Cơ hội định vị lại hệ thống ngân hàng

08:44 | 26/10/2011

476 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thông tin Năng lượng Mới nắm được, nội trong tuần trước, có ít nhất 5 ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) đã lệnh cho các chi nhánh tạm ngừng cho vay để ứng phó với căn bệnh "cháy" thanh khoản đang có nguy cơ lây lan nhanh như một mầm bệnh. Tuy nhiên, với các chuyên gia đây là cơ hội "thanh lọc", "tái cấu trúc" hệ thống ngân hàng.

Nóng hơn bao giờ hết

Biểu hiện rõ nhất là lãi suất ở nhiều kỳ hạn, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đồng loạt tăng mạnh trong những ngày gần đây. Mức cao đã lên tới 20%, thậm chí 22% cho khoản vay kéo dài 1 tháng, còn ngắn hạn, lần lượt 1 tuần là 18%, 2 tuần 19%, trong khi 3 tuần lãi suất cũng tới 20.5%. Nhưng đáng chú ý, mức giá quá cao này còn phải đi kèm điều kiện có tài sản đảm bảo đối ứng tại NH cho vay. Cơ hội kiếm ăn có vẻ dễ dàng, khiến nhiều NH được những tập đoàn kinh tế mạnh chống lưng cũng rỉ tai lãnh đạo vung tiền và ung dung thu lãi hàng ngày.

Một nữ phó TGĐ NH được một tập đoàn kinh tế lớn “chống lưng” buột miệng: “Bây giờ ném tiền lên thị trường liên NH còn đỡ rủi ro hơn mở rộng cho vay ra bên ngoài”. Ngân hàng trên từng nổi tiếng vì tình trạng thừa vốn nhưng bí đầu ra, chợt lên ngôi khoảng 2 tháng nay khi nổi lên như một đơn vị hoạt động tích cực nhất trên thị trường liên NH.

Thanh khoản tại các NHTMCP đang gặp rất nhiều khó khăn

Theo giải thích của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện KHXH VN), niềm tin nơi VNĐ đã sụt giảm nghiêm trọng, sau khi NHNN siết chặt lãi suất huy động tiền gửi ở mức 14%. Đó cũng là lý do khiến người dân cảm thấy thất vọng, trước khi ồ ạt rút tiền gửi tiết kiệm để tìm chỗ trú ẩn mới trong vàng và ngoại tệ. Nói như phó giám đốc chi nhánh của một NH nhỏ đóng trên địa bàn Hà Nội, thì hàng ngày anh này cùng đồng nghiệp ngồi nhìn đồng tiền “chảy máu” mà khóc ròng.

Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế – xã hội cho riêng năm 2012, cũng đề cập đến việc thanh lọc số NH yếu thanh khoản. Tuy nhiên, phải khẳng định việc NHNN định vị lại toàn bộ hệ thống vào thời điểm hiện tại là hết sức cần thiết. Động thái trên sẽ giúp bản thân thị trường tự sàng lọc những “người chơi” yếu thanh khoản, cá lớn thôn tính cá bé, nếu có, cũng chính là quy luật kinh tế thị trường.

Trả lời báo giới bên lề một Hội nghị về kinh tế – tài chính do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UB GSTCQG) tổ chức mới đây, cựu Chủ tịch UB GSTCQG Lê Đức Thúy cũng cho rằng, thời điểm gặp nhiều khó khăn luôn là cơ hội trời cho để một nền kinh tế vĩ mô ra tay “đại tu” lại nội ngoại thất. “Làm một động tác đơn giản thôi, đó là đề ra barem hoạt động với những điều kiện chỉ cần phù hợp với đúng sức của nền kinh tế. Anh cứ nằm phía trên barem thì được trao giấy chứng nhận sức khỏe, ngang bằng thì tôi giám sát, còn dưới barem thì đương nhiên anh phải chấp nhận bị kiểm soát. Đã đến lúc phải coi đây là cuộc chơi sòng phẳng, ai không theo được thì vui vẻ dừng lại, hoặc đứng bên lề ngó nghiêng thôi”, ông Thúy dí dỏm nói.

Theo tìm hiểu của người viết, trước đây, các NHTMCP nhỏ hút được kha khá vốn nhờ tự vượt rào “lách luật”, huy động tiền nhàn rỗi với lãi suất (có lúc) lên tới 19%/năm. Thanh khoản tràn trề, nhưng không nhiều doanh nghiệp đủ dũng cảm và đủ tiềm lực gõ cửa NH để vay với lãi suất 25%. Tức là đầu ra hết sức hạn chế. Sau khi bị NHNN siết chặt, dòng tiền quay ngược lại người dân bởi khi lãi suất tiết kiệm ngang bằng nhau, người dân chẳng dại gì không chọn NHTMCP lớn, những đơn vị vốn sở hữu thương hiệu uy tín, cũng như năng lực tài chính đã được thừa nhận.

Ngân hàng Nhà nước ra tay

Tâm điểm chú ý thời gian qua là động tác “bơm” 15.000 tỉ đồng của NHNN để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường liên NH. Con số không lớn và cũng không bất ngờ, cho dù trước đó cơ quan này chỉ thường xuyên hỗ trợ ở mức 6.000 – 7.000 tỉ đồng thông qua thị trường mở. Sự hỗ trợ đó là bình thường, kịp thời và không quá quan ngại. Như một quy luật, thời điểm chuyển giao cuối năm cũ và đầu năm mới, nhiều ngân hàng lại đối mặt với khó khăn thanh khoản. Khó khăn đó không chỉ bó hẹp trong hệ thống, đã có trong dự tính nhưng vẫn không tránh khỏi.

Theo TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, có đến 80% tổng số vốn đầu tư công của chúng ta là thông qua NHTMCP và các tổ chức tín dụng. Đó là điều rất… nực cười, bởi đơn giản hệ thống NH yếu xìu của chúng ta chưa bao giờ được đánh giá là đủ lực để đảm nhiệm công việc đó, kể cả thanh khoản tràn trề giai đoạn cuối năm 2007, khi nền kinh tế chưa có độ mở WTO. Bởi vậy, NHNN mở hầu bao giải cứu cơn khát thanh khoản, thực chất là để giảm sự căng thẳng trong tái đầu tư cũng như giữ chặt niềm tin nơi nhà đầu tư nhỏ lẻ (người dân – PV).

TS Cao Sỹ Kiêm, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước “bơm” thêm 15.000 tỉ đồng là một động tác tốt góp phần cải thiện khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại và đáp ứng vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Điều này cũng góp phần làm cho lãi suất có những yếu tố thực hiện đúng vị trí của nó. Như thế, tính thị trường cũng sẽ đậm nét hơn.

“Hoạt động trên của NHNN trong điều kiện các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có khó khăn về thanh khoản là nghiệp vụ bình thường. Điều này là có lợi cho các NHTM và doanh nghiệp nhằm tăng thanh khoản của họ và tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Vả lại, khối lượng 15.000 tỉ đồng là rất nhỏ so với tổng phương tiện thanh toán hiện có, vào khoảng 1.700.000 tỉ đồng. Vì vậy, tác động của nó đối với lạm phát là không đáng kể”, ông Kiêm nói.

Bởi vậy, nếu ngay trong năm tài chính 2011 này, nếu có NHTMCP nào chủ động chấp nhận sáp nhập thì điều đó cũng không gây ngạc nhiên. Dù ở một góc độ nào đấy, đó chính là tín hiệu đầu tiên để bắt đầu một hướng đi mới cho hệ thống NH.

Hữu Tùng