Cần có cơ chế chấm dứt khiếu nại kéo dài, khiếu nại nhiều lần

19:06 | 24/10/2011

441 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Sau 2 ngày tạm nghỉ, sáng nay (24/10), các Đoàn đại biểu thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 và kế hoạch phân bổ ngân sách TƯ năm 2012. Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại Hội trường với phần đóng góp của đại biểu cho Dự thảo Luật khiếu nại.

Ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật khiếu nại. Sau đó, UBTV Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban pháp luật tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật, tiếp tục xin ý kiến đại Quốc hội khóa XIII. Đa số các ý kiến chiều nay đề nghị Dự thảo Luật bổ sung quy định để các cơ quan tiếp nhận và giải quyết khiếu nại có thể từ chối khiếu nại khi cần.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung (TP Hà Nội) cho rằng, tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài đang trở nên cấp bách thời gian gần đây. “Chúng ta không nên né tránh, mà nên đi thẳng vào hướng giải quyết cụ thể. Công tác hướng dẫn, tổ chức khiếu nại cho người dân theo đúng qui định là quan trọng nhất. Nếu nhiều người khiếu nại một vấn đề, tức là có cùng lợi ích bị ảnh hưởng trực tiếp, thì các cơ quan hữu quan nên tổ chức một buổi gặp, hướng dẫn họ làm đơn chung, tránh mất thời gian, giảm sút năng suất lao động, ảnh hưởng nền kinh tế vĩ mô. Đây là điều khoản mà Dự thảo Luật nên tính đến”, đại biểu Chung đóng góp.

Các đại biểu trong buổi thảo luận tại hội trường.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Đức Chung, khiếu kiện kéo dài thời gian qua chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực đất đai, nhà ở, tái định cư, môi trường… Trên thực tế, có không ít phần tử phản động tranh thủ trà trộn, kích động người dân, gây nên sự hiểu nhầm, hiểu sai chính quyền trong một bộ phận xã hội. Dự thảo Luật cũng nên quy định hình thức xử lý đối với những nhóm công dân khiếu kiện sai sự thật, khiếu kiện nhiều lần dù đã được giải quyết nghiêm túc, rốt ráo trước đó.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung tiếp tục đề nghị, các hành vi vi phạm hành chính nội bộ, không ảnh hưởng đến đa số công dân cần được trả về đúng vị trí của nó. Ví dụ, các quyết định kỷ luật, khiển trách, giáng cấp, giáng quân hàm… chỉ là mối quan hệ trong nội bộ các đơn vị hành chính, không nên đưa vào bộ Luật. Nếu người lao động không thỏa mãn với hành xử của cấp trên, anh ta có thể khởi kiện ra Tòa hành chính, thay vì khiếu nại lệch lạc, nhiều cấp, gây mất mỹ quan công sở.

Đồng tình với đại biểu của đoàn TP Hà Nội, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (tỉnh Lạng Sơn) mở rộng quan điểm, nếu sau 1 hoặc 2 lần công dân được các cơ quan tiếp (có thể trong đó có khiếu nại) và được giải đáp khúc mắc, cơ quan đó có quyền được từ chối sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với công dân. Cao hơn, Luật nên quy định hình thức xử lý cụ thể thích đáng, tránh trường hợp kẻ xấu xúi bẩy, lợi dụng hình thức tiếp công dân để trục lợi cá nhân.

Đại biểu Sinh đề nghị Nhà nước cần thừa nhận nó và xem xét xử lý đúng bản chất của sự việc một cách nghiêm túc, khách quan và kịp thời. Cụ thể là quy định đầy đủ cơ chế giải quyết khiếu kiện đông người, buộc cơ quan, tổ chức mà trước hết là người có quyết định hành chính, hành vi hành chính – nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại đông người – phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, phải trực tiếp tham gia vào cơ chế giải quyết lần đầu.

Các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật cần nghiêm cấm cơ quan, cá nhân có sai sót khi thực thi trách nhiệm, công vụ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết khiếu nại lên cơ quan cấp trên hoặc không tích cực hợp tác với Tòa án trong quá trình Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục tư pháp. Về thời hiệu khiếu nại lần đầu các đại biểu đề nghị rút còn 60 ngày thay vì 90 ngày như dự thảo luật quy định. Đồng thời, các ý kiến đều cho rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu những quy định cụ thể đối với việc giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai, tránh trường hợp mâu thuẫn giữa bản thân các luật.

Về địa điểm tiếp công dân, đại biểu Hà Công Long (tỉnh Gia Lai) đề nghị giải thích rõ khái niệm trụ sở tiếp công dân là cơ quan hay chỉ là địa điểm đơn thuần. Nếu cơ quan thì đó là cơ quan nào, HĐND, UBND hay Đoàn đại biểu Quốc hội? Cá nhân đại biểu Long đề nghị không nên quy định trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước, mà nên giao cho Chính phủ quy định, hướng dẫn thực hiện.

Sáng mai 25/10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường với phần đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật tố cáo do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý trình bày báo cáo.

Hữu Tùng