“Chiến dịch Libya” và Cuộc chiến dầu lửa

06:28 | 24/04/2011

1,784 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Libya đã được “lựa chọn” số một cho bản đồ chiến dịch quân sự của Washington trong kịch bản chiến tranh đa chiều.

Libya là một trong những nền kinh tế dầu lửa lớn nhất trên thế giới. Trữ lượng dầu mỏ của Libya lớn gấp hai lần của Mỹ và chiếm 3,5% trữ lượng toàn cầu, tức là khoảng 50 tỉ thùng (có tài liệu công bố khoảng 60 tỉ thùng). Ngoài dầu mỏ, trữ lượng khí đốt của Libya đã được xác định là 1.500 tỉ m3. Theo số liệu của Tập đoàn Dầu lửa quốc gia (NOC), Libya hiện khai thác từ 1,3 đến

1,7 triệu thùng dầu thô. Sản lượng này thấp hơn nhiều so với khả năng khai thác thực tế. Libya đang thực hiện kế hoạch dài hạn để nâng công suất khai thác mỗi ngày lên 3 triệu thùng dầu thô và 2,6 triệu m3 khí đốt.“Chiến dịch Libya” chỉ là một phần của kế hoạch quân sự lớn của Mỹ và NATO ở khu vực Trung Đông và Trung Á. Kế hoạch này, về lâu dài nhằm giành quyền kiểm soát và khai thác trên 60% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của thế giới nói chung, bao gồm cả việc kiểm soát các hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt khổng lồ. Riêng với cuộc chiến Libya, Mỹ và NATO sẽ kiểm soát được vịnh Sirte ở phía đông, nơi chiếm đến 80% trữ lượng dầu lửa của Libya.

Trữ lượng dầu khu vực châu Á - Thái Bình

Các nước Đạo Hồi bao gồm Arập Xêút, Iraq, Iran, Kuwait, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Qatar, Yemen, Libya, Ai Cập, Nigeria, Algeria, Kazakhstan, Azerbaijan, Malaysia, Indonesia, Brunei nắm giữ từ 66,2% đến 75,9% trữ lượng dầu toàn cầu. Trong đó, Libya là quốc gia châu Phi có trữ lượng lớn nhất.

 

Trữ lượng dầu của một số quốc gia châu Phi được xác định năm 2011

Dầu lửa – chiến lợi phẩm vô giá từ các cuộc chiến do Mỹ và NATO tiến hành

Quyền lợi thu được từ cuộc chiến tại Libya sẽ giống như cuộc chiến năm 2003 tại Iraq. Thực chất của “Chiến dịch Libya” không nhằm thiết lập một nền dân chủ nơi đây. Nó nhắm đến quyền lợi đối với trữ lượng dầu lửa khổng lồ của Libya, và phá vỡ thế độc quyền kiểm soát của NOC, từ đó nhằm tư nhân hóa ngành công nghiệp dầu lửa ở đất nước này. Điều đó đồng nghĩa với việc buộc NOC – Tập đoàn dầu lửa đứng thứ 25 trong số 100 công ty dầu lửa lớn nhất trên thế giới, phải chia sẻ quyền lợi với các công ty dầu lửa ngoại quốc.

Vậy là, dưới con mắt của các nước phương Tây, Libya giống như một con bò sữa, là của trời cho. Vì vậy mà dầu lửa của Libya vừa là nguyên nhân, đồng thời là chiến lợi phẩm vô giá khiến Mỹ và NATO tiến hành can thiệp quân sự.

Những tập đoàn dầu lửa khổng lồ của Mỹ và Anh, những gã khổng lồ sản xuất vũ khí của Mỹ và châu Âu chính là những kẻ được hưởng lợi nhất từ cuộc chiến này.

Phải chăng dầu lửa của Libya sẽ đem lại sự thịnh vượng cho các tập đoàn dầu lửa của Anh – Mỹ ? Với giá hiện nay trên thị trường thế giới vượt quá 100USD/thùng thì dầu mỏ của Libya, với chi phí cực kỳ thấp, nhiều giếng dầu có giá thành khai thác chỉ khoảng 1USD/thùng (theo Energy & Capital 3-2008 – Sam Hopkins) thì lợi nhuận thu được từ dầu lửa có thể làm lu mờ mắt của bất kỳ ai.

Các công ty khai thác dầu lửa nước ngoài hoạt động tại Libya trước khi xung đột nổ ra gồm Total (Pháp), ENI (Italia), CNPC (Trung Quốc), BP (Anh), REPSOL (Tây Ban Nha), ExxonMobil, Chevron, Occidental Petroleum, Hess, Conoco Phillips (Mỹ).

Trong số các nước có mặt tại Libya thì Trung Quốc đóng vai trò quan trọng nhất trong ngành công nghiệp dầu lửa của nước này (lực lượng lao động của Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu lửa ở Libya khoảng 30.000 người). Hơn 11% tổng sản lượng dầu của Libya xuất khẩu sang Trung Quốc. Tiếp đến là ENI của Italy, khai thác 244.000 thùng dầu mỗi ngày và chiếm 25% lượng dầu xuất khẩu của Libya.

Có một điều mà đến nay, sau khi xảy ra xung đột tại Libya, người ta mới đặt dấu hỏi là tại sao Chevron và Occidental Petroleum – hai trong số các công ty dầu lửa của Mỹ có mặt đầu tiên tại Libya vào năm 2005 lại quyết định không gia hạn giấy phép thăm dò và khai thác 6 tháng trước đây (10-2010). Phải chăng họ đã biết trước các cuộc nổi dậy ở Trung Đông nói chung và nội chiến ở Libya nói riêng (?).

 

Một giàn khoan dầu của Libya

Lập lại “bản đồ” châu Phi

Như đã dẫn trên đây, Libya là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi. Vì vậy, có thể nói rằng mục tiêu của chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ và NATO vào Libya, núp dưới chiêu bài “hỗ trợ nhân đạo” là nhằm chiếm đoạt dầu lửa của quốc gia này. Ngoài dầu lửa, chiến dịch quân sự của Mỹ và NATO còn nhằm lật tẩy những thể chế tài chính “đen” của Libya và phong tỏa hàng trăm tỉ đôla (tiền và tài sản) của nhiều người Libya gửi tại các ngân hàng phương Tây.

Ngoài mục tiêu nói trên, chiến dịch này là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể của Mỹ ở Trung Đông và Trung Á, nhằm làm bá chủ khu vực Bắc Phi – nơi mà phần lớn trước đây từng nằm dưới ách thống trị của Pháp, và một phần nhỏ của Italia và Tây Ban Nha.

Liên quan đến Tunisia, Morocco và Algeria, ý đồ của Washington muốn làm suy yếu dần mối quan hệ chính trị và phụ thuộc của 3 quốc gia này tới Pháp. Sau đó là dựng lên những chính phủ bù nhìn – thể chế chính trị mới thân Mỹ hơn. Kế hoạch của Mỹ làm yếu Pháp ở khu vực này không khác với những gì họ đã thực hiện ở Đông Dương hơn nửa thế kỷ trước đây. Ngoài ra, chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ và NATO còn nhắm đến việc loại Trung Quốc ra khỏi khu vực, nhất là CNPC – Tập đoàn dầu lửa Quốc gia của Trung Quốc.

Vậy điều gì là lý do chính của ý đồ trên? Libya là mục tiêu đầu tiên mà Mỹ nhắm đến vì đó là một trong vài quốc gia còn nằm ngoài vòng ảnh hưởng và chưa phục vụ cho lợi ích của Mỹ. Do đó, Libya đã được “lựa chọn” số một cho bản đồ chiến dịch quân sự của Washington trong kịch bản chiến tranh đa chiều. Wesley Clark, nguyên Tổng tham mưu trưởng NATO đã từng phát biểu năm 2001 tại Lầu Năm Góc: “… chúng ta đang tiến hành cuộc chiến chống Iraq. Đó là một phần của kế hoạch 5 năm đang trên bàn nghị sự. Kế hoạch đó bao gồm 7 nước, đầu tiên với Iraq, sau đó sẽ là Libya, Syri, Li-băng, Iran, Somali và Sudan”.

Xét dưới góc độ cả về quân sự và kinh tế, Libya chính là “Cổng chiến lược để tiến vào Trung Phi”. Libya có biên giới chung với Algeria, Tunisia, Niger and Chad.

Chad cũng là một quốc gia có tiềm năng về dầu khí. ExxonMobil và Chevron (2 công ty của Mỹ) có quyền lợi lớn ở khu vực Nam Chad, hiện họ đang xây dựng một dự án đường ống dẫn dầu lớn phục vụ kế hoạch xuất khẩu dầu khí của Chad. Nam Chad là cánh cửa vào Darfur – nơi có trữ lượng dầu lửa khổng lồ của Sudan. Tuy nhiên, Washington đã chậm chân hơn Bắc Kinh vì từ năm 2007, CNPC đã có một hợp đồng nặng ký với chính phủ Chad. Điều đó đã làm cho Washington cay mũi và như ngồi trên lửa.

Với Niger, Mỹ nhắm đến quốc gia này không phải vì dầu lửa, mà đó là uranium. Niger là nước có trữ lượng uranium lớn nhất châu Phi. Hiện Pháp đang chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp khai thác uranium ở đây, tiếp sau là Trung Quốc.

Năm 1884, Mỹ đã từng đóng vai trò chủ động tại Hội nghị Berlin để vạch lại đường biên giữa các quốc gia châu Phi nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và Bỉ. Và đến thế kỷ XXI này, Mỹ lại muốn phân chia lại châu lục đen vì quyền lợi dầu mỏ, khí đốt và nhiều khoáng sản quan trọng khác (cô-ban, uranium, crom, măng-gan, bạch kim), và xa hơn nữa là làm suy yếu dần ảnh hưởng của Trung Quốc va EU.

Để thực hiện chiến lược của mình, Mỹ dựng lên chính phủ bù nhìn ở Congo, Rwanda và tới đây sẽ là Bờ biển Ngà ở Tây Phi.

EU lệ thuộc rất lớn vào dầu lửa của Libya. Hơn 85% dầu lửa của Libya được xuất khẩu sang EU. Trường hợp xảy ra chiến tranh ở Libya, khả năng dòng dầu chảy đến EU sẽ bị gián đoạn là rất lớn. Các nước chịu nhiều ảnh hưởng sẽ là Italia, Pháp và Đức. Không biết chừng, vấn đề này sẽ lại gây ra sự bất hòa giữa Mỹ và EU.

Nguyễn Hoài Giang (Lược dịch)