5 lượng vàng trong đống rác thuộc về ai?

07:16 | 21/09/2015

4,302 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP HCM phân tích, số tài sản người nhặt được đã xác lập quyền sở hữu sau 1 năm chủ cũ không đến nhận lại. 
xac lap quyen so huu sau 1 nam nhat duoc tai sanNiềm vui nhân đôi của gia đình “tỉ phú ve chai”
xac lap quyen so huu sau 1 nam nhat duoc tai sanChị mua ve chai đã nhận được 5 triệu Yên!
xac lap quyen so huu sau 1 nam nhat duoc tai sanChị ve chai sắp thành "tỉ phú"
xac lap quyen so huu sau 1 nam nhat duoc tai san
Luật sư Nguyễn Văn Hậu.

Những ngày qua, vụ phân xử 5 lượng vàng giữa người nhặt được và chủ sở hữu cũ gây nhiều tranh cãi. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP HCM phân tích, số vàng trên đã được xác lập quyền sở hữu cho người nhặt được sau 1 năm chủ cũ không đến nhận lại.

Diễn biến của vụ việc, ngày 4/8/2014, chị Phạm Tuyết Mai (ngụ TP Cà Mau) nhặt được túi đồ chứa vàng trong đống rác tại nơi làm việc với tổng giá trị gần 5 lượng. Chị Mai đã giao nộp số vàng trên cho Công an TP Cà Mau xử lý. Sau đó, cơ quan chức năng đăng thông báo tìm chủ tài sản bị mất hơn 1 năm theo quy định của pháp luật mà không có người đến nhận.

Đầu tháng 9/2015, Công an TP Cà Mau thống nhất xử lý số vàng chị Mai nhặt được theo Điều 241 Bộ luật Dân sự. Chị Mai sẽ nhận 10 tháng lương tối thiểu (tương đương 27 triệu đồng) cộng với 50% của phần vàng còn lại sau khi trừ đi 10 tháng lương tối thiểu (tương đương 41 triệu đồng). Tổng cộng, chị Mai nhận được khoảng 68 triệu đồng.

Số tiền còn lại khoảng 5 lượng vàng trừ 10 tháng lương tối thiểu rồi chia 2 (tức 41 triệu đồng) sẽ sung công quỹ. Lúc này, chị Nguyễn Thị Bích Ngân xuất hiện và nhận là chủ của số vàng. Chị Ngân đưa ra các bằng chứng khẳng định số vàng là của hồi môn do cha mẹ cho ngày về nhà chồng.

Chị Ngân trình bày, đầu tháng 8/2014, chị gom số vàng này cất vào ví da rồi để trên dàn máy vi tính ở nhà nhưng đến chiều cùng ngày không tìm thấy. Liên quan đến vấn đề này, Công an phường 8 (TP Cà Mau) cũng đã lập biên bản.

Ngày 31/8, chị Ngân đọc báo thấy số tài sản mà chị Mai nhặt được giống của mình bị mất nên đến công an cung cấp một số hình ảnh, giấy tờ liên quan để chứng minh chủ sở hữu. Chị Ngân nói rằng không hề hay biết việc công an đã đăng báo tìm chủ nhân số vàng từ hơn 1 năm trước.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu lập luận, trong vụ việc này, chị Mai đã thực hiện việc giao nộp tài sản đã nhặt được cho cơ quan công an, đồng thời cơ quan công an cũng đã thực hiện thủ tục thông báo, công khai theo đúng quy định tại Điều 241 Bộ luật Dân sự 2005. Do đó, tôi cho rằng chị Mai sẽ được quyền sở hữu tài sản bị đánh rơi, bỏ quên theo khoản 2, Điều 241 Bộ luật Dân sự 2005.

“Nếu vật có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước”, luật sư Hậu khẳng định.

xac lap quyen so huu sau 1 nam nhat duoc tai san
Số vàng chị Mai nhặt được trong bãi rác.

Nghĩa là, chị Mai sẽ nhận 10 tháng lương tối thiểu cộng với 50% của số vàng còn lại sau khi đã trừ đi 10 tháng lương tối thiểu; phần còn lại thuộc Nhà nước. Chị Mai đã xác lập quyền sở hữu tài sản do bị đánh rơi, bị bỏ quên theo đúng quy định tại Điều 241, khoản 6 Điều 170 Bộ luật Dân sự 2005. Do đó, quyền sở hữu số vàng của chị Ngân đã bị chấm dứt theo Điều 250 Bộ luật Dân sự 2005.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích: “Cụ thể, khi vật bị đánh rơi, bị bỏ quên mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại các điều từ Điều 241 đến Điều 244 của Bộ luật Dân sự thì quyền sở hữu của những người có tài sản đó chấm dứt. Khoản 7 Điều 171 Bộ luật Dân sự 2005 cũng khẳng định rõ vật bị đánh rơi, bị bỏ quên mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định là một trong các căn cứ chấm dứt quyền sở hữu tài sản đó”.

Nếu chị Mai đã xác lập tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên đúng trình tự, thủ tục quy định thì chị Ngân khó có thể đòi lại số vàng mặc dù nó là của mình. Về nguyên tắc, việc thỏa thuận phân chia tài sản của các bên được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, điều đó được khẳng định tại Điều 4 Bộ luật dân sự 2005. 

Các bên có quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự miễn là cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào. Nếu chị Mai đồng ý, chị Mai (người đã được xác lập quyền sở hữu) và chị Ngân (người đã mất quyền sở hữu) có thể thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản.

Tuy nhiên, trên thực tế tài sản của chị Ngân đã bị sung công quỹ một phần theo quy định tại Điều 241 BLDS 2005. Do đó, giữa chị Mai và chị Ngân chỉ có thể tự thỏa thuận trong phần tài sản chị Mai đã xác lập quyền sở hữu.

Trong trường hợp này, chị Ngân bị mất số tài sản trên là điều mà chị Ngân không hề mong muốn xảy ra. Cơ quan chức năng làm thủ tục thông báo công khai để tìm kiếm chủ sở hữu khi chị Mai giao nộp tài sản, tức là cũng đã dành ra một khoảng thời gian hợp lý để chị Ngân có cơ hội tìm lại được tài sản của mình nhưng chị Ngân vẫn không biết đến việc này.

Về phần chị Mai, có thể nói một phần vì sự kiện nhặt được số vàng trên mà chị Mai cũng mất đi công việc của mình. Xét về lý, về tình thì chị Mai cũng đã làm hết nghĩa vụ, trách nhiệm của mình nên chị Mai được toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt số tài sản mà chị đã được xác lập quyền sở hữu.

“Hai bên cũng có thể dựa trên tình hình, hoàn cảnh, điều kiện của hai gia đình mà có thể có những thỏa thuận khác về số tài sản này”, luật sư Hậu nói.

Hưng Long

Năng lượng Mới