Xót xa giáo viên cắm bản

10:28 | 18/11/2011

489 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhà giáo là một nghề cao quý, câu chuyện về tình thầy trò mãi là đề tài không bao giờ cũ. Đặc biệt, chuyện về những giáo viên cắm bản nơi các bản làng xa xôi, lúc nào cũng làm độc giả cảm phục và xót xa.

Cô giáo Tòng Thị Pùn (phải) và đồng nghiệp Lò Thị Toan

Lời thương nơi đỉnh núi “Sống chụ xon xao”

Phàm đã là người Việt, có lẽ không ai không biết Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tương tự như vậy, Sống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu), là một kiệt tác nghệ thuật của người Thái Tây Bắc, được ví như Truyện Kiều.

Chuyện kể rằng: có một đôi trai gái yêu thương nhau từ thuở còn thơ ấu, họ quyết tâm kết duyên vợ chồng. Nhưng gia đình chàng trai nghèo khó quá nên cha mẹ cô gái không gả cho chàng mà muốn ép duyên gả nàng cho một người nhà giàu.

Chàng trai liền rời nhà đi làm ăn xa mong kiếm tiền chuộc người yêu. Nàng ở nhà mong ngóng đợi chờ. Chàng trai đi mãi. Khi kiếm được khá tiền và quay về đến nhà thì cũng chính là ngày nàng bước chân đến nhà chồng.

Đau khổ, chàng cải trang thành khách đưa tiễn dâu về nhà chồng để dọc đường tranh thủ than thở tâm tình với người yêu cho vơi nỗi cay đắng.

Một thời gian, nhà chồng chê trả nàng về nhà mẹ đẻ. Được vài ngày nàng lại bị gả bán cho người khác. Chồng thứ hai đem nàng ra chợ bán. Thật ngẫu nhiên, người yêu cũ đổi lấy được nàng bằng một mớ lá dong gói bánh. Thời gian đã làm nàng thay đổi nhiều về vóc dáng và nhan sắc, khiến chàng không còn nhận ra nàng nữa, nên đem về làm người ở.

Nàng thấy buồn chán quá mới đem chiếc đàn môi chàng tặng trước khi đi làm ăn xa ra gẩy. Lúc này chàng mới nhận ra người yêu từ thở ấu thơ. Họ trở thành vợ chồng.

“Sống chụ xon xao”, câu chuyện tình vừa bi thương vừa lãng mạn được cho là phiên bản từ một chuyện có thật của một đôi trai gái ở bản Panh và bản Sái thuộc xã Tranh Đấu, huyện Thuận Châu (tức Mường Muổi, Sơn La ngày nay)

Đeo giấc mơ về tới nhà, trăng xế đầu núi

Màn sương buông đồng làng làm bốn mảng

Sương lạnh sa mái nhà "ông” thành tảng

Lời tình xôi nén chặt

Thương tình xôi nén chắc vào xôi

Mảnh tim này ai nỡ xẻ làm đôi…

Các cô giáo cũng chỉ còn biết trông về thành phố, gửi nhớ thương qua bồng bềnh đám mây.

Không giống như cô gái trong truyện thơ, nhưng tâm tình của các cô giáo bản trong sự đơn côi nơi vùng núi cũng không khỏi se sắt.

Chu du qua miền Tây – Bắc, nơi đã có thời được gọi là Khu tự trị Thái – Mèo, bởi dân số ở đây chủ yếu là người của hai dân tộc này. Tôi cảm nhận được một điều: người Mèo ít nói, tránh tiếp xúc, nhưng đã quen rồi thì họ đối xử rất chân thành, nồng nhiệt.

Ngược lại, những người Thái, đặc biệt các cô, các chị lại vô cùng mau mắn, nhanh nhẹn, ngoại giao giỏi và đặc biệt xinh đẹp. Hầu hết những người phụ nữ Thái Sơn La tôi gặp đều có điểm chung: da trắng, nụ cười tươi và đặc biệt hàm răng ai cũng đều tăm tắp, trắng bóc, kể cả những người đã lên chức bà nhưng nhìn gương mặt vẫn rạng rỡ, cuốn hút.

Phụ nữ Thái chiều chồng lại nấu ăn rất giỏi, các món ăn Thái được nhiều người biết… nói chung hội tụ đầy đủ những tố chất để họ được đàn ông si mê, che chở.

Thế nhưng, đặc quyền đó không thuộc về những cô giáo (chủ yếu là người Thái) nơi miền vùng núi này.

Cô giáo Tòng Thị Pùn, giáo viên Trường mầm non Mường Bú, huyện Mường La, Sơn La, chia sẻ về cuộc sống của chị.

Giống như những giáo viên khác, chị Pùn được bố trí luân chuyển giữa các bản xa và gần, mỗi “nhiệm kỳ” 3 năm. Chị nói, giờ đường sá đã khá hơn và phương tiện cũng đầy đủ hơn. Trước đây, mỗi lần đi tăng cường trong bản, các chị phải đi bộ 40-50 cây số, cứ đi, đến tối rẽ vào ngủ nhờ nhà dân, vài ba ngày mới đến được trường.

Bây giờ có đường tiện hơn, nhưng đường vẫn xấu "thuê xe ôm 4 – 5 trăm ngàn mà người ta còn không muốn đi vì hại xe".

Xa như vậy, mỗi lần về thăm nhà là cả một cuộc hành trình vất vả, có khi cả năm các chị mới về nhà đôi lần. Những chị có con hầu hết đều phải gửi ông bà nuôi hộ. Vào những năm trước, điện thoại di động là chuyện xa xỉ, nhiều chị đi biền biệt vài tháng về chỉ biết nghe ông bà kể lại những trận ốm đau của con mình mà rơi nước mắt.

Thậm chí, có người khi về nhà mới biết… chồng đã có vợ khác và sắp có con mới.

Bây giờ các phương tiện liên lạc, đi lại tốt hơn, điện thoại di động có, nhưng thi thoảng trên những đỉnh mù xa, các cô giáo cũng chỉ còn biết trông về thành phố, gửi nhớ thương qua bồng bềnh đám mây.

Chồng chị Pùn là bộ đội biên phòng, tôi đùa: "Thế là ông Ngâu bà Ngâu rồi", chị Pùn cười nhưng mắt long lanh nước. Chị và anh học cấp 2 cùng nhau, lớn lên chị vào trường sư phạm còn anh đi bộ đội, kết hôn rồi anh đi biền biệt trong những vùng biên giới sâu xa hơn cả chị.

Cũng có khi anh về, lại đúng dịp chị phải đi tăng cường trong bản, hoặc ngược lại, vợ chồng cả năm, thậm chí có lần 4 – 5 năm mới gặp nhau.

Buồn nhất là những dịp Tết, các gia đình khác quây quần thì nhà chỉ có mấy mẹ con. Những dịp ấy anh phải ở lại canh giữ sự bình yên cho người dân đón Tết. Sau Tết anh về nghỉ bù thì chị lại đi. Nhiều đêm về thăm con, hay đưa con ốm đau đi viện một mình mà rơi nước mắt

Chị Pùn bảo anh chị đang cố gắng vài năm nữa là được gần nhau vì cả hai đều đến tuổi… hưu. "Lẽ ra anh đủ số năm để về rồi, nhưng chị động viên anh cứ ở lại thêm vài năm nữa, vì sang năm đến lượt chị đi tăng cường vùng 3, vợ chồng vẫn phải xa nhau. Thôi thì ráng thêm vài năm rồi cùng nghỉ".

Đồng nghiệp của chị Pùn, cô giáo Lò Thị Toan nói dạy ở những điểm trường trong vùng thấp (vùng 1, 2) tuy xa nhà nhưng các cô giáo còn đỡ cô đơn vì người dân vùng thấp chủ yếu là người Thái, cùng chung nhóm văn hóa – ngôn ngữ với các chị nên việc chuyển tải kiến thức cũng như giao tiếp khá thuận tiện, các cô giáo không thấy quá lạc lõng.

Nhưng vào vùng 3, những nơi đi mất vài ba ngày đường mới tới thì chủ yếu là người Mông sống. Người già và trẻ em chỉ nói tiếng Mông, các cô giáo cũng phải cố học tiếng các em để chuyển tải, đôi khi bí quá, các cô nói tiếng Kinh và tiếng Thái thì "kể câu chuyện vui mà chỉ một mình mình cười, cả lớp ngồi im".

Sốt sắng muốn thấy tận mắt cuộc sống của các cô cắm bản Mông, tôi đề nghị các chị chỉ đường cho tôi tìm vào bản Mông, nhưng các chị ra sức can, vì "bản gần nhất đi bộ cũng hết 3 ngày, nếu trời mưa phải đi hết một tuần”. Điện thoại di động các cô cầm theo cũng trong tình trạng mất sóng.

Ngay những bản có thể đi xe máy vào, đường đi cũng hết sức khó khăn, nguy hiểm. Một đồng nghiệp của chị Pùn và chị Toan là cô giáo Lù Thị Loan, cắm tại bản Nậm Hồng, xã Chiềng Công, một trong những xã sâu nhất huyện Mường La đã suýt nữa nằm lại bên đường vào bản.

Chiều ngày 17/8, cô Lù Thị Loan trên đường từ bản về thăm nhà, qua đoạn đường dốc thuộc bản Nậm Hùn, gặp khe nước bùn lầy nên xe máy bị mắc kẹt. Trong lúc một mình xoay sở để đẩy xe ra nhưng không được. Trời bỗng đổ mưa. Nước từ trên đỉnh núi đổ dồn về cuốn trôi cô và xe máy theo dòng nước đi xa, vật lộn với dòng nước dữ cô bám được vào một hòn đá lớn, cả người bị phủ một lớp bùn. May mắn có hai vợ chồng người Mông đi làm nương về đã kịp thời giúp đỡ.

Cô Loan thoát chết trong gang tấc với những chấn thương bên ngoài, chiếc xe máy – tài sản thiết thân nhất – bị hư hỏng hoàn toàn.

Nhiều cô ở những điểm khó khăn hơn, không có phương tiện đi lại và liên lạc, đành chịu vài tháng hoặc nửa năm mới về nhà một lần, nguồn động viên duy nhất là tình cảm ríu rít của đàn trẻ thơ ríu rít. Những ngày mưa, học sinh không đến được trường, cô giáo chỉ biết ngồi bó gối. Điều an ủi duy nhất là nỗi nhớ người thân se sắt, diệu vợi.

Đứng bên chái nhà, phóng tầm mắt qua đỉnh núi, tôi tự hỏi: những cô giáo bản và anh lính biên phòng, chàng kiểm lâm… liệu có khả năng giao cảm hơn người, để gửi nhớ thương vượt qua được những bức tường xanh mờ kia không?

Lời tình xôi nén chặt

Thương tình xôi nén chắc vào xôi

Mảnh tim này ai nỡ xẻ làm đôi…

Theo tuanvietnam