Đà Nẵng thắng kiện… nhân tài

18:00 | 09/11/2015

1,851 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần 20 tỷ đồng là số tiền mà các “nhân tài” phải trả cho TP. Đà Nẵng…!

Đầu tháng 10-2015, một việc làm “cực chẳng đã” mà Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng phải làm là khởi kiện các nhân tài.

Nguyên do là bởi, các học viên được cử đi học theo Đề án 922 (đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước cho TP. Đà Nẵng) nhưng họ đã phá vỡ hợp đồng, không quay trở về làm việc cho thành phố.

Hiện có 7 trường hợp do TAND TP Đà Nẵng đã xét xử sơ thẩm và 1 trường hợp do TAND quận Hải Châu xử sơ thẩm.

Sau phiên xử sơ thẩm tòa tuyên buộc các học viên phải bồi thường kinh phí đào tạo cho Đà Nẵng tổng cộng gần 20 tỉ đồng.

da nang thang kien nhan tai

Tuy nhiên, sau phiên xử sơ thẩm TAND TP. Đà Nẵng cũng đã nhận đơn kháng cáo của 7 bị đơn. Nội dung được nêu trong đơn kháng cáo chủ yếu là muốn cấp phúc thẩm xem xét để giảm một phần tiền bồi thường.

Được biết, đây mới chỉ là 8 trong số 16 học viên mà Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng kiện ra tòa. Hiện vẫn còn 8 trường hợp khác đang được các cấp tòa án thụ lý, tiếp tục xem xét giải quyết.

Trao đổi với Báo điện tử PetroTimes, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP. Đà Nẵng cho biết: Việc kiện các học viên là việc cực chẳng đã mà chính quyền TP Đà Nẵng phải làm. Đây là số tiền mà thành phố đã đầu tư cho các học viên đi học trong và ngoài nước với kỳ vọng sẽ về phục vụ cho quê hương.

Tuy nhiên việc bồi hoàn lại số tiền là khó vì các nhân tài hiện đều đang làm việc tại nước ngoài. Ông Chiến chia sẻ: Kháng cáo là quyền của mà các học viên. 

Về phía Trung tâm, tòa xử phúc thẩm nếu triệu tập thì chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc, còn tòa tuyên án thế nào chúng tôi sẽ tuân theo như vậy. Đến giờ chúng tôi vẫn giữ vững nguyên tắc là theo đuổi đến cùng để thu hồi ngân sách nhà nước.

Đề án 922 được TP Đà Nẵng triển khai từ năm 2004, nhằm hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước.

Trong hợp đồng quy định, sau khi hoàn thành khóa đào tạo các học viên phải về làm việc cho thành phố tối thiểu 7 năm. 

Đề án này đã thu hút hơn 630 người tham gia. Đến nay đã có khoảng một nửa học viên đã về thành phố làm việc.

Tuy nhiên có 27 người chủ động xin ra khỏi đề án và được thành phố đồng ý. 20 học viên vì lý do kết quả học tập không đạt đã phải ra khỏi đề án. 15 người đi học nhưng không về làm việc; 4 người đã về thành phố làm việc chưa được 7 năm đã bỏ ra nước ngoài…!

 

Huyền Anh