Xem xét không tử hình với người phạm tội trên 75 tuổi

10:10 | 17/10/2015

509 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phần thảo luận.

Pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự

Trong quá trình thảo luận, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, trong khi đó cũng có những ý kiến đề nghị không bổ sung quy định này.

Kết quả lấy ý kiến nhân dân, đa số ý kiến các bộ, ngành Trung ương và địa phương tán thành việc quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân vào BLHS. Cụ thể: 27/30 bộ, ngành, cơ quan, tổ chức Trung ương; 63/63 HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tán thành bổ sung quy định TNHS của pháp nhân.

UBTVQH nhận thấy, quy định TNHS của pháp nhân vào BLHS là nội dung thay đổi quan trọng trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

Theo thống kê của Chính phủ, có 116 quốc gia trong đó có 6 nước trong khối ASEAN có quy định về TNHS pháp nhân. Các công ước có liên quan đến xử lý pháp nhân gồm: Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước ASEAN về chống khủng bố và các Công ước về chống khủng bố khác mà Việt Nam đã tham gia… Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Phòng, chống rửa tiền cũng đã quy định hành vi khủng bố, hành vi rửa tiền của cá nhân và pháp nhân.

Bên cạnh sự đồng thuận cao về việc nên quy định TNHS của pháp nhân, các Ủy viên Thường vụ Quốc hội vẫn còn một số ý kiến khác nhau về phạm vi cụ thể.

Nhiều ý kiến tán thành quy định tại Điều 76 dự thảo Bộ luật về phạm vi chịu TNHS của pháp nhân gồm 39 tội danh; một số ý kiến cho rằng, TNHS của pháp nhân là vấn đề mới, nên cần có bước đi phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn, trước mắt, chỉ nên tập trung vào 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Kết luận phần thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo và các Ủy ban của Quốc hội cần rà soát lại theo hướng bổ sung thêm các tội danh mà pháp nhân phải chịu TNHS.

Giảm trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định người đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy nếu người vị thành niên phạm bất cứ tội gì thì đều có thể bị xử lý hình sự tùy mức độ.

Quan điểm mới khi xây dựng dự thảo Bộ luật Hình sự là quy định cụ thể các tội mà người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của phần lớn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần trước.

Khi lấy ý kiến nhân dân, đa số cũng tán thành phương án này. Cụ thể: 23/30 bộ, ngành, cơ quan, tổ chức Trung ương, 52/63 HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 16/26 cơ quan, tổ chức khác tán thành quy định cụ thể các tội danh mà người chưa thành niên phải chịu TNHS.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân, UBTVQH cũng thống nhất quy định rõ các tội mà người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự nhằm bảo đảm sự minh bạch, nhân đạo trong xử lý hình sự đối với người chưa thành niên theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

Trong dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới, sẽ chỉ còn 7 tội mà người phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS.

Hạn chế hình phạt tử hình

Quan điểm hạn chế hình phạt tử hình được thống nhất cao ngay từ quá trình dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi. Tuy nhiên, bỏ hình phạt tử hình ở tội danh nào thì còn nhiều ý kiến khác nhau.

Dự thảo BLHS dự kiến bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Nội dung này cũng được đa số ý kiến nhân dân đồng thuận.

Trong thảo luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan soạn thảo cần rà soát lại để báo cáo với Quốc hội theo hướng giảm bớt nhiều nhất có thể các tội danh quy định tử hình.

“Đây là hình phạt không văn minh” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Cũng liên quan đến án tử hình, các ý kiến thảo luận cũng thống nhất sẽ quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình với người phạm tội trên 75 tuổi.

Nhiều ý kiến tán thành phương án quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Sau khi bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân vẫn có thể được xét giảm án nhưng với điều kiện khắt khe hơn.

Sau khi chỉnh lý hoàn thiện, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tới.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Bộ luật này. Ngày 12/7/2015, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH13 giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo này trong thời gian 2 tháng, đồng thời, tiếp tục xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách. Ngày 12/10/2015, Chính phủ đã có Báo cáo số 497/BC-CP trình Quốc hội về kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo BLHS.

Chinhphu.vn