Xử lý chủ đầu tư, nhà thầu để xe tải "băm" đường

15:33 | 21/02/2014

939 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 20/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) có văn bản yêu cầu Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải các địa phương và Tổng Công ty, Ban Quản lý dự án trên toàn quốc phải nâng cao trách nhiệm trong công tác kiểm soát, ngăn chặn xe chở quá tải trọng.

Hiện nay tại các công trình đang thi công, xe quá tải chở vật liệu xây dựng đã làm hư hỏng nhiều tuyến đường xung quanh. Đây là một thực trạng đang diễn ra khá phổ biến, do ý thức kém của lái xe, của nhà thầu, thiếu sự chấn chỉnh của chủ đầu tư, sự kiểm soát, xử lý xe vi phạm còn lỏng lẻo.

Xe chở hàng quá khổ, quá tải trọng không chỉ là nguyên nhân trực tiếp làm cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ xuống cấp mà còn tiềm ẩn tai nạn giao thông. Thiệt hại từ xe quá tải lớn hơn lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Do vậy, việc tăng cường kiểm soát tại nơi bốc xếp hàng hóa, xử lý xe chở hàng hóa quá khổ, quá tải trọng quy định lưu hành trên đường bộ là cấp bách và cần thiết.

Siết chặt tại trọng xe ô tô bằng trạm cân, bảo đảm kết cấu hạ tầng đường bộ.

Nhằm siết chặt xe quá tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các nhà thầu phải có cam kết không cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải trọng; Xếp hàng, chở hàng đúng trọng tải quy định; Lựa chọn cách xếp hàng hóa và loại hình vận tải phù hợp để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả; Xe chở hàng phải có mui, bạt che chắn, không để rơi vãi vật liệu gây mất an toàn giao thông và mất vệ sinh môi trường.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nâng cao vai trò, trách nhiệm xử lý các đơn vị, nhà thầu cố tình vi phạm; đưa nội dung, hình thức xử lý vi phạm vào trong hợp đồng xây dựng. Ngoài ra, Tổng cục sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt tổ chức kiểm tra, có biện pháp xử lý các chủ đầu tư, các nhà thầu vi phạm theo thẩm quyền.

Trước đó, nhằm siết chặt xe ô tô chở quá tải trọng quy định, Bộ Giao thông Vận tải đã trang bị 63 bộ cân lưu động cho 63 Sở Giao thông Vận tải để thực hiện việc kiểm soát tải trọng xe trên hệ thống quốc lộ đi qua địa bàn và đường bộ địa phương. Sau một thời gian triển khai, số lượng xe ô tô vi phạm quy định về tải trọng giảm đáng kể. Việc các doanh nghiệp vận tải, chủ xe, lái xe, chủ hàng chấp hành nghiêm quy định về chở hàng hoá đúng tải trọng là góp phần duy trì tuổi thọ của cầu đường theo thiết kế, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn và êm thuận. Đặc biệt giảm một lượng lớn kinh phí chi cho sửa chữa những hư hỏng cầu đường do các xe chở hàng quá tải gây ra.

Tuy nhiên, công tác kiểm soát tải trọng xe là một trong những công việc khó khăn phức tạp nhất trong công tác xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông, cần phải có nguồn lực, đầu tư trang bị máy móc và thiết bị cũng như bố trí lực lượng đủ mạnh để thực hiện… Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành, các cấp chính quyền địa phương cần phải vào cuộc và quyết liệt chỉ đạo đồng loạt thực hiện thường xuyên, không thực hiện theo đợt ra quân hay theo phong trào công tác xử lý xe quá tải.

T.Minh