Vụ học sinh tiểu học bị dụ dỗ dùng ma túy: Phải coi việc này là cực kỳ nghiêm trọng

08:47 | 04/04/2012

1,150 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc hàng chục học sinh THCS, tiểu học bị đầu độc, dụ dỗ dùng chất gây nghiện ở Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) đang gây rúng động dư luận khắp cả nước. Sự việc đã gióng lên hồi chuông báo động về sự buông lỏng quản lý của phụ huynh và nhà trường – nơi mà các em học sinh dành phần lớn thời gian học tập và sinh hoạt. PV đã có cuộc trao đổi với GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Phải coi sự việc này là cấp cứu bất kể ngày đêm…

GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc

PV: Sự việc học sinh THCS, học sinh tiểu học bị dụ dỗ sử dụng chất gây nghiện ở Quế Võ, Bắc Ninh đang gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Từng giữ cương vị là người đứng đầu ngành giáo dục, GS nhìn nhận thế nào về sự việc này?

GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc: Nhà trường mục tiêu cuối cùng là phải dạy các em thành những công dân tốt. Nhưng sự việc xảy ra ở Quế Võ, Bắc Ninh thì tôi hơi ngạc nhiên, vì các nhà quản lý giáo dục ở đấy như Phòng Giáo dục, Ban Giám hiệu các trường, chính quyền huyện Quế Võ – vì sao lại không để ý đến những tụ tập đông học sinh, để xảy ra tình trạng hơn 20 học sinh – thậm chí con số này có thể còn nhiều hơn – tham gia vào hút hít chất gây nghiện. Đau lòng nhất là những em đó mới chỉ 13, 15 tuổi. Tại sao Phòng Giáo dục, nhà trường lại không biết. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng biết việc này rất chậm, có khi con em mình đã hút hít đến 3 lần gia đình mới biết. Một điều ngạc nhiên nữa là các bậc phụ huynh còn phân vân xem có nên báo cho trường biết hay không. Tôi thấy những việc này không thể giữ riêng tư mà phải kịp thời báo cáo cho nhà trường.

Chính quyền địa phương cũng phải tham gia ngay vào, kể cả thời điểm ngoài giờ hay ban đêm mà thấy hiện tượng này thì phải coi như là cấp cứu, không thể chờ đợi một ngày hay một giờ. Bởi khi đã sa vào việc sử dụng các chất gây nghiện thì có thể hủy hoại nhân cách con người, nhất là đối với trẻ em có não bộ còn non nớt, rất dễ ảnh hưởng nặng nề, lâu dài. Nguy hiểm nhất là phá hoại nhân cách, không còn ý chí để học tập. Một trẻ em mới 13, 15 tuổi đã rơi vào nguy hiểm không chết người nhưng chết nhân cách thì đó là giánh nặng cho gia đình, xã hội. Đó là nguy cơ rất lớn.

PV: Sự việc xảy ra nhiều lần nhưng giáo viên, nhà trường không hề biết. Đó có phải là sự vô trách nhiệm không, thưa ông?

GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc: Dùng từ đó là quá thích đáng. Các em tụ tập đông học sinh, sử dụng chất gây nghiện đến mấy lần mà nhà trường, giáo viên không hề biết; phụ huynh thì e dè, phân vân. Đấy là chưa nói đến chính quyền xã, huyện, ngay ở xã cũng có công an… Tôi kiến nghị toàn bộ chính quyền Bắc Ninh phải vào cuộc. Sự việc này nên công khai mạnh mẽ để phụ huynh, các em học sinh khắp nơi trên toàn quốc biết, cảnh giác. Đặc biệt là Hà Nội, nơi tập trung đông người, xã hội phức tạp. Các em mới 13 tuổi mà đã bị lôi kéo sử dụng chất gây nghiện thì quá nguy hiểm.

Để các em tiểu học, THCS tự do ra ngoài chơi là thiếu trách nhiệm

PV: Vin “cớ” nhiều giáo viên hết tiết về giữa chừng nên không khóa cổng, các em tự do ra ngoài cổng trường vào giờ ra chơi, dường như cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các em học sinh dễ bị đối tượng xấu tiếp cận lôi kéo, sử dụng chất gây nghiện?

GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc: Từ ngày còn ở Bộ GD&ĐT tôi đã nêu khẩu hiệu nề nếp – kỷ cương trong nhà trường, người bảo vệ để các em tự do ra ngoài cổng thì rõ ràng là thiếu trách nhiệm. Nhưng Ban Giám hiệu cũng phải nhìn thấy những vấn đề đó của nhà trường để mà quản lý. Việc ra quy định yêu cầu tất cả các trường THCS, tiểu học phải đóng cửa không cho các em học sinh ra ngoài đường thì nên ra quyết định ở cấp Sở hoặc cấp Phòng Giáo dục – chứ không chỉ trông chờ vào quyết định của Bộ GD&ĐT. Để xảy ra sự việc như thế chứng tỏ nhà trường không giữ được nề nếp, kỷ cương, kỷ luật. Một mô hình rất hay của các trường học ở Pháp mà tại sao chúng ta không học tập, đó là ở trong các trường đều có nhà của hiệu trưởng, hiệu trưởng ở đó, có thể đưa gia đình đến đó để quản lý nhà trường 14/24h chứ không phải chỉ là 8/24 như hiện nay.

PV: Có ý kiến cho rằng, nên duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các em, trong đó có thử nước tiểu kiểm tra chất gây nghiện?

GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc: Cái đó chắc là không làm được, đặc biệt trong bối cảnh y tế học đường tồi như hiện nay. Nhiều nơi cố gắng 3-6 tháng kiểm tra một lần đã là khó. Về mặt kinh tế là không khả thi. Chưa kể, hậu quả của việc xét nghiệm hàng loạt dễ gây ra tâm lý tiêu cực cho các em, bởi các em chưa có độ chín về tâm lý. Những vụ tự tử gần đây cũng xuất phát từ chính sự hoảng loạn về tâm lý của các em. Còn các phụ huynh, khi mà nghi ngờ con mình có sử dụng chất gây nghiện thì nên thử để kiểm tra, chứ cũng không thể kiểm tra thường xuyên được.

Thiếu kỹ năng sống, các em dễ bị lôi kéo

PV: Có nên đưa những hình ảnh “ghê rợn” của những đối tượng nghiện ma túy cùng những hậu quả của việc nghiện ma túy vào giảng dạy cho các em để các em biết, nhận thức được vấn đề mà tự biết bảo vệ cho chính bản thân mình?

GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc: Đúng là nên đưa vào và nên kết hợp trong các bài giảng khác nhau để các em nhận thức được hậu quả ghê gớm của việc dính vào chất gây nghiện. Cũng không nên hình thành hẳn một môn học bởi chúng ta bây giờ cần phải giảm tải cho các em.

Học sinh phổ thông là đối tượng dễ bị dụ dỗ

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thu Hiền (Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ 19006844) thì, không chỉ nhà trường cần tăng cường quản lý, giám sát các em mà cha mẹ cần quan tâm sâu sát tới các em hơn nữa. “Tâm lý tò mò của trẻ mới lớn, cộng với việc ở độ tuổi các em đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ bạn bè, giai đoạn mà bạn bè nói có khi các em còn nghe hơn là cha mẹ nên khi các em bị rủ rê dùng thử miễn phí thì các em rất dễ chép miệng làm theo. Do vậy, đối với các em ở độ tuổi THCS, THPT thì bên cạnh việc quan tâm sâu sát, cha mẹ cần hướng, chọn cho con chơi với những nhóm bạn tốt. Bên cạnh đó, gia đình nên kiểm tra ngay bằng các que thử nước tiểu khi thấy các em có những hành vi nghi vấn nghiện hút ma túy như sụt cân, hay ngáp vặt, ngại tắm, ăn uống thất thường…”, bà Lê Thu Hiền nói.

PV: Vậy có nên giảm tải bớt các môn học nặng nề về kiến thức lý thuyết, tăng cường giảng dạy về kỹ năng sống cho các em – bởi một trong những nguyên nhân khiến các em dễ bị lôi kéo tham gia vào các trò xấu là do các em thiếu kỹ năng sống?

GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc: Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII cũng đã nói đến việc chúng ta thừa những kiến thức không cần thiết, thiếu những kiến thức cần thiết. Tức là thiếu rất nhiều thực hành, thiếu kỹ năng trong khi lại thừa lý thuyết. Trong kỹ năng có kỹ năng sống, kỹ năng để giải bài… Hà Nội cũng từng có các lớp dạy kỹ năng sống của trung tâm tâm lý, giáo dục nhưng Sở Giáo dục lại cấm, mà thay bằng chương trình người thủ đô thanh lịch, văn minh. Vấn đề không phải là hiểu về cái thanh lịch, văn minh mà vấn đề là hành vi văn minh, thanh lịch; kỹ năng văn minh thì lại cấm. Trong khi cái cuối cùng của giáo dục nhà trường là phải ra được cái kỹ năng. Thực ra các văn trước đây do Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình Lý đã đề cập đến vấn đề này cho các cấp học về 3 thành phần của giảng dạy gồm tri thức, kỹ năng và thái độ. Cái đó đã có từ năm 1995, ngành giáo dục đã nhìn trước được những vấn đề phái sinh khi xã hội ngày càng phát triển. Nhưng họ không thực hiện thôi.

PV: Sự việc xảy ra đang gây rúng động dư luận, không chỉ Bắc Ninh mà phụ huynh nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội đang rất hoang mang, lo lắng. Theo ông, nên làm gì để ổn định dư luận, trấn an người dân?

GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc: Không chỉ nhà trường mà chính quyền địa phương, cơ quan quản lý giáo dục cũng như cả tỉnh Bắc Ninh phải vào cuộc một cách triệt để, ngăn chặn kịp thời. Và phải tìm ra, xử lý nghiêm một cách đích đáng, công khai những kẻ cầm đầu ẩn đằng sau giật dây việc mua ma túy cho các em dùng “miễn phí”. Có như vậy mới răn đe được những kẻ có tâm địa xấu cho xã hội. Đồng thời, phải nói rộng rãi, công khai cho các phụ huynh, các em học sinh để không rơi vào bẫy của những kẻ xấu khi bị dụ dỗ, rủ rê. Đặc biệt, khi các em còn non nớt, chưa hiểu thì phải trang bị cho các em những nhận thức để các em hiểu được hậu quả khi các dính vào chất gây nghiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Con số do Công an thị trấn Phố Mới cung cấp là có hơn 20 em, lớn tuổi nhất sinh năm 1995, ít tuổi nhất là sinh năm 1999, đã trình báo với Cơ quan Công an về việc hít hoặc uống nước bị nghi có ma túy. Trong đó có học sinh Trường THCS thị trấn Phố Mới và cá biệt có cả học sinh Trường tiểu học Phố Mới. Các em chủ yếu cư ngụ tại thôn Đỉnh, một số khác ở Thịnh Cầu, Khu 3 đều thuộc Quế Võ, Bắc Ninh. Có em khai “đã hít khoảng 10 lần”, có em khai “mới chỉ hít 2-3 lần”. Tất cả các trường hợp học sinh bị dụ dỗ dùng chất gây nghiện đều chỉ biết, được các anh cho dùng và bảo đó là “hàng”, là thứ bột được nghiền ra từ những viên thuốc màu trắng, hồng, cách dùng là đốt giấy bạc để hít khói. Trong số 23 em được triệu tập lấy lời khai, có 4 em bước đầu đã thừa nhận đi mua thuốc và rủ những đứa trẻ nhỏ hơn sử dụng. Nhưng mua của ai, ai cho các em này tiền để “đầu tư” miễn phí cho các em học sinh khác thì hiện chưa biết rõ. Chỉ có một đối tượng khai rõ “đã mua thuốc lắc với giá 200.000đ/viên” nhưng ai cho tiền để mua, rủ rê các em khác dùng thử thì cũng chưa được làm rõ. Có em thì kể, đi đá bóng hoặc chơi bida thì được các anh cho uống nước ngọt, nếu uống hết còn được cho thêm tiền. Mặc dù vừa đá bóng mệt mỏi nhưng nhiều em cho hay khi uống nước này vào thì thấy phục hồi một cách bất thường, chẳng biết họ cho chất gì vào trong đó.

T.L

Hạnh Vân (thực hiện)