Con cháu chúng ta giỏi thật!

07:00 | 11/12/2013

3,007 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kết quả PISA có ý nghĩa thế nào với giáo dục Việt Nam? Có phải Việt Nam tham gia PISA để lấy thành tích?...

Năng lượng Mới số 281

Bộ GD&ĐT vừa cho biết, kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố Việt Nam xếp thứ 8 về khoa học (528 điểm), thứ 17 về toán (511 điểm) và thứ 19 về đọc hiểu (508 điểm). Khu vực Đông Nam Á có 5 nước tham gia gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia thì Việt Nam đứng thứ 2 sau Singapore.

Điều này khiến các chuyên gia, các bậc phụ huynh và báo giới băn khoăn là thực trạng giáo dục phổ thông của Việt Nam đang cần cải cách toàn diện, có gì bất cập với kết quả của PISA? Quy trình lựa chọn đối tượng học sinh tham gia, chấm thi như thế nào? Kết quả PISA có ý nghĩa thế nào với giáo dục Việt Nam? Có phải Việt Nam tham gia PISA để lấy thành tích?...

Kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012.

Theo bà Lê Mỹ Hà, Phó giám đốc Văn phòng PISA Việt Nam: Việt Nam phải tuân thủ toàn bộ quy trình kỹ thuật của chương trình nghiêm ngặt của OECD. Đây là chương trình có uy tín nhất đánh giá học sinh trên thế giới. Kỳ thi PISA này khác với kỳ thi Olympic quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi. Mẫu chọn là dân số ở tuổi 15. Năm 2012, Việt Nam khảo sát chính thức 5.670 học sinh ở 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố.

Mỗi trường chọn 35 học sinh. Do đó, mỗi lớp thi chỉ lặp lại 2 em có đề thi giống nhau. Các em ngồi vị trí thi mà OECD quy định để đảm bảo không có chuyện học sinh trao đổi bài với nhau vì đề thi của mỗi học sinh đều khác nhau.

Được biết, số lượng bài thi và câu hỏi toán học: 56 bài thi, 110 câu hỏi thi; khoa học: 18 bài thi, 53 câu hỏi; đọc hiểu: 13 bài thi, 43 câu hỏi. Tuy nhiên, những bài học sinh Việt Nam trả lời đều khác nhau và họ công nhận kết quả của Việt Nam hiện nay. Đây là kết quả khách quan và đáng tin cậy.

Bà Lê Mỹ Hà còn cho biết: Chưa bao giờ giáo viên Việt Nam lại trải qua kỳ chấm nghiêm ngặt như vậy. PISA quy định mỗi bài thi có 5 người chấm và nhập phiếu chấm song song vào phần mềm của OECD. Ngoài ra, OECD đã chất vấn Việt Nam trong vòng 2 tháng bởi họ thấy kết quả khá bất ngờ vì theo quan niệm của OECD, những nước có kinh tế thấp, kết quả thi thường không cao. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Kết quả của Việt Nam đã được công nhận vì trung thực và chính xác.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, tham gia PISA là danh dự quốc gia của Việt Nam. Kết quả này là hoàn toàn trung thực. Chúng ta cũng không vì áp lực tâm lý nào, không vì mục đích đánh giá thành tích của bất kỳ tổ chức, cá nhân, địa phương nào. Đây không phải là một kỳ thi để lấy thành tích. Đây là một cuộc khảo sát để nhận diện chất lượng giáo dục phổ thông của cả một quốc gia. Vì vậy, ngành giáo dục đang nỗ lực điều chỉnh những hạn chế để chuyển giáo dục theo hướng phát triển năng lực toàn diện của học sinh.

Thọ Vinh