Bài học lịch sử chiến tranh dường như chưa bao giờ được học

07:04 | 11/09/2015

3,416 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người ta vẫn tin rằng chỉ chiến tranh và trò hù dọa chiến tranh mới giải quyết được mâu thuẫn tranh chấp liên quan chủ quyền. Rồi sẽ có những cuộc trả giá bằng sinh mạng lẫn tổn thất kinh tế. Bài học lịch sử chiến tranh dường như chưa bao giờ được học.

nga cao buoc phuong tay gay ra khung hoang di dan

Nga cáo buộc phương Tây gây ra khủng hoảng di dân

Nga hôm qua lên tiếng cáo buộc rằng chính phương Tây, với thái độ hiếu chiến gây chiến tranh khắp nơi trên thế giới, phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng di dân hiện nay.

Có bao nhiêu cuộc chiến từ sau Thế chiến thứ II?

Người ta liên tưởng ngay đến các cuộc chiến như: Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953); Chiến tranh Việt Nam (1957-1975); Chiến tranh Arab - Israel (1967, 1973, 1982); Chiến tranh vùng Vịnh (1990-1991); Chiến tranh vùng Vịnh lần hai (2003)...

Đó chỉ là những cuộc chiến quy mô lớn, gây tổn thất nhiều và có sự can dự gián tiếp hay trực tiếp của nhiều quốc gia.

Thực tế cho thấy chiến tranh gần như luôn đi cùng với sự phát triển của nhân loại và ngay trong thời điểm này vẫn còn có không ít nước muốn dùng nắm đấm chiến tranh để tranh bá quyền.

Chiến tranh và hòa bình

Từ khi “hòa bình” được tái lập sau Thế chiến thứ II, có đến gần 300 cuộc chiến và xung đột. Khoảng 10.000.000 binh lính đã ngã gục trong các cuộc chiến này, chưa kể hàng triệu người khác bị thương, bị tra tấn hay bị tật nguyền và cũng chưa kể hàng triệu thường dân trở thành nạn nhân, chết bất ngờ trong một cuộc chiến mà họ vẫn không hiểu vì sao.

Hiện nay, có hơn 60 thành viên Liên Hiệp Quốc đang hứng chịu chiến tranh.

Năm 1928, Henry Ford nói: “Nhân loại ngày càng tiến bộ và văn minh nên không thể nào tự đưa họ vào một cuộc chiến lớn”. Năm 1932, Tổng thống Mỹ Herbert Hoover nói: “Gánh nặng vũ khí hiện nay đang đè lên thế giới… Tất cả xe tăng, vũ khí hóa học và súng đại bác… tất cả máy bay oanh tạc đều phải nên được phá hủy”. 7 năm sau, cuộc chiến khốc liệt nhất lịch sử nhân loại đã xảy ra: Thế chiến II.

chien tranh tai sao

Cho đến nay, mỗi năm, gần 1.000 tỉ USD đã được tiêu xài trong các mục đích quân sự. Trong khi đó, nhiều nhà chính sách học quốc tế từng nói “hình dạng” của thế giới trong tương lai sẽ được quyết định bằng các yếu tố kinh tế chứ không phải quân sự.

Bill Clinton cũng như George W. Bush sau đó đều đắc cử tổng thống nhờ cuộc vận động mà trong đó lá bài chủ lực là lý thuyết nền kinh tế - địa lý (geo-economics, cho rằng sự cạnh tranh thật sự giữa các quốc gia là làm sao sản xuất được những sản phẩm tốt nhất, nâng mức sống lên cao nhất, phát triển lực lượng nhân công có kỹ năng tốt nhất và được giáo dục kỹ nhất).

Nếu lý thuyết này được áp dụng đúng đắn, ngân sách quốc phòng toàn cầu đáng lý bị cắt giảm. Trong thực tế, giả định này đã không thành hiện thực. Nhà tương lai học Alvin Toffler nói: “Lý thuyết nền kinh tế - địa lý đã bị cày nát bởi những viên đạn”.

Trong suốt chiều dài lịch sử, người ta có thể nhận thấy cách mà chiến tranh được tạo ra đã phản ánh cách mà sự kiếm sống được tạo ra. Cho dù từng tồn tại quan niệm lãng mạn rằng các cộng đồng thiểu số ngày xưa sống trong hòa bình và hạnh phúc ngọt ngào, sự thật vẫn là thời đó từng có chiến tranh, nổ ra giữa các cộng đồng.

Các cộng đồng này giao chiến với nhau để trả thù, bắt cóc phụ nữ hay tìm kiếm nguồn protein và tinh bột. Sau đó, cuộc cách mạng nông nghiệp đã khai sinh làn sóng chiến tranh thứ nhất, giải quyết mâu thuẫn về cơ cấu chính trị và xã hội. Nông nghiệp đã thai nghén ra chiến tranh bởi hai lý do. Nó khiến các cộng đồng có thể sản xuất và tích trữ một thặng dư kinh tế trị giá bằng một cuộc chiến. Và nó thúc đẩy phát triển lãnh thổ.

Cả hai nguyên cớ này đã đưa đến các điều kiện dẫn đường cho cái mà ngày nay người ta gọi là chiến-tranh-có-quy-mô. Nói cách khác, đất đai là một trong những nguyên cớ đầu tiên trong lịch sử nhân loại khiến người ta giết nhau để giành giật. Cho đến nay, đất đai và tài nguyên vẫn là nguyên nhân chính yếu đưa đến các cuộc chiến.

Cuộc cách mạng công nghiệp đã góp phần tạo nên làn sóng chiến tranh thứ hai. Từ cuối thập niên 1600 - khi động cơ hơi nước được sử dụng để bơm nước ra các hầm mỏ Anh, khi Isaac Newton đang mày mò nghiên cứu khoa học, khi René Descartes ngồi viết những hàng triết học, khi các phân xưởng mọc nơi này nơi kia, khi ngành sản xuất hàng loạt ở phương Tây bắt đầu thay thế nền nông nghiệp - thì chiến tranh cũng bắt đầu được “công nghiệp hóa”.

Chiến tranh trước cuộc Cách mạng Pháp (1789) chỉ là sự xung đột giữa giới quí tộc và vua chúa. Sau đó, chiến tranh trở thành cuộc xung đột giữa các dân tộc và dần dần là cuộc xung đột giữa các đạo quân mà trong đó binh lính là những người bị ép phải nhập ngũ.

Ở Mỹ, làn sóng chiến tranh thứ hai chứng kiến sự giao tranh của phe miền Bắc công nghiệp và miền Nam nông nghiệp. Tại các nước phương Tây khác và Nhật, chiến tranh đã đem đến sự xuất hiện của một thế hệ mới, thay thế cho chế độ phong kiến. Cuộc cách mạng Minh Trị đã đẩy các chiến binh samurai vào bóng tối…

Sự ra đời ngành công nghiệp sản xuất hàng loạt đã phần nào lót đường cho cỗ máy chiến tranh lăn kinh khủng hơn. Trong Thế chiến thứ hai, Mỹ không chỉ tung ra 15 triệu lính mà còn sản xuất gần 6 triệu súng trường và súng máy, hơn 300.000 máy bay, 100.000 xe tăng và xe cơ giới, 71.000 tàu chiến và 41 tỉ băng đạn. Sức tàn phá của chiến tranh ở làn sóng thứ hai thật kinh khủng.

Ngày 9-3-1945, 334 oanh tạc cơ B-29 của Mỹ đã tấn công Tokyo nhằm trả đũa vụ Trân Châu Cảng và gây thiệt hại 267.171 tòa nhà và giết chết 84.000 thường dân (40.000 người khác bị thương), 16 dặm vuông của Tokyo trở thành bình địa…

Làn sóng thứ ba của chiến tranh là những cuộc chiến trong thập niên 90 của thế kỷ trước, những cuộc chiến của kỹ thuật cao và cuộc chiến không có mặt trận, chẳng hạn chiến tranh tin học. Cuối cùng, làn sóng chiến tranh mới nữa là hình thái chiến tranh bất đối xứng (asymmetric warfare) - cụm từ được nhắc nhiều lần từ sau vụ khủng bố nước Mỹ 11-9-2001.

Đó là cuộc chiến không tiến hành theo cách qui ước (conventional) cũng không bất qui ước (unconventional, trong đó chiến cụ bất quy ước như vũ khí sinh - hóa học được sử dụng), mà là cuộc đối đầu với hình thức khủng bố.

Chiến tranh là thần chết

Những cuộc “cách mạng” trong quân sự đã làm cho chiến tranh thảm khốc hơn. Các sử gia cho rằng chiến tranh đã được “cách mạng hóa” khi Alexander Đại đế đánh bại Ba Tư bằng cách “quét sạch bộ binh phía tây bằng kỵ binh phía đông”. Nói cách khác, chữ “cách mạng” trong quân sự đồng nghĩa với sự ra đời của thuốc súng, máy bay, tàu ngầm, hỏa tiễn liên lục địa…

Những vũ khí mới đã tạo ra các thành tố mới hay tạo ra sự kết hợp mới giữa các thành tố cũ trong một “trò chơi”.

Cuộc cách mạng thật sự trong trò chơi chiến tranh phải tính đến cả sự thay đổi của bản thân trò chơi, trong đó có luật chơi, dụng cụ, cơ cấu cũng như số lượng người tham gia, cách huấn luyện, học thuyết, chiến thuật và kỹ năng chuyên biệt hóa (như những đoàn kỵ binh dũng mãnh của Mông Cổ ngày trước). Có thể trò chơi chỉ có hai đội nhưng cũng có thể có nhiều đội.

Quan trọng hơn hết, trò chơi mới sẽ làm thay đổi mối quan hệ giữa bản thân nó và xã hội. Cuộc “cách mạng” trong quân sự còn là khả năng nới rộng tầm với. Viết về cuộc chiến vào thế kỷ IV trước Công nguyên, nhà sử học Diodorus Siculus đã kể rằng, tướng Hy Lạp Iphicrates đã nhân danh Ba Tư chống lại Ai Cập và ông đã “làm cái thương và thanh kiếm dài thêm gấp đôi”.

Các máy bắn đá thời cổ đại chỉ đẩy được viên đá 5kg ra xa khoảng 250m. Cung tên - được Trung Hoa sử dụng vào năm 500 trước Công nguyên và châu Âu dùng phổ biến vào năm 1100 - đã trở thành thứ vũ khí lợi hại (đến độ Giáo hoàng Innocent II đã cấm dùng vào năm 1139). So với viên đại bác đá có tầm xa 250m, tên có thể phóng đi xa gấp đôi, đặc biệt từ các cung thủ Thổ Nhĩ Kỳ…

Trước năm 1942, Alexander de Seversky trong quyển Victory through air power (Chiến thắng bằng không lực) đã giục nước Mỹ phải đầu tư vào không lực. Seversky đã đưa ra nhiều ý tưởng mà lúc đó bị đánh giá là bất khả thi.

Đến nay, trên lý thuyết, bất cứ ngóc ngách nào trên thế giới cũng có thể là mục tiêu của tên lửa đạn đạo liên lục địa, như Tomahawk. Không những vươn xa mà cả tốc độ cũng được “cách mạng hóa”.

Và cuộc cách mạng hóa chiến tranh chưa bao giờ ngừng. Cách đây không lâu, Bộ Quốc phòng Mỹ loan báo họ đã chế tạo thành công súng laser, có thể triệt hạ tên lửa đối phương một cách chính xác tuyệt đối với tốc độ tấn công bằng vận tốc ánh sáng.

Năm 2014, Mỹ tuyên bố chi 1 ngàn tỉ USD để duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân trong ba thập niên tới. Cơ quan Ngân sách Quốc hội (CBO) dự xuất Mỹ sẽ chi 355 tỉ USD trong một thập niên tới cho kho vũ khí hạt nhân.

Theo báo cáo công bố ngày 6-1-2014 của Hội đoàn Khoa học gia nguyên tử Hoa Kỳ (FAS), Mỹ hiện có 4.650 đầu đạn hạt nhân và 2.130 trong số đó đang trong tình trạng sẵn sàng “tham chiến”. Ngoài 4.650 đầu đạn hạt nhân, Mỹ còn có 2.700 đầu đạn hạt nhân cũ chưa được phân hủy.

Mỹ cũng là một trong những nước có khả năng “xử” vũ khí hạt nhân bằng ba “phương tiện”: hệ thống tên lửa mặt đất; hệ thống tên lửa bắn từ tàu ngầm; và oanh tạc cơ.

Theo FAS, Mỹ hiện có 1.620 đầu đạn hạt nhân đang được lắp trên tên lửa đạn đạo; 1.150 cho tên lửa phóng từ tàu ngầm; 470 cho tên lửa liên lục địa; khoảng 300 đầu đạn chiến lược nằm tại các căn cứ oanh tạc cơ; và gần 200 đầu đạn phi chiến lược tại các căn cứ Hoa Kỳ ở châu Âu.

Việc bảo trì các hệ thống vũ khí hạt nhân Mỹ tốn khoảng 8 tỉ USD/năm… Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi những chương trình hiện đại hệ thống vũ khí hạt nhân. Hải quân dự tính mua 12 tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo (có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) đời mới với giá mỗi chiếc từ 4-6 tỉ USD để thay thế 10 chiếc lớp Ohio là một ví dụ.

Vũ khí hạt nhân phi chiến lược (non-strategic nuclear weapon), còn gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật (tactical nuclear weapon), là gì? Sự khác biệt giữa vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật tùy vào định nghĩa quân sự của một sứ mạng thuộc dạng chiến lược hay chiến thuật.

Theo Từ điển thuật ngữ quân sự Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (Department of Defense Dictionary of Military Terms), một sứ mạng chiến lược là: Sứ mạng được thực hiện nhắm vào một hay nhiều mục tiêu chọn lựa với mục đích phá hủy một cách liên tục trên diện rộng, làm triệt tiêu khả năng tham chiến của đối phương.

Mục tiêu chiến lược gồm các hệ thống sản xuất chính yếu trong xương sống kinh tế quốc gia, nguồn nguyên liệu thô, kho dự trữ, hệ thống điện, hệ thống giao thông, hệ thống liên lạc… Nói cách khác, chiến dịch quân sự dạng chiến lược được thiết kế để triệt hạ đối phương một cách toàn diện, mang lại tác động và ảnh hưởng kinh tế lâu dài. Tức là “san thành bình địa”, cho “trở về thời đồ đá”, nói cho dễ hiểu.

Trong khi đó, vũ khí hạt nhân chiến thuật là “việc dùng vũ khí hạt nhân bằng các hệ thống tên lửa mặt đất, biển hoặc không quân, nhằm hỗ trợ cho việc dàn quân trong chiến dịch quân sự qui mô mở rộng sau đó”. Thường vũ khí hạt nhân chiến thuật là các loại mìn, tên lửa tầm ngắn…, được triển khai ở phạm vi hạn chế khoanh vùng tại nơi đang hoặc sắp xảy ra chiến sự.

Trong thực tế, đến nay, quân đội Mỹ chỉ sử dụng các loại vũ khí chiến thuật (có khả năng nhưng) không lắp đầu đạn hạt nhân, trong các cuộc chiến mà họ can dự...

Hiện Mỹ có 470 tên lửa liên lục địa đầu đạn hạt nhân (LGM-30 Minuteman; Boeing sản xuất). Có thể mang ba đầu đạn từ 300-500 kiloton. Giá 7 triệu USD. Nặng 35,3 tấn. Tầm hoạt động 13.000km. Vận tốc Mach 23, tức 24.100 km/giờ (7,8 km/giây).

Bắn lên từ hầm ngầm mặt đất (silo). Khoảng cách từ Washington DC đến Bắc Kinh: theo Google, là 11.138km; vậy cái anh “người phút” Minuteman chỉ mất chưa đến 30 phút!...

Bóng ma chiến tranh vẫn lởn vởn đe dọa an ninh và hòa bình thế giới. Châu Á - Thái Bình Dương đang nóng lên với nhiệt kế được đo bằng sức nóng của nòng súng trong các cuộc tập trận bắn đạn thật.

Người ta vẫn tin rằng chỉ chiến tranh và trò hù dọa chiến tranh mới giải quyết được mâu thuẫn tranh chấp liên quan chủ quyền. Rồi sẽ có những cuộc trả giá bằng sinh mạng lẫn tổn thất kinh tế.

Bài học lịch sử chiến tranh dường như chưa bao giờ được học.

M.Kim

Năng lượng Mới 456