Hà Nội:

Xử lý xe "dù", bến "cóc" - Có quá khó?

06:38 | 19/03/2021

124 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian qua, tình trạng xe “dù”, bến “cóc” trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp, thậm chí có chiều hướng gia tăng về số lượng phương tiện, tần suất chạy xe… gây mất trật tự, an toàn giao thông... Thực trạng này khiến dư luận đặt câu hỏi: Xử lý xe “dù”, bến “cóc” phải chăng quá khó?
Xử lý xe
Xe tuyến Yên Bái - Mỹ Đình đón khách sai quy định trên đường Phạm Hùng (ảnh chụp ngày 16/3/2021).

Vi phạm tái diễn tràn lan

Nhằm chấn chỉnh tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý. Theo thống kê của Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, trong năm 2020, Thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 6.363 trường hợp, phạt tiền hơn 9,5 tỷ đồng, tạm giữ 83 phương tiện, tước giấy phép lái xe 782 trường hợp, tước phù hiệu của 178 phương tiện. 2 tháng đầu năm 2021, lực lượng này cũng đã lập biên bản xử lý vi phạm 918 trường hợp, phạt tiền hơn 1,14 tỷ đồng…

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt nhiều, song xe “dù”, bến “cóc” vẫn không có dấu hiệu giảm. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày 16-3 cho thấy, tại khu vực trước Bến xe Mỹ Đình, hàng chục phương tiện sau khi ra khỏi bến vẫn chạy với tốc độ “rùa bò”, ngang nhiên dừng, đỗ đón khách và hàng hóa trên đường Phạm Hùng (đoạn từ Phạm Hùng - Đình Thôn đến chân cầu vượt Mai Dịch). Chỉ trong thời gian khoảng 30 phút đã có hơn 10 xe dừng, đỗ “bắt” khách, như xe mang biển kiểm soát 19B-002.62 chạy tuyến Mỹ Đình - Việt Trì (Phú Thọ), xe 21B-004.15 chạy tuyến Mỹ Đình - Yên Bái…

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các tuyến đường xung quanh Bến xe Giáp Bát, như Kim Đồng, Giải Phóng trong chiều 16-3. Vi phạm nhiều nhất phải kể tới các nhà xe chạy tuyến Nam Định, Ninh Bình, như xe 18B-021.03 chạy tuyến Giáp Bát - Lạc Quần (Nam Định), xe 18B-011.87 chạy tuyến Giáp Bát - Hải Thịnh (Nam Định); xe 35B-005.35 chạy tuyến Giáp Bát - Kim Sơn (Ninh Bình)… Nhiều xe còn dừng hàng chục phút trước điểm đón trả khách của xe buýt. Giúp sức cho những nhà xe này là rất nhiều “cò mồi”, xe ôm đi gom khách. Chính những đối tượng này thông báo cho lái xe vị trí chốt trực hoặc khi lực lượng chức năng kiểm tra. Khi bị kiểm tra, xử phạt, lái xe thường lấy lý do trong bến vắng nên phải ra đường chạy kiểu “rùa bò” để bắt thêm khách.

Bà Trần Thị Phương Lan (trú tại ngõ 6 phố Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) phản ánh, khi có Thanh tra Giao thông, Công an chốt trực, xe khách luôn chấp hành nghiêm túc, nhưng khi lực lượng chức năng rời đi là vi phạm tái diễn. Tình trạng vi phạm kéo dài nhiều năm nhưng không thể xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân.

Xử lý xe
Xe tuyến Nam Định bất chấp nguy hiểm, đang chạy vẫn mở cửa đón khách trên phố Kim Đồng, đoạn gần Bến xe Giáp Bát (ảnh chụp ngày 16/3/2021).

Cần các giải pháp đồng bộ

Theo Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang, Thanh tra Sở đã đề nghị các đơn vị quản lý bến xe thường xuyên nhắc nhở lái xe chấp hành quy định; chỉ đạo các đơn vị quản lý địa bàn bố trí lực lượng kiểm tra các tuyến đường xung quanh bến xe, tập trung vào các thời điểm có nhiều phương tiện hoạt động…

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long thừa nhận, tình trạng xe “dù”, bến “cóc” trên địa bàn Thủ đô vẫn còn diễn biến phức tạp. Chỉ rõ nguyên nhân vi phạm, ông Đào Việt Long cho rằng, các bến xe chưa có cơ chế thu hút hành khách. Các đơn vị vận tải chưa quan tâm ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, đặt vé nên chưa hấp dẫn người cần đi xe. Cơ quan chức năng chưa áp dụng hiệu quả công nghệ trong nhận diện, cảnh báo, trích xuất dữ liệu đối với một số hành vi vi phạm, như chạy sai hành trình, đón trả khách sai quy định. Trong khi đó, lực lượng tuần tra còn mỏng…

Để giải quyết vấn nạn xe “dù”, bến “cóc”, vấn đề quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động vận tải phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đồng thời áp dụng công nghệ trong quản lý và điều hành việc đón trả khách, giám sát các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời... “Thời gian tới, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm; rà soát, điều chỉnh hành trình các tuyến vận tải phù hợp với tổ chức giao thông của thành phố; đề xuất lắp đặt camera giám sát giao thông tại các tuyến đường trọng điểm, các khu vực bến xe để phạt “nguội””, ông Đào Việt Long thông tin.

Ngoài ra, nâng cao vai trò trách nhiệm của các địa phương trong quản lý địa bàn cũng là một yêu cầu cấp thiết. Theo đó, các địa phương phải rà soát, thống kê các địa điểm dễ phát sinh vi phạm trên tuyến đường xung quanh bến xe, đường quốc lộ qua địa bàn để kịp thời có phương án xử lý. Về lâu dài, việc hoàn thiện các bến xe khách theo quy hoạch và bố trí luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bảo đảm thuận tiện cho nhân dân là giải pháp căn cơ để xử lý nạn xe “dù”, bến “cóc”.

Theo Báo Hànộimới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan