5 thách thức kinh tế của Tổng thống Putin

09:17 | 22/03/2018

1,900 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 18/3 đã đem lại cho ông Vladimir Putin nhiệm kỳ thứ tư với hơn 73,9% số phiếu bầu. Không ai có thể phủ nhận thành quả của ông trong nhiệm kỳ vừa qua về mặt đối ngoại nhưng để đạt được mục tiêu mong đợi là có được bước ngoặt trong nền kinh tế Nga trong 6 năm cầm quyền tới, các chuyên gia cho rằng Tổng thống Putin sẽ phải vượt qua 5 trở ngại lớn.
5 thach thuc kinh te cua tong thong putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) kiểm tra công tác xây dựng cầu nối đất liền với bán đảo Crimea qua ngày 14/3/2018

Thiếu nhân lực

Ứng cử viên Vladimir Putin đã đề cập đến chính sách gia đình rất nhiều lần trong chiến dịch vận động của mình, vì đó là vấn đề rất quan trọng. Nga, hiện có 146,9 triệu dân, đã giảm mất hơn năm triệu kể từ năm 1991. Đây là hậu quả của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng xảy ra sau khi Liên Xô tan rã.

Thế hệ sinh ra trong những năm đầu của thời hậu Xô viết, với tỷ lệ sinh giảm, hiện đang tham gia vào thị trường lao động, có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu nhân lực có trình độ và từ đó hạn chế tăng trưởng của nền kinh tế. Thế hệ trẻ này ít đông hơn thế hệ trước đó và đến lượt họ lại cũng hạn chế sinh con hoặc sinh con rất trễ.

"Chúng ta sẽ có ít người trẻ hơn trong vòng từ 10 đến 15 năm tới. Hậu quả là một chuyên gia trẻ tuổi có kỹ năng mới - tư duy và kỹ thuật, bao gồm lập trình máy tính - sẽ quý như vàng", Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin, cảnh báo gần đây.

Người về hưu bắt đầu ồ ạt

Tuổi nghỉ hưu ở Nga - 55 đối với phụ nữ và 60 đối với nam giới - là mức thấp nhất trên thế giới. Với sự suy giảm nhân khẩu học, hệ thống hưu trí, mặc dù rất nhỏ nhưng cũng đang dần trở thành một gánh nặng cho ngân sách liên bang. Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần thừa nhận rằng một cuộc cải cách tuổi về hưu sẽ là cần thiết nhưng lại cho rằng giờ chưa phải lúc.

Cựu Bộ trưởng Alexei Kudrin từng ủng hộ việc tăng dần tuổi nghỉ hưu đến 63. Nhưng hiện đồng lương hưu ở Nga khá thấp, cộng thêm tình trạng nhiều người về hưu thường đấu tranh phản đối việc cắt giảm lương hưu và tăng tuổi về hưu nên việc cải cách chính sách này đối với Tổng thống Putin trong thời gian tới là rất khó khăn.

Ngày 16/3 vừa qua, Điện Kremlin tuyên bố chuẩn bị các biện pháp cho phép lương hưu tăng nhanh hơn mức lạm phát.

Thu hút đầu tư

Để khắc phục những trở lực trong phát triển kinh tế, Tổng thống Putin thường có thái độ rất trân trọng các nhà đầu tư nước ngoài tại các hội nghị về kinh tế. Ông hứa hẹn sẽ cải thiện môi trường kinh doanh Nga bị ảnh hưởng bởi tình trạng quan liêu.

Theo Chris Weafer, người sáng lập Tổ chức tư vấn Macro, "Nga cần thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, phải tạo ra một môi trường cạnh tranh thuận lợi (giảm thuế cho ngành công nghiệp và khuyến khích đầu tư) và giảm quan liêu". Theo nhà phân tích Weafer, "nhu cầu cải thiện đầu tư nước ngoài cũng là lý do khiến Điện Kremlin không đáp trả lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Chính phủ Nga không muốn các biện pháp trả đũa gây khó khăn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đến Nga làm ăn".

Cũng vào ngày 16/3 vừa qua, Điện Kremlin cho biết đã chỉ thị cho Thủ tướng Dmitry Medvedev và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina từ nay đến ngày 15/7/2018 phải xây dựng một "kế hoạch hành động" để tăng đáng kể tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế Nga, vốn đang phụ thuộc nhiều vào dầu khí. Nếu trong năm 2017, đầu tư đã tăng 4,4%, theo Cơ quan thống kê Rosstat, thì mức tăng này lại chủ yếu đến từ các dự án lớn mang tính tạm thời như xây dựng cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea hoặc các công trình phục vụ giải Vô địch bóng đá thế giới do Nga đang cai trong năm nay.

Đa dạng hóa nền kinh tế

Nga, quốc gia có trữ lượng dầu khí khổng lồ, vẫn chịu sự biến động của giá cả, như những gì chúng ta thấy qua cuộc khủng hoảng dầu khí năm 2015-2016.

Để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn thu từ chất đốt, chuyên gia Chris Weafer đề nghị Nga nên đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, chẳng hạn đầu tư phát triển các doanh nghiệp nhỏ bằng cách hạ thấp hàng rào tín dụng cho họ. Khuyến khích đầu tư vào robot, công nghệ "thông minh" và trí thông minh nhân tạo.

Lev Jakobson, giáo sư tại Trường Kinh tế cao cấp của Moscow, cho biết sự tăng trưởng ấn tượng về năng suất của lĩnh vực nông nghiệp Nga trong những năm qua, khi nó phá vỡ kỷ lục về sản lượng và xuất khẩu, là một bài học kinh nghiệm để đa dạng hóa nền kinh tế Nga.

Tăng năng suất

Chuyên gia Chris Weafer nói: "Nền kinh tế Nga hiện không hiệu quả, vì di sản của hệ thống Xô viết và vì sự phát triển dễ dàng có được từ dầu khí trong những năm 2000-2013. Có rất nhiều sự thiếu hiệu quả trong hệ thống mà nếu được sửa chữa có thể dẫn tới tăng trưởng mạnh".

Ông trích dẫn ví dụ về ngành dầu mỏ Nga khi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng giá dầu, đã buộc phải tăng sản lượng bình quân hàng ngày, 740.000 thùng mỗi ngày, từ tháng 8/2014 đến tháng 11/2016. "Ngành công nghiệp này đã buộc phải trở nên hiệu quả và sáng tạo hơn", chuyên gia Weafer nhận xét.

Để hiện đại hóa các công ty và tập đoàn lớn, chính phủ Nga đã đưa ra một số kế hoạch cổ phần hóa, nhưng việc nhà nước vẫn còn nắm phần lớn quyền sở hữu trong nền kinh tế trong thời gian gần đây lại đang cản trở phần nào công cuộc cải cách năng suất cho nền kinh tế.

Nh.Thạch