“Cay cú” Nga, Ukraine quyết đoạn tuyệt với thời Xô viết

07:00 | 08/02/2016

4,416 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính quyền Ukraine đang có kế hoạch đổi tên các khu dân cư thuộc các khu vực mà Kiev hiện không kiểm soát được là Donetsk và Lugansk, cũng như các thành phố của Crimea, trong khuôn khổ chính sách “đoạn tuyệt với thời Xô viết”. 
tin nhap 20160207234351
Một cuộc biểu tình ôn hòa ở thủ đô Kiev

Trong năm 2015, Ukraine đã tháo dỡ gần 140 tượng đài các nhà lãnh đạo Liên Xô

Theo lời giám đốc Viện Di tích Quốc gia Ukraine, Vladimir Vyatrovich, viện này đã đề nghị đổi tên các khu dân cư hiện nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền Ukraine ở Crimea và một phần lãnh thổ của Donbass. Ông Vyatrovich cho biết, những địa danh có từ thời Sa hoàng, không liên quan đến thời Xô viết thì vẫn giữ nguyên, thí dụ Yalta vẫn là Yalta, còn những địa danh có thành  tố Komsomol, Lenin… thì sẽ bị đổi.

Ngày 9 tháng 4 năm ngoái, Quốc hội Ukraine đã thông qua điều luật cấm tuyên truyền các biểu tượng của CNXH.

Sau đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký thêm bốn điều luật nữa, được công luận gọi là “gói đoạn tuyệt”, theo đó, chính quyền địa phương có trách nhiệm đổi tên các tỉnh, huyện, thành phố, thị trấn, làng, đường phố, trường học, bênh viện v.v nếu các đối tượng đó có những cái tên liên quan đến thời Xô viết.

Viện Di tích Quốc gia Ukraine đã công bố danh sách 520 nhân vật lịch sử bị các điều luật nói trên lên án và do đó tên của họ phải bị xóa khỏi các tên gọi địa lý. Viện này cho biết, sẽ có tới hơn 900 khu dân cư (bao gồm làng mạc, thị trấn, thành phố…) phải đổi tên, không mang tên các nhân vật lịch sử thời Xô viết nữa.

Theo ông Vyatrovich, nếu các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương không nộp đề xuất của mình về tên mới thì Viện Di tích Quốc gia sẽ lựa chọn tên rồi khuyến nghị lên Quốc hội và việc đổi tên sẽ được thực hiện một cách bắt buộc. Ông cũng cho biết Quốc hội sẽ lựa chọn tên mới cho các thị trấn làng mạc từ nay đến ngày 21/2, nhưng không nói rõ cơ chế thi hành quyết định này.

Lược sử sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga

Ngày 11/3/2014 Hội đồng tối cao Crimea và Hội đồng thành phố Sevastopol thông qua Tuyên cáo về độc lập của Crimea và Sevastopol.

16/3 Trong cuộc trưng cầu dân ý toàn cõi, 96,77 cư dân Crimea và 95,6 cư dân Sevastopol đồng ý sáp nhập vào Nga.

17/3 Hội đồng tối cao của Crimea thông qua nghị quyết trong đó Crimea tuyên xưng là một nhà nước có chủ quyền độc lập. Nghị quyết cũng đưa ra lời yêu cầu Nga nhận Crimea vào Liên bang Nga như một thực thể mới trong tư cách một nước cộng hòa trực thuộc. Cùng ngày, Tổng thống Nga đã ký một nghị định về việc công nhận Cộng hòa Crimea là một nhà nước có chủ quyền và độc lập.

21/3 Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một đạo luật liên bang về việc phê chuẩn Hiệp ước và luật hiến pháp liên bang về việc nhận Cộng hòa Crimea và Sevastopol vào Nga như một thực thể của Liên bang, cũng như một nghị định về sự thành lập khu hành chính Crimea trực thuộc liên bang, trong đó bao gồm Cộng hòa Crimea và thành phố cấp liên bang Sevastopol.

11/4 Thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Crimea, theo đó các ngôn ngữ quốc gia bao gồm Nga, Ukraina và Tatar.

Thiện Tâm

Tass, RIA,