Chuyện chưa kể về những hải nữ đảo Jeju

08:57 | 29/12/2017

5,344 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đảo Jeju, Hàn Quốc vốn được biết đến là một trong những điểm du lịch nổi tiếng thế giới, nhưng ít ai biết đằng sau vẻ đẹp ấy có cuộc sống lam lũ của ngư dân đảo suốt hàng trăm năm qua. Trong đó không thể không nhắc tới Jeju Haenyeo (tức hải nữ đảo Jeju). 

“Biển là cuộc đời”

7h30’ với những cơn gió mùa đông lạnh cắt da cắt thịt ở phía bắc đảo Jeju, những hải nữ đảo Jeju lại chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.

Không chỉ gây ngạc nhiên với nghề nghiệp tưởng chừng chỉ dành cho phái mạnh, những người phụ nữ này chỉ lặn biển với một chiếc phao nhỏ và lưới đánh cá mà không hề có bất cứ sự trợ giúp của các thiết bị dưỡng khí đặc biệt nào. Thông thường họ sẽ lặn ở độ sâu 5-15m để tìm kiếm bào ngư, hải sâm, rong biển… dưới những tảng đá. Cứ khoảng 2-3 phút, họ đánh dấu sự trở lại của mình bằng tiếng huýt sáo đặc trưng (gọi là sumbisori). Sau 6 tiếng làm việc vất vả dưới biển, họ sẽ nghỉ dưỡng sức 1 ngày rồi lại tiếp tục công việc.

Từ thế kỷ XVII, dưới triều đại Joseon, Hàn Quốc bắt đầu lưu trữ các tài liệu liên quan đến nghề lặn biển. Ở thời kỳ này, nam giới vẫn là lực lượng lao động chính (pojak), chủ yếu đánh bắt bào ngư ở vùng nước sâu. Tuy nhiên, sản phẩm biển phổ biến khi đó là các loài rong biển, bào ngư, dễ dàng đánh bắt được ở các vùng nước nông, khi thủy triều xuống, nên phụ nữ cũng có thể làm công việc lặn biển mà không cần thiết bị dưỡng khí. Từ thế kỷ XIX, đã có ghi chép về việc các thương lái ra đảo thuê những người phụ nữ lặn tìm rong biển.

chuyen chua ke ve nhung hai nu dao jeju
Một hải nữ đảo Jeju

Khi phụ nữ tiếp quản nghề lặn biển, họ đã thích nghi rất tốt với công việc bởi cơ thể mềm dẻo hơn trong nước. Trong truyền thuyết, những haenyeo có thể nhịn thở trong 10 phút và lặn sâu đến 20m chỉ với một tấm áo vải gai dệt mỏng và một ống thở tự chế. Họ lặn được lâu hơn, sâu hơn nên những sản vật cũng thu được tốt hơn. Dần dần, lặn biển trở thành một nghề mưu sinh của nữ giới trên đảo Jeju.

Tuy nhiên, hiện còn rất ít phụ nữ theo nghề biển, bởi những vất vả và nguy hiểm luôn thường trực. Xã hội phát triển hiện đại tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ ở đây theo những ngành nghề khác. Theo số liệu thống kê từ chính quyền đảo Jeju, con số Haenyeo đã giảm mạnh: Từ 23.000 người năm 1965, này chỉ còn khoảng 4.500 người. Trong đó, số người từ 70 tuổi trở lên chiếm 50%.

Trung bình có khoảng 130 haenyeo cao tuổi qua đời mỗi năm, trong khi số haenyeo mới chỉ khoảng 15. Như vậy, số lượng Jeju Haenyeo sẽ còn giảm mạnh trong tương lai.

Di sản văn hóa phi vật thể

Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ngày 30-11-2016 đã họp phiên toàn thể lần thứ 11 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, chính thức công nhận “nghề lặn truyền thống của phụ nữ đảo Jeju” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ủy ban Liên Chính phủ bao gồm 24 quốc gia đã đánh giá nghề lặn truyền thống của phụ nữ đảo Jeju mang đậm nét văn hóa độc đáo trong khu vực, cũng như phản ánh sự đa dạng văn hóa Hàn Quốc. Ngoài ra, Jeju Haenyeo cũng đóng góp vào nỗ lực duy trì môi trường tự nhiên một cách bền vững, với những kiến thức, kỹ thuật về nghề thợ lặn đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Quyết định của UNESCO không chỉ góp phần bảo tồn các biểu tượng truyền thống của phụ nữ ở Hàn Quốc mà còn giúp thu hút du khách đến với hòn đảo xinh đẹp này.

Được biết, đây là di sản văn hóa thứ 19 của Hàn Quốc được UNESCO công nhận.

Trên phương diện khảo cổ học, nghề lặn truyền thống của phụ nữ đảo Jeju xuất hiện từ thời kỳ cổ đại cùng với phát hiện về miếu thờ Ngư ông và Haenyeo. Theo đó, nghề lặn biển được cho là tồn tại từ thế kỷ VII. Thư tịch cổ về Haenyeo vào năm 1105 có nội dung yêu cầu các nữ thợ lặn phải mặc nguyên trang phục khi lặn biển để đánh bắt hải sản.

Trong một nỗ lực nhằm gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa đặc biệt này, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một bảo tàng nhằm tôn vinh những hải nữ đảo Jeju.

Trần Quân