Thu phí tác quyền âm nhạc

Chuyện chưa có hồi kết

11:27 | 19/09/2017

641 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa thông báo, sẽ tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi khách sạn bắt đầu từ tháng 10-2017. Lại một lần nữa, câu chuyện minh bạch, công khai trong việc thu phí tác quyền trở nên nóng hơn.

VCPMC thu bằng được

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho biết, đã được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho phép tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn từ ngày 19-8 với mức thu là 25.000 đồng/cái/năm. Tuy nhiên, trung tâm sẽ triển khai thu từ tháng 10-2017 và không truy thu tháng 8 và tháng 9.

Giải thích về mức thu này, đại diện VCPMC cho biết, đây là mức giá được tham khảo từ nhiều nước trên thế giới do Liên minh Quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhạc sĩ (CISAC) cung cấp. Theo số liệu năm 2016 từ chi nhánh phía Nam của VCPMC, tổng số tiền tác quyền thu được từ lĩnh vực khách sạn, resort, cao ốc là hơn 3,5 tỉ đồng, số lượng hợp đồng đã ký ở lĩnh vực này là 389 hợp đồng.

Tuy nhiên, vẫn cần nhiều ý kiến băn khoăn về việc kiểm đếm được số lượng tivi trong phòng khách sạn; đồng thời, các đơn vị phát sóng, băng đĩa đã thực hiện nghĩa vụ tác quyền khi xây dựng chương trình. Đơn vị kinh doanh khách sạn lại thêm một lần nộp phí tác quyền được xem là “phí chồng phí”.

chuyen chua co hoi ket
VCPMC “quyết tâm” thu tiền tác quyền âm nhạc qua tivi khách sạn (ảnh minh họa)

Nếu đơn vị nào khẳng định được tivi đó không sử dụng nhạc từ quảng cáo, xem phim hay bất kỳ phương diện thể hiện khác thì sẽ không phải đóng tác quyền âm nhạc trên tivi. Hơn nữa trung tâm cũng để các đơn vị kinh doanh chủ động kê khai số lượng tivi của mình, chứ không tổ chức kiểm đếm.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng khẳng định rõ, chưa bao giờ có chuyện ngừng thu tác quyền âm nhạc tại các quán cà phê hay nhà hàng, siêu thị. Riêng lĩnh vực bệnh viện, bãi gửi xe… về lý thuyết VCPMC được quyền thu nhưng thực tế chưa thu.

Tuy nhiên, trước thông tin này, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng trao đổi với báo chí: “Không có văn bản nào đồng ý hay không đồng ý”. Ông Hùng cũng nói thêm: “Đây là tài sản dân sự, do vậy chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan tự xây dựng biểu mức tiền bản quyền và thỏa thuận với bên khai thác sử dụng. Không phải tống đạt công văn tới yêu cầu mà phải truyền thông, mời toàn bộ cơ sở khách sạn đến và đưa ra biểu giá để nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu phải có đồng thuận cả hai bên. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì áp dụng theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện ra tòa án để giải quyết”.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng cho rằng, việc thực hiện bảo vệ quyền tác giả tác phẩm âm nhạc của VCPMC là đúng với quy định luật pháp hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan và thông lệ quốc tế. Để việc làm này thực hiện có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, Cục Bản quyền tác giả đề nghị trung tâm phải thực hiện đúng quy trình, có lộ trình phù hợp với từng hình thức khai thác, sử dụng tác phẩm.

Khách sạn không nộp?

VCPMC quyết tâm thu tác quyền âm nhạc qua tivi khách sạn, nhưng tuyên bố này lại vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía chủ khách sạn. Chiều 13-9-2017, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng đã tổ chức họp thành viên ban chấp hành, trong đó vấn đề “nóng” nhất chính là thông báo thu tiền tác quyền của VCPMC. Phó chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng Dương Thị Thơ khẳng định, các thành viên ban chấp hành hiệp hội đã thống nhất không nộp tiền tác quyền âm nhạc qua tivi khách sạn.

Theo bà Thơ, do VCPMC chưa đối chất sòng phẳng với các doanh nghiệp khách sạn mà đã tiếp tục thông báo thu phí. Các khách sạn đã chi trọn gói cho các đơn vị truyền hình cáp, nay lại đòi thu thêm phí tác quyền bài hát là không hợp lý. Hơn nữa, tivi sử dụng tại khách sạn không chỉ có âm nhạc mà còn rất nhiều chương trình tạp kỹ, khoa học khác. Thêm vào đó, việc thu tiền “định lượng” này cũng không phù hợp, bởi khách ở khách sạn mục đích chủ yếu của họ là nghỉ ngơi, rất ít người nghe nhạc. Vì thế, thu tiền tất cả các tivi là bất hợp lý.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng cho biết, sẽ thông báo đến tất cả khách sạn ở thành phố không phải nộp tiền nếu VCPMC đến thu. Ngoài ra, trong tuần này, hiệp hội sẽ gửi thông báo dự thảo về việc không trả phí tác quyền qua tivi khách sạn đến Sở Du lịch TP Đà Nẵng.

Rõ ràng, việc tiến hành thu tiền tác quyền đối với việc sử dụng âm nhạc là điều đáng hoan nghênh, góp phần nâng cao ý thức của doanh nghiệp và người dân về vấn đề bản quyền. Song cách thực hiện có phần “chộp giật”, thiếu đồng thuận các bên của VCPMC dễ dàng tạo ra “hiệu ứng ngược” và gây ảnh hưởng tới ngành du lịch nước nhà. Vì thế, việc thu tiền tác quyền âm nhạc vẫn còn là một câu chuyện dài!

Một số nước thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi ở khách sạn: Hàn Quốc thu 20.000 won/tháng đối với cơ sở dưới 50 phòng; trên 500 phòng là 350 nghìn won/tháng. Nhật Bản tính theo doanh thu tương đương 1% doanh thu hoặc 100 yên/tháng/tivi. Tây Ban Nha áp dụng theo hạng sao, Anh thu trọn gói. Tuy nhiên, các mức này theo thỏa thuận, mức phí thay đổi tùy theo thỏa thuận trước hay sau sử dụng.

K.An