Cây bồ đề đất Phật trên công trình Thủy điện Hòa Bình

14:30 | 23/02/2018

1,327 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu hồi còn tại chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có nhiều chuyến đi công tác ở nước ngoài. Mỗi chuyến đi, ngoài công việc ra ông đều tranh thủ thời gian tìm hiểu về phong tục, cảnh quan thiên nhiên để khi kết thúc chuyến đi, ông đều mang theo những loại cây ở nước bạn về nước nhân giống.

Ông bảo ở đời có 3 việc chúng ta nên làm: thứ nhất là trồng cây có ý nghĩa; thứ hai là viết một cuốn sách để lại cho đời; thứ ba là cứu người. Việc ông cứu đồng đội trong chiến đấu thì tôi không được tỏ tường lắm, nhưng hai việc trồng cây và viết sách đối với ông đã trở thành nghiệp.

Năm 2008 cuốn hồi ức “Một thời Quảng Trị” của ông được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, cho đến nay đã tái bản đến lần thứ 3. Và tác phẩm này đã được GS.TS Lê Quang Long dịch sang tiếng Anh. Ấn phẩm đã được chọn làm quà tặng Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam.

cay bo de dat phat tren cong trinh thuy dien hoa binh
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể chuyện đưa cây bồ đề đất Phật về trồng ở Hòa Bình

Thời làm Báo Quân đội nhân dân, tôi có nhiều lần được tháp tùng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu dẫn đầu. Các chuyến đi ấy hầu hết là kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão ở các đơn vị, địa phương ở Quân khu 4, Quân khu 5. Tại các cuộc họp với những địa phương và đơn vị trong vùng lũ, kết thúc buổi họp ông không quên nhắc cán bộ, chiến sĩ và địa phương phải có chiến lược trồng cây, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển.

Ông kể với tôi rằng, do vị trí công tác mà dấu chân ông đã in hầu hết các địa phương trong cả nước, từ những nơi khó khăn, đến biển đảo, vùng xâu vùng xa. Và đến bất cứ đâu ông cũng tranh thủ trồng tại đó một cây xanh.

Cách đây hơn chục năm, tôi có viết một bài trên Báo Quân đội nhân dân, giới thiệu về cây bồ đề đất Phật được trồng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9. Cây bồ đề này do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu mang về.

Trong một chuyến thăm Ấn Độ, ông được các bạn Ấn Độ mời tới thăm một ngôi chùa của người Việt được xây dựng tại vùng đất Phật. Tại đây ông được Đại sư Thích Huyền Diệu, trụ trì chùa này tặng cho 3 cây bồ đề con. Theo lời vị đại sư này, đây là 3 cây bồ đề từ nơi Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo.

3 cây bồ đề ấy được ông ương vào 3 vỏ lon bia giữ cẩn thận, vượt qua hàng nghìn cây số, ông mang về ươm trồng vào chậu và ngày ngày chăm sóc. Khi cây đã cứng cáp ông trực tiếp mang trồng ở những nơi mà ông nặng lòng nhất. Một cây ông trồng tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, mảnh đất ông chiến đấu trong giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất và là nơi yên nghỉ cuối cùng của rất nhiều đồng đội của ông.

Một cây ông trồng tại khuôn viên Bảo tàng Quân đoàn 1 (Tam Điệp - Ninh Bình) - nơi ông trưởng thành từ người chiến sĩ, sau đó trải qua những năm tháng gian khổ, ác liệt ở chiến trường Quảng Trị. Và rồi lên đến Tư lệnh Quân đoàn. Một cây ông trồng ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà tại xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Hỏi chuyện ông về cây bồ đề được trồng tại Thủy điện Hòa Bình, ông kể rằng: Vào ngày giáp tết năm 2008, ông về Hòa Bình, nghe bà con kể lại, ngày trước Bác Hồ về thăm tỉnh nhà, Bác đã nói với lãnh đạo và nhân dân Hòa Bình rằng: “Sau này các chú sẽ xây dựng thủy điện ở đây để cung cấp điện cho cả nước”.

Nơi đây có tượng Bác Hồ chỉ tay xuống dòng sông và bây giờ tồn tại một nhà máy thủy điện hiện đại đúng theo mong muốn của Bác. Nghe chuyện ấy, ông ấp ủ trong tâm khảm phải làm được gì đó cho mảnh đất lịch sử này. Thế rồi sau đó khi ông trở lại thăm đất nước Ấn Độ lần thứ hai, ông đã đến lại miền đất Phật xin thêm 7 cây bồ đề con về ươm tại vườn nhà. Sau đó ông mang 1 cây về trồng ở đúng vị trí mà Bác đã đến thăm Hòa Bình. 6 cây còn lại ông mang đi trồng ở những nơi có di tích lịch sử.

Nhờ sự chăm sóc thường xuyên của đơn vị quân đội đóng quân tại đây, giờ cây bồ đề đã xum xuê tỏa bóng. Nghe đồn về cây bồ đất Phật được trồng ở đây, nên trong dịp tết bà con địa phương và các vùng lân cận thường về xin. Nhưng sau khi nghe kể về hành trình của người tâm Phật mang cây bồ đề từ đất Phật trồng trên đất Hòa Bình, bà con bảo nhau không nên bẻ cành, ngắt lá, mà chỉ xin nhưng chiếc lá vàng sắp rụng.

Tôi nhớ mãi lời tâm sự mà ông suy tư, trăn trở: “Tôi đi đâu cũng trồng cây, có người không hiểu cũng có ý kiến này nọ. Song tôi nghĩ rằng, mỗi cây tôi trồng là một lời nhắn gửi với thế hệ trẻ về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, việc trồng rừng, trồng cây xanh ở thành phố cũng là giải pháp quan trọng để cân bằng sinh thái môi trường và góp phần bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta”.

Nhờ triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng, năm 2017 các vụ vi phạm về bảo vệ rừng đã giảm 22%; vụ cháy rừng giảm 64%, diện tích bị cháy giảm 89%. Vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật giảm 28% so với cùng kỳ năm 2016. Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%, diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu hécta.

Lâm Quý