Vụ việc giảm, tính chất nghiêm trọng tăng

11:33 | 29/10/2013

718 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong báo cáo trước Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết một số tội phạm như giết người, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ... có giảm, tuy nhiên tính chất tội phạm nghiêm trọng hơn, các hoạt động của các băng nhóm dưới dạng bảo kê, siết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, cờ bạc, cá độ gia tăng đáng kể...

Theo báo cáo, năm 2013, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm 86,1% trong tổng số các vụ giết người, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những bột phát tức thời trong gia đình, trong quan hệ xã hội. Hầu hết số đối tượng gây án phạm tội lần đầu, chưa có tiền án tiền sự, tình trạng giết người thân trong gia đình xảy ra nhiều cho thấy sự xuống cấp về đạo đức xã hội đáng báo động.

Bên cạnh đó, nhiều sới bạc hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp, gắn với cho vay nặng lãi, có sự tham gia của nhiều đối tượng có tiền án tiền sự, tình trạng cá độ bóng đá qua mạng internet ngày càng tinh vi, đánh bạc xuyên quốc gia.

Cá độ bóng đá qua mạng ngày càng "rộ" ở Việt Nam

Về tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tội phạm về tham nhũng (tham ô, môi giới hối lộ, nhận hối lộ) được phát hiện ở nhiều lĩnh vực, tập trung trong lĩnh vực quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản.

Báo cáo nhận định, diễn biến tội phạm phức tạp năm nay do nhiều nguyên nhân, trong đó tình hình kinh tế khó khăn, số lượng người thất nghiệp gia tăng, ảnh hưởng tới an sinh xã hội; tác động tiêu cực từ các ấn phẩm đồi trụy, các trò chơi bạo lực trên mạng internet, công tác phòng ngừa của các lực lượng chức năng có phần còn hạn chế; Trách nhiệm thi hành công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu.

Trước đó, báo cáo của Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh tình trạng hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tính chất xã hội đen diễn biến phức tạp trở lại, nhiều vụ phạm tội xuất phát từ đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi.

Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Viện KSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Tư pháp, Ủy ban Tư pháp của QH nhìn nhận, các hoạt động về phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, đất đai, đầu tư công còn nhiều sơ hở, buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, tình hình tai nạn giao thông không giảm.

Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra rằng, Bộ Công an đã khởi tố, khám phá nhiều vụ án so với trước đây nhưng do tổ chức bộ máy nên nặng về xử lý tội phạm mà nhẹ về công tác phòng chống. Trong năm 2013, Viện KSND tối cao đã phát hiện, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý, điều tra trên 3.264 thông tin tố giác tội phạm không được thụ lý giải quyết đúng quy định. Tuy nhiên số trường hợp bị truy tố oan, không chính xác, bị tòa tuyên không phạm tội, hủy án điều tra tăng so với năm trước.

Việc trả hồ sơ, điều tra bổ sung của cơ quan T.Ư chiếm 19,2%, trong khi đó tỷ lệ toàn ngành là hơn 1,17%. Ngành tòa án đã giảm hẳn về tỷ lệ các vụ án oan sai, hủy án. Tuy nhiên trong xử lý giám đốc thẩm và tái thẩm còn số lượng tồn đọng lớn, một số vụ chưa được tòa cấp dưới đồng tình vì “thiếu tính mẫu mực”.

Ủy ban Tư pháp lưu ý, Chính phủ cần đánh giá kỹ tình trạng một bộ phận cán bộ chức quyền trong cơ quan nhà nước tại cơ sở có biểu hiện bảo kê để các doanh nghiệp, băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên khoáng sản, vật liệu xây dựng, vận chuyển hành khách.

Mặt khác, Ủy ban Tư pháp cho rằng việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở cơ sở, nhất là các địa phương chưa nghiêm, trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận công chức còn yếu, thậm chí vì vụ lợi nên đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

P.V