệ sinh.

Gần đây nhất, một dự án công cộng nhằm giúp du khách sử dụng dịch vụ vệ sinh thoải mái như ở nhà đã được TP Đà Nẵng được triển khai từ tháng 4/2015. Đến nay đã thu hút được hơn 70 đơn vị từ nhà hàng, quán café, khách sạn, ngân hàng… tham gia dự án. Với logo biểu tượng là hình mặt cười thân thiện và dòng chữ “Thoải mái như ở nhà” dán trước cửa các đơn vị tham gia dự án. Thấy logo này, du khách và người đi đường có thể “thoải mái như ở nhà” sử dụng dịch vụ vệ sinh miễn phí tại những nơi này.

Quan trọng hơn, khi các đơn vị đồng thuận tham gia phải sửa sang lại nhà vệ sinh đảm bảo sạch sẽ, quan trọng hơn là tuyên truyền cho đội ngũ lễ tân, bảo vệ tạo điều kiện, có thái độ thân thiện với du khách khi ghé thăm, đi vệ sinh.

Anh Trần Viết Hùng, một công dân Đà Nẵng, 10 năm sửa xe miễn phí cho các em học sinh, trẻ nhỏ, người già, người tàn tật. Anh Hùng không giàu có, thậm chí gia đình ông có tên trong danh sách hộ nghèo, nhưng anh tâm niệm “mình cũng chẳng giàu hơn được từ những đồng tiền bơm vá từ người nghèo, các em học sinh”.

Với ý niệm như thế, 10 năm qua anh âm thầm giúp đỡ mọi người bằng công việc lặng lẽ này. Anh bảo, chẳng thể nhớ được là đã giúp đỡ bao nhiêu trường hợp bơm vá xe miễn phí, chỉ nhớ rằng, một tháng chắc cũng khoảng 500 lượt. Tất nhiên, lòng tốt, sự tử tế không nên đo đếm bằng con số; nhưng nếu nhân con số 500 lượt một tháng với 10 năm thì số lượt thể hiện lòng tốt, sự tử tế của anh Hùng là một con số khổng lồ.

Ở Đà Nẵng, khi đi tắm biển du khách và người dân chỉ phải trả tiền gửi xe và tiền tắm nước ngọt, tổng số tiền khoảng 5.000đ. Trả một số tiền nhỏ để được trông tài sản, để tắm nước ngọt tráng và để có nhân viên cứu hộ trực trên bờ, để tránh những trường hợp đáng tiếc; du khách ai cũng vui mừng.

“Giữ xe miễn phí, ai đưa tiền tự chịu trách nhiệm”, đó là bảng thông báo tại nhà xe bệnh viện Đà Nẵng. Không chỉ ở bệnh viện Đà Nẵng, tất cả các cơ sở y tế công ở Đà Nẵng đều có chính sách ấy. Mỗi lần giữ xe chỉ 2.000 đồng, nhưng đối với người thân bệnh nhân nằm viện lâu ngày, mỗi ngày ra vào bệnh viện nhiều lần, cả tháng như vậy cũng tiết kiệm được một số tiền nhỏ để trang trải cho chi phí chữa bệnh.

da-nang-thanh-pho-cua-nhung-dieu-tu-te
Sau lễ hội hoa, cảnh sát phát hoa cho người dân mang về nhà.

Ở Đà Nẵng, còn muôn vàn chuyện miễn phí, từ những bình trà đá miễn phí ngày nắng nóng, những hộp cơm giá tượng trưng 1.000đ, đến wifi miễn phí… đều tạo được những hiệu ứng rất tốt với du khách và người dân.

Ở Đà Nẵng, những ngày nắng nóng, trên các con phố Đà Nẵng, rất nhiều bình trà, bình nước được để ra vỉa hè với dòng chữ “Nước mát, miễn phí”; và tất nhiên, không bị thu vì gây cản trở giao thông như ở Hà Nội! Những bình nước, làm mát lòng rất nhiều người nghèo, người lao động trong ngày hè nắng cháy.

Văn minh đô thị rất được chính quyền và bản thân người dân Đà Nẵng chú trọng. Mới đây, UBND TP Đà Nẵng cũng đã tiến hành thí điểm việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác tại các bãi biển du lịch của Đà Nẵng từ ngày 15/7-30/9/2015, tại các bãi biển trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Trong đó đáng chú ý là sẽ phạt tiền từ 200.000-300.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định (tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ và nơi công cộng).

Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Đà Nẵng cũng mới ban hành bộ quy tắc ứng xử trong du lịch, trong đó đáng chú ý là khuyến cáo người dân Đà Nẵng cần có thái độ mến khách, nhiệt tình giúp đỡ du khách, tôn trọng giúp đỡ và ưu tiên người lớn tuổi, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ; xếp hàng nghiêm túc khi sử dụng dịch vụ và tham gia các hoạt động nơi công cộng, không nói lời thô tục thiếu văn hóa; không viết, vẽ, khắc lên tường, tượng, bia đá, cây xanh; tích cực hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi…

Đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan đến du lịch bộ quy tắc đưa ra quy định chung như tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục tập quán địa phương; có ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội; tuân thủ những quy định tại từng điểm tham quan; tôn trọng du khách, có thái độ niềm nở khi phục vụ khách, luôn sẵn sàng với các câu nói “xin chào, xin lỗi, xin mời, cảm ơn, xin chào và hẹn gặp lại quý khách”; tư vấn nhiệt tình, trung thực và sẵn sàng giúp đỡ du khách; không đeo bám, chèo kéo làm phiền khách du lịch…

Bất cứ một đô thị nào trong quá trình phát triển, cũng sẽ có những “hạt sạn”, Đà Nẵng cũng không phải ngoại lệ. Nhưng với sự lắng nghe, vào cuộc của chính quyền thành phố cũng như ý thức tự thân của người dân thì trong thời điểm hiện tại, Đà Nẵng vẫn tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và bè bạn bốn phương.

Hà Anh

Năng lượng Mới