Chưa dễ tiếp cận vốn hỗ trợ

13:27 | 15/08/2017

587 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xác định vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đối với nền kinh tế đất nước, Chính phủ đã có gói ngân sách hỗ trợ vốn vay.

Tuy nhiên, để vay được nguồn vốn này, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn còn dài cổ chờ đợi bởi những thủ tục bắt buộc từ phía ngân hàng. Vì thế, có đến 70% DNVVN không tiếp cận được với khoản vay chính thức từ ngân hàng nên đã phải tìm đến các khoản vay phi chính thức.

Lâu nay, việc vay vốn ngân hàng vẫn chủ yếu căn cứ vào tài sản thế chấp. Nhưng DN nhỏ thì không thể có tài sản gì đáng giá thế chấp để vay số tiền cần thiết. Đó là vướng mắc lớn nhất đối với nhiều DN.

Nhưng tình hình hiện nay đã khác, hàng loạt ngân hàng đã công bố sản phẩm cho vay tín chấp. Chẳng hạn Ngân hàng An Bình công bố DN không cần tài sản thế chấp hoặc thiếu một phần tài sản vẫn có thể vay đến 3 tỉ đồng hoặc 10% doanh thu. Việc thẩm định theo cách truyền thống, DN phải có tài sản đảm bảo, doanh thu cao và sản phẩm tốt mới được xét duyệt cho vay. Nhưng cách này DN lớn mới đáp ứng được. Với kênh cho vay tín chấp, ngân hàng chấp nhận cho vay cả với DN hoạt động dưới một năm với điều kiện đi lên từ hộ kinh doanh. Việc phê duyệt cho vay dựa vào thực tế kinh doanh thay việc căn cứ vào hệ thống sổ sách...

chua de tiep can von ho tro
Vay được vốn ngân hàng là mơ ước của doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đặc biệt, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đưa ra gói tín dụng lên đến 1.500 tỉ đồng, trong đó cho phép DN thế chấp tài sản bằng tài sản của người thân (bất động sản, sổ tiết kiệm, ôtô...) thay vì chỉ cho phép thế chấp bằng tài sản của chủ DN. Đối với các DN siêu nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh, nếu thành lập từ 6 tháng trở lên vẫn được xem xét vay vốn theo gói ưu đãi...

Nhưng cũng chưa phải thông tin đáng mừng vì nhiều ngân hàng cho rằng, việc này nhằm... phân tán rủi ro. Bởi trước đây, các ngân hàng chủ yếu cho vay tín chấp với các DN lớn, hạn mức rất lớn nên rủi ro cũng cao. Còn với hạn mức nhỏ, cho vay với 100, thậm chí 1.000 DN, rủi ro cũng được phân tán, nếu có nợ xấu thì số lượng tiền không nhiều.

Nhưng các DNVVN cũng phải đắn đo là lãi suất cho vay tín chấp khá cao, có thể lên đến mức 13-15%/năm và ngân hàng hầu hết cho vay kỳ hạn ngắn. Đó cũng là khó khăn vì đã vay với lãi suất cao mà chỉ được vay ngắn hạn thì làm sao họ xoay sở được. Có những ngành nghề kinh doanh phải quay vòng sản xuất theo năm, thậm chí mấy năm mới bắt đầu thu vốn. Nếu phải trả lãi quá cao thì họ không có khả năng thu về lợi nhuận. Đó là những vòng luẩn quẩn đối với DN nhỏ trong việc huy động vốn làm ăn.

Một tia hy vọng mới là có một số ngân hàng đã thỏa thuận giải ngân nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ dành cho các DNVVN với lãi suất ưu đãi trong suốt thời hạn vay vốn từ 5,5% tới 7%/năm. Với thỏa thuận này, các DNVVN sẽ có thêm một kênh tiếp cận vay vốn với lãi suất ưu đãi. Dự kiến trong năm 2017, các ngân hàng nhận ủy thác sẽ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tài chính với các DN nhỏ, với tổng hạn mức 560 tỉ đồng. Trong đó, đối tượng ưu tiên sẽ là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các DN hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các DN hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải, nước thải.

Tuy nhiên, những khúc mắc về tài sản thế chấp vẫn là phổ biến khiến ngân hàng và DN còn cách xa nhau. Với DN siêu nhỏ, ngân hàng sẽ cử cán bộ ngân hàng có kinh nghiệm tìm hiểu hoạt động kinh doanh của DN, nếu xét thấy có khả năng, sẽ làm thủ tục cấp vốn cho DN. Đồng thời, thời gian xét duyệt nhanh và có sản phẩm hỗ trợ. Về lãi suất, sẽ khác với các gói vay thông thường. Sự khác nhau dựa trên độ rủi ro.

Một chủ DN nhỏ phàn nàn rằng, có nhiều ngân hàng đến trao đổi với ông, tìm hiểu về DN, tư vấn cho vay nhưng cuối cùng các nhân viên ngân hàng đều lắc đầu, với lý do không có tài sản bảo đảm để thế chấp.

Một chủ DN khác cũng cho biết: ngành nghề kinh doanh của DN có tiềm năng lớn, đặc biệt xuất khẩu sang Lào rất tốt, nhưng vấn đề chính là thiếu vốn. DN cũng đã nhận được lời chào mời của lãnh đạo các ngân hàng rất hấp dẫn như vay tín chấp, thủ tục đơn giản… Thế nhưng, hồ sơ duyệt lên duyệt xuống rất mất thời gian. Thậm chí, DN phải cắt cử riêng một nhân sự của phòng kế toán để thực hiện, hoàn tất hợp đồng với ngân hàng, nhưng đến giờ phút này vẫn chưa vay được.

Nhìn chung, các DNVVN còn phải tiếp tục đợi chờ sự đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Và như vậy, họ chưa thể trở thành động lực của kinh tế đất nước được!

Một số ngân hàng đã thỏa thuận giải ngân nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ dành cho các DNVVN với lãi suất ưu đãi trong suốt thời hạn vay vốn từ 5,5% tới 7%/năm. Với thỏa thuận này, các DNVVN sẽ có thêm một kênh tiếp cận vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Bùi Đức