Cánh cửa lại mở cho Hy Lạp?

14:20 | 07/07/2015

1,202 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cả thế giới như được trút đi một gánh nặng và tiếp tục theo dõi trong sự hoang mang về tình hình Hy Lạp khi lãnh đạo hai nước Đức, Pháp và cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều đang nỗ lực chừa lại một cánh cửa, chừa lại một hi vọng cho Athens sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý với những lá phiếu “Không” đầy bất ngờ.
Cánh cửa lại mở cho Hy Lạp?
Người Hy Lạp đứng chờ rút tiền ở cây ATM

Sau cuộc gặp vào chiều 6/7 tại Paris, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: "Cánh cửa đã lại mở cho các cuộc thương lượng tiếp theo".

Tuy nhiên, ông Hollande cũng lưu ý, “giờ là lúc chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cần phải đưa ra những đề xuất nghiêm túc, đáng tin và mong muốn ở lại Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) cần được thể hiện bởi một kế hoạch có tính dài hạn".

Thủ tướng Đức Angela Merkel thì nhấn mạnh: "Hiện chúng tôi đang đợi những đề xuất cụ thể từ phía Thủ tướng Hy Lạp và giờ đã là thời điểm rất gấp để nhận những đề xuất này, từ đó, chúng ta có thể tìm lối thoát cho tình hình hiện nay".

Giới quan sát cho rằng, quan điểm thống nhất của hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức sau cuộc gặp tối 6/7 sẽ là cơ sở nền tảng tại cuộc gặp thượng đỉnh lãnh đạo 19 nước Eurozone diễn ra vào tối nay (7/7) tại Brussels (Bỉ).

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã gia tăng áp lực lên các ngân hàng Hy Lạp bằng cách buộc họ phải gửi tài sản thế chấp cho các khoản vay khẩn cấp, trong khi vẫn duy trì mức trần cho vay.

Quyết định trên của ECB đã được đưa ra sau cuộc họp của 25 thành viên trong Hội đồng các thống đốc ngân hàng trung ương để quyết định về số phận Hy Lạp, sau khi cử tri nước này đã ồ ạt bỏ phiếu chống các biện pháp khắc khổ mà bộ ba các nhà tài trợ của Athens, gồm: Liên minh châu Âu, ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) áp đặt.

Trước đó, ECB chẳng những đã cấp cho Hy Lạp 20 tỷ Euro tín dụng qua 2 kế hoạch hỗ trợ tài chính được thông qua hồi năm 2010 và 2012 mà còn đã bơm nhiều tiền cho các ngân hàng của Hy Lạp tránh để cho hệ thống ngân hàng của quốc gia này sụp đổ, gây "hiệu ứng domino", vạ lây đến ngành tài chính, ngân hàng của châu Âu và quốc tế.

Động thái này là một dấu hiệu cho thấy ECB đã “nương tay” rất nhiều và không dồn các ngân hàng Hy Lạp đến bước đường phá sản, bởi mặc dù quy định cho vay chặt chẽ hơn, nhưng các ngân hàng Hy Lạp vẫn có đủ tài sản để thế chấp cho 89 tỷ Euro (99 tỷ USD) các khoản vay khẩn cấp.

Tuy nhiên, quyết định của ECB cũng đặt các ngân hàng Hy Lạp trong tình trạng lấp lửng: Họ không thể vay thêm tiền của ngân hàng trung ương để tài trợ cho các luồng tiền gửi, nhưng họ sẽ không bị buộc phải hoàn trả thế chấp của các khoản vay hiện tại, cho dù điều kiện thế chấp để vay bây giờ sẽ khắc nghiệt hơn.

THẾ GIỚI 24H: Chứng khoán, dầu mỏ mất giá vì Hy Lạp

THẾ GIỚI 24H: Chứng khoán, dầu mỏ mất giá vì Hy Lạp

Lá phiếu “không” của cử tri Hy Lạp trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7 đã khiến đồng euro và dầu mỏ mất giá, trong khi thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm mạnh. Nhật Bản phản đối Trung Quốc thăm dò khí đốt ở Biển Hoa Đông. Gruzia lại chuyển hướng sang Nga sau khi bị phương Tây "hứa lèo". Đó là những tin tức quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Hậu trưng cầu dân ý ở Hy Lạp: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Hậu trưng cầu dân ý ở Hy Lạp: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Theo những kết quả mới nhất về cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp, có ít nhất 61% cử tri nước này đã nói “Không” với các yêu cầu cải cách từ nhóm chủ nợ châu Âu - một kết quả được dự báo là sẽ đưa Athens vào một vòng xoáy xung đột mới với phần còn lại của khu vực đồng Euro (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Nếu bị ECB đình chỉ các khoản vay và dồn vào tình trạng quá thiếu hụt tiền mặt, Hy Lạp bắt buộc phải sử dụng một đồng tiền khác để trả lương cho công nhân viên, để thanh toán các hóa đơn mua hàng … Đơn vị tiền tệ mới đó sẽ thay thế cho những đồng Euro đang trở nên quá khan hiếm. Việc có thêm một đơn vị tiền tệ khác, ngoài Euro cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp tự rời khỏi Eurozone và sau đó là EU.

Tuy nhiên, mọi việc vẫn phải chờ đến cuộc họp ngày hôm nay (7/7) của 19 nước Eurozone.

Một chuyên gia tài chính nhận định: Nếu Athens và các chủ nợ không đạt tới một thỏa thuận để được giải ngân các khoản tín dụng mà quốc tế đã cam kết, đổi lại phải chấp nhận các chương trình cải cách thực sự, thì ECB không thể duy trì chương trình hỗ trợ khẩn cấp (ELA) cho Hy Lạp. Đặc biệt là trong bối cảnh nước Đức không ngừng gây áp lức với BCE đòi phải nghiêm khắc với con nợ Hy Lạp.

Về phần mình, ECB cũng ý thức được rằng, cắt viện trợ cho các ngân hàng Hy Lạp, đẩy Athens ra ngoài Eurozone sẽ tạo ra một làn sóng hoảng loạn trên các thị trường tài chính quốc tế.

Mặc dù vậy, cũng trong ngày hôm qua (6/7), ECB đã lên tiếng trấn an các thị trường tài chính khi tuyên bố rằng họ có công cụ để giải quyết bất kỳ lây nhiễm có thể phát sinh nếu đàm phán giữa Athens và các chủ nợ lâm vào bế tắc. Thực tế thì thị trường chứng khoán và trái phiếu châu Âu đã sụt giảm trong ngày 6/7, nhưng không nghiêm trọng như một số nhà phân tích đã lo sợ khi kết quả trưng cầu dân ý sơ bộ với ít nhất 61% số phiếu nói "Không" với chủ nợ được công bố.

Linh Phương

Năng Lượng Mới