Xin đừng… đùa!

05:00 | 10/09/2013

828 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong tình hình tham nhũng đang trở thành “quốc nạn” thì người ta hay nói đến những món quà “trên mức tình cảm”? Nhưng “mức tình cảm” là mức nào? Lấy cái gì ra làm đơn vị cân, đo, đong, đếm… tình cảm? Và làm sao có thể biết được món quà nào, lễ vật nào là thể hiện tình cảm một cách tự nhiên, trong sáng, món quà nào là trả ơn giúp đỡ và món quà nào lọt vào “danh mục hối lộ”.

Như Thổ (NLM số 255)

Ngày 8/9, một số báo điện tử đưa tin, đại ý: Bản báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 gửi tới Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để thẩm tra, phục vụ kỳ họp Quốc hội cuối năm, sẽ bắt đầu cuối tháng 10, có nêu:

“Từ đầu năm tới nay, đã có 364 cán bộ, công chức nộp, trả lại quà tặng, với tổng giá trị 178 triệu đồng”.

Đọc xong những con số này mà tôi cứ thắc mắc: Như vậy là trị giá mỗi món quà tặng khoảng… 500 ngàn đồng. Món quà nhỏ như thế này, tại sao phải nộp?

Nhưng hóa ra là từ lâu, Thủ tướng Chính phủ đã có quy định về việc cho, nhận, tặng quà.

Theo quy định này, cán bộ, công chức khi nhận được quà tặng không đúng quy định phải báo cáo Thủ trưởng trực tiếp và nộp lại. Nếu quà dưới 500 ngàn đồng (người được biếu không liên quan đến công vụ mình giải quyết) thì không phải báo cáo.

Quy định cũng cấm nhận quà tặng khi có công vụ liên quan.

Vậy là đã rõ, 364 cán bộ nộp lại tiền quà kia hẳn là trong trường hợp đang thực thi công vụ. Thật đáng mừng là trong đội ngũ cán bộ còn rất nhiều người trong sáng. Tuy nhiên, quy định không được nhận quà có trị giá 500 ngàn đồng xem ra quá lạc hậu so với thời cuộc.

Năm 2007, giá trị của 500 ngàn đồng khác xa bây giờ và tình hình tham nhũng, nhận quà biếu ngày ấy cũng khác bây giờ. Chuyện trả lại tiền, quà như thế này xem ra “ngậm đắng nuốt cay thế nào”.

Từ lâu nay, chuyện nhận quà biếu, phong bì đã trở thành một nét “văn hóa” mới của dân ta.

Tuy nhiên, cũng phải hiểu thế này: Với người Á Đông, nhất là với các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc… việc người dưới có quà biếu, lễ người trên là thể hiện lòng hiếu kính và đã có từ lâu. Vào dịp lễ, tết hoặc mừng thọ thì con mang lễ vật về dâng cha mẹ, em về lễ anh, lính lễ quan, quan lễ vua… là chuyện bình thường và chẳng ai dám nói rằng, đó là “hối lộ”. Thời bao cấp, chuyện quà biếu hay dùng lễ vật để tỏ lòng “lễ nghĩa” không được chú ý lắm, cũng bởi lẽ kinh tế khó khăn, tiêu chuẩn hàng hóa, lương thực, thực phẩm phân phối theo tem phiếu. Nhưng bây giờ chuyện “lễ nghĩa” ngày càng được chú trọng hơn và hình thức thể hiện “lòng thành” cũng “phong phú, đa dạng” hơn.

Tuy nhiên, trong tình hình tham nhũng đang trở thành “quốc nạn” thì người ta hay nói đến những món quà “trên mức tình cảm”? Nhưng “mức tình cảm” là mức nào? Lấy cái gì ra làm đơn vị cân, đo, đong, đếm… tình cảm? Và làm sao có thể biết được món quà nào, lễ vật nào là thể hiện tình cảm một cách tự nhiên, trong sáng, món quà nào là trả ơn giúp đỡ và món quà nào lọt vào “danh mục hối lộ”. Biết được sự thật trong mỗi món quà này, chỉ có 2 người: đó là người đi biếu và người nhận. Ít khi có người thứ ba, cho nên để tìm cho ra sự thật về mỗi món quà là điều không thể.

Nhân chuyện này, tôi lại nhớ tới chuyện một vị lãnh đạo của một thành phố nọ. Bây giờ thì ông về hưu cũng đã được dăm năm, nhưng hễ cứ nói tới chuyện quà tết là cánh nhà báo lại lôi chuyện của ông ra làm “điển hình”. Số là năm ấy, ông được nhậm chức Chủ tịch UBND trước tết chỉ có hai tháng. Và ngày mùng 4 tết, khi đi làm, ông cho trợ lý mang nộp tất cả những phong bì các nơi biếu ông. Số tiền là gần… một tỉ. Một tỉ thời đó to lắm, vì khi ấy vàng chỉ có 500 ngàn một chỉ.

Chuyện ông trả lại tiền lễ tết của tập thể và cá nhân đã gây xôn xao dư luận. Và người ta hồi hộp chờ đợi… Tết sau, xem ông cư xử thế nào? Nhưng cũng từ đó, trong suốt nhiệm kỳ của mình, không thấy ông trả lại lần nào nữa. Khi ông đương chức, người ta thấy “gia cảnh” ông cũng chỉ “thường thường bậc trung”, nhưng sau khi ông nghỉ, bỗng giàu vọt lên. Và thế là, câu chuyện ông trả lại tiền lễ tết đã thành giai thoại. Khi nói đến ai “giả vờ trong sáng”, dân báo chí lại lấy tên ông.

Năm 2006, có một vụ án kinh tế lớn được Bộ Công an khui ra. Hàng loạt cán bộ bị bắt, trong đó có cả người đến cấp thứ trưởng. Lãnh đạo cơ quan điều tra khi làm vụ án này thì lại vẫn cứ theo tư duy cũ, ấy là “điều tra và kết tội đối tượng bằng… dư luận, bằng niềm tin nội tâm”. Mà đúng là quanh vị Thứ trưởng cũng lắm dư luận, đặc biệt là chuyện ông rất “sòng phẳng” với các doanh nghiệp - nghĩa là ai biết cách lễ lạt, thì ông tạo điều kiện cho làm dự án. Mà ông đã nhận của ai, đã hứa giúp ai thì không bao giờ nuốt lời. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp rất thích ông bởi chất hảo hán, quân tử. Có thông tin cho rằng, cứ mỗi dự án, doanh nghiệp phải chi riêng cho ông chí ít là… 5% - đấy là của riêng ông, còn doanh nghiệp chạy thêm cửa nào, ông không cần biết. Từ thông tin đó, cơ quan điều tra cho gọi một số giám đốc doanh nghiệp lên và “động viên” họ khai ra sự thật.

Tôi không thể nào quên được hôm hỏi anh giám đốc một công ty cũng có tên tuổi ở khu vực miền Trung. Sau khi nghe cán bộ điều tra “giải thích, động viên và cả dọa” nữa, anh giám đốc run rẩy nhận tội đã hối lộ vị thứ trưởng. Anh cán bộ điều tra mừng quá và hỏi dồn: “Anh phải hối lộ bao nhiêu để có được dự án ấy?”. Anh giám đốc rụt rè: “Quê em có nhiều sản vật. Nhất là có loại lợn, nuôi thế nào cũng chỉ được hơn chục cân. Nhưng thịt thơm lắm. Biết sếp thích ăn lòng lợn, tiết canh… nên thi thoảng chúng em cũng mang về biếu sếp đôi con. Chúng em biết mang biếu cấp trên như vậy là sai… là hối lộ. Mong các anh tha cho. Em hứa lần sau không dám thế nữa”.

Cố giữ bình tĩnh, anh cán bộ điều tra lại hỏi: “Chuyện biếu sếp con lợn là chuyện vặt. Cái chúng tôi muốn tìm hiểu là trong dự án X đấy anh phải chi cho sếp bao nhiêu? Vì nếu đấu thầu sòng phẳng, làm sao công ty anh trúng được?”.

Anh giám đốc vẫn khép nép: “Bọn em đâu dám mang tiền biếu sếp. Biếu con lợn, con gà, con cá còn được sếp cảm ơn, có khi còn sai mổ thịt, nhậu luôn, vui lắm! Chứ mang tiền, ông ấy ném đi và chửi cho vuốt mặt không kịp… Chớ có dại mà mang tiền biếu. Còn chuyện sếp duyệt dự án cho công ty em…? Chẳng qua là có lần sếp đọc báo, thấy nói công ty em khó khăn quá, nợ lương công nhân mất 3 tháng. Thế là sếp gọi bọn em lên, chửi cho một trận, rồi ký cho bọn em làm dự án để có tiền nuôi nhau. Nhưng ông ấy đe, nếu làm ăn không tử tế, thất thoát đồng nào là ông ấy đuổi  hết”.

Không biết những lời anh ta nói đâu là thật, đâu là giả, đâu là khen ngợi sếp và đâu là mỉa mai công an.

Đến lúc anh ta về rồi, anh cán bộ điều tra mới thở dài và nói: “Chỉ đạo làm án kiểu này, không khéo có ngày chính mình vào tù”.

Quả nhiên, “nhân bảo như thần bảo”, mấy tháng sau, vụ án được lật lại, chính anh cán bộ điều tra ấy bị khởi tố và bị bắt giam…

Trở lại chuyện 364 cán bộ trả lại 178 triệu tiền biếu xén.

Không hiểu số tiền được trả lại ấy là trong hoàn cảnh nào? Và tại sao lại phải trả lại số tiền nhỏ bé quá mức ấy? Liệu sự trả lại này có đúng là “liêm khiết” hay không? Nhưng bất luận thế nào, con số này (nếu đúng) sẽ làm người ta liên tưởng đến những văn bản mà tính thực tế hầu như không có. Và hậu quả thực, có khi thành trò cười.

N.T