Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm: Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

11:40 | 27/10/2013

488 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 25/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã tống đạt kết luận điều tra và chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố, đề nghị truy tố 10 bị can trong vụ án “nhân bản” phiếu kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.

Theo kết luận điều tra, các bị can bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm: Vương Thị Kim Thành (54 tuổi); Phan Thị Oanh (41 tuổi); Vương Thị Lan (25 tuổi); Nguyễn Thị Ngà (29 tuổi); Nguyễn Thị Hồng Nhung (23 tuổi); Nguyễn Đồng Sơn (24 tuổi); Nguyễn Thị Xuyên (52 tuổi); Nguyễn Thị Thu Trang (23 tuổi).

Các bị can bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Nguyễn Thị Nhiên (54 tuổi, Phó Giám đốc bệnh viện); Nguyễn Trí Liêm (51 tuổi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức).

Nhân bản vì mục đích vụ lợi...

Theo cơ quan cảnh sát điều tra, ngày 5/6/2013, Công an Hà Nội nhận được đơn tố giác của bà Hoàng Thị Nguyệt, nhân viên khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức tố cáo ông Nguyễn Trí Liêm - Giám đốc bệnh viện để cho bộ phận xét nghiệm ngoại trú lấy mẫu máu của bệnh nhân nhưng không làm xét nghiệm mà vứt bỏ đi, rồi tự in ra nhiều kết quả từ một mẫu máu khác để gắn trả cho nhiều người bệnh. Số lượng người bệnh bị lừa dối lên đến hàng nghìn người.

Nhận được đơn tố cáo, cơ quan cảnh sát điều tra tổ chức điều tra, xác minh làm rõ. Căn cứ vào sổ theo dõi kết quả xét nghiệm huyết học, trong thời gian (từ 01/8/2012 đến 31/5/2013), Vương Thị Kim Thành (Trưởng khoa) cùng 7 nhân viên khoa xét nghiệm đã thực hiện 24.857 xét nghiệm huyết học, trong đó có 1.544 kết quả xét nghiệm bệnh nhân nội trú và bệnh nhân ngoại trú trùng nhau. Các kết quả xét nghiệm trước khi trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác, Vương Thị Kim Thành và các nhân viên khoa xét nghiệm trực tiếp ghi chép kết quả xét nghiệm huyết học do mình thực hiện vào 18 quyển sổ để lưu trữ.

Cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ, Vương Thị Kim Thành là Trưởng khoa xét nghiệm là người có nhiệm vụ phải kiểm duyệt và ký chính thức vào toàn bộ các kết quả xét nghiệm do khoa thực hiện. Thế nhưng, Vương Thị Kim Thành không những không thực hiện mà còn trực tiếp in trước 18 kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm (mẫu máu) cũ, đồng thời chỉ đạo các nhân viên trong khoa in trước kết quả xét nghiệm huyết học và ký vào các phiếu xét nghiệm huyết học rồi trả kết quả cho bệnh nhân ngoại trú, cho nhân viên các khoa khác hoặc để cho người thân. Việc làm của Vương Thị Kim Thành vì động cơ vụ lợi (thanh toán bảo hiểm y tế) và động cơ cá nhân khác (nể nang tình cảm đối với người thân, người quen và đồng nghiệp thuộc các khoa trong bệnh viện).

Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, nơi xảy ra vụ việc nhân bản xét nghiệm.

Còn Phan Thị Oanh - Kỹ thuật viên trưởng khoa Xét nghiệm là người có nhiệm vụ chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật ở khoa, có nhiệm vụ kiểm tra lại toàn bộ các kết quả xét nghiệm do các kỹ thuật viên khác thực hiện trước khi trình trưởng khoa ký. Nhưng Oanh đã không thực hiện mà còn trực tiếp in trước 18 kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm cũ. Mặt khác, Phan Thị Oanh có chỉ đạo các nhân viên trong khoa in trước kết quả và ký vào các phiếu xét nghiệm huyết học rồi trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho các nhân viên các khoa khác trong bệnh viện đến xin kết quả để đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế. Đây cũng là động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác.

Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Vương Thị Lan, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đồng Sơn, Nguyễn Thị Xuyên là các nhân viên khoa xét nghiệm. Cả 6 bị can đều nhận thức được bản thân không được quyền ký vào các phiếu xét nghiệm huyết học, không được in trước các kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm cũ để trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác trong bệnh viện đến xin kết quả để đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế. Các bị can thực hiện theo sự chỉ đạo của Vương Thị Kim Thành, Phan Thị Oanh vì động cơ, mục đích vụ lợi.

Như vậy Vương Thị Kim Thành, Phan Thị Oanh, Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Vương Thị Lan, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đồng Sơn, Nguyễn Thị Xuyên vì vụ lợi và vì động cơ cá nhân khác đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Quỹ bảo hiểm xã hội và bệnh nhân là: 16.569.000 đồng.

Mặc dù kết quả điều tra xác định, các kết quả xét nghiệm huyết học trùng do Vương Thị Kim Thành và các nhân viên khoa xét nghiệm in trước không dùng vào việc điều trị cho bệnh nhân nội trú và bệnh nhân ngoại trú, cũng không ai bị tổn hại về sức khỏe do sử dụng các kết quả trùng nhưng hành vi này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành Y tế nói chung và Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức nói riêng; gây hoài nghi và làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ y, bác sỹ, gây dư luận xấu trong xã hội. Hành vi sai phạm của Vương Thị Kim Thành, Phan Thị Oanh, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đồng Sơn, Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn Thị Ngà và Vương Thị Lan gây ra là rất nghiêm trọng có đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ

Còn Ban Lãnh đạo bệnh viện là ông Nguyễn Trí Liêm và bà Nguyễn Thị Nhiên, cơ quan điều tra chỉ làm rõ và kết luận được vấn đề trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã buông lỏng quản lý, không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo kết luận điều tra của cơ quan công an, ông Nguyễn Trí Liêm chỉ thừa nhận có thiếu sót trong công tác quản lý nên đã để các cán bộ của Khoa xét nghiệm làm sai và diễn ra trong thời gian dài nhưng không có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, thừa nhận việc chỉ đạo in trước kết quả xét nghiệm và cho rằng mình chỉ biết việc nhân bản này khi Thanh tra Sở Y tế vào làm việc.

Những bản kết quả xét nghiệm chung nhau một kết quả.

Ông Nguyễn Trí Liêm trả lời với cơ quan công an như vậy, nhưng một số bị can là kỹ thuật viên Khoa xét nghiệm lại khai rằng, trước khi bị khởi tố (ngày 1/8/2013) đã được Giám đốc Nguyễn Trí Liêm và Trưởng khoa xét nghiệm Vương Thị Thành hướng dẫn khai với cơ quan điều tra với nội dung: “Không có ai chỉ đạo việc in trước kết quả xét nghiệm từ các bệnh phẩm cũ. Đồng thời, không có việc in trước kết quả xét nghiệm từ các bệnh phẩm cũ trả cho bệnh nhân ngoại trú mà chỉ khai là cho người thân, người quen kết quả xét nghiệm đã in sẵn để đưa vào hồ sơ học lái xe, xin việc làm...”.

Nguyễn Văn Mạnh là Điều dưỡng viên của khoa Hồi sức cấp cứu lại khai trước cơ quan công an rằng, là người trực tiếp đến khoa xét nghiệm lấy các kết quả xét nghiệm huyết học, nhưng không có bệnh phẩm để xét nghiệm. Lý do, hoàn tất hồ sơ bệnh án, thanh toán bảo hiểm y tế, tăng thu nhập cho bệnh viện theo chủ trương của ban giám đốc. Đồng thời, đã được cả ông Liêm, bà Nhiên hướng dẫn cách khai báo với cơ quan điều tra là: “Không có việc in trước kết quả xét nghiệm từ các bệnh phẩm cũ và không có ai chỉ đạo”.

Xét thấy hành vi thiếu trách nhiệm của Nguyễn Trí Liêm và Nguyễn Thị Nhiên là nguyên nhân dẫn đến sai phạm của các cán bộ, nhân viên khoa xét nghiệm, gây hậu quả và dư luận xấu trong xã hội, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với ngành Y tế nói chung và Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức nói riêng. Mặt khác sau khi sự việc xảy ra, Nguyễn Trí Liêm và Nguyễn Thị Nhiên còn hướng dẫn và chỉ đạo với cán bộ cấp dưới về cách thức khai báo nhằm đối phó với cơ quan điều tra. Hành vi sai phạm của Nguyễn Trí Liêm, Nguyễn Thị Nhiên có đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Qua lời khai của các nhân viên trong bệnh viện thì Ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức không chỉ thiếu trách nhiệm mà còn có những chỉ đạo cụ thể về việc nhân bản. Đến khi sự việc bại lộ, ông Liêm lại là người hướng dẫn cho nhân viên của mình khai báo kiểu chống đối cơ quan điều tra. Tuy nhiên, không hiểu vì sao cơ quan công an không làm sáng tỏ những vấn đề này.

T.Minh