Việt Nam được gì sau 5 năm gia nhập WTO?

17:28 | 29/02/2012

576 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định, cái được lớn nhất từ WTO là nền kinh tế Việt Nam xuất hiện một lớp doanh nhân trẻ tài năng hơn, năng động hơn, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Với tư cách là nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO của Chính phủ, ông Tuyển đánh giá rất cao việc nền kinh tế dịch chuyển từ khối quốc doanh sang tư nhân, biến tư nhân thành nội lực, hợp với xu hướng thị trường theo bản chất WTO.

Có thể nhận thấy lực đẩy của nền kinh tế giờ đã có sự góp sức không nhỏ của khối tư nhân. Trong một số ngành như lúa gạo, gỗ, may mặc… doanh nghiệp tư nhân đã chiếm từ 80-90% thị phần nhưng Chính phủ điều hành tương đối ổn định nhiều năm nay.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan khẳng định nền kinh tế Việt Nam đã có những nét khởi sắc sau khi gia nhập WTO.

“Xin thưa với các bạn, việc chúng ta có một nền kinh tế phát triển với tốc độ hàng đầu thế giới như hiện tại là do đường lối, chính sách mở cửa kịp thời, hợp lý của cả hệ thống chính trị. WTO chỉ là yếu tố đủ thôi, còn về cơ bản, yếu tố cần vẫn là tầm nhìn chiến lược của nhiều thế hệ lãnh đạo cấp cao,” ông Tuyển khẳng định.

Trên thực tế, trong quá trình đàm phán, không điều khoản nào bắt chúng ta phải từ bỏ doanh nghiệp Nhà nước, mà điều mấu chốt là Nhà nước chỉ không được phép can thiệp thô bạo vào quá trình thương mại của Doanh nghiệp quốc doanh.

“Mọi người cứ nhìn vào thu nhập nhập bình quân của người dân mình, năm sau cao hơn năm trước sẽ thấy mỗi vòng đàm phán từng mang lại hứng khởi cho chúng tôi như thế nào,” ông Tuyển nhớ lại.

Thống kê cho thấy, vào thời điểm bắt đầu đàm phán gia nhập WTO, thu nhập trung bình của Việt Nam là 400 USD/người/năm. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán nhiều vòng, song phương, đa phương… rất nhiều nền kinh tế lớn nhận được thông tin. Họ đánh giá cao động thái đó của Chính phủ Việt Nam trước khi quyết định đầu tư rất mạnh.

Và kết thúc đàm phán gia nhập WTO một thời gian đã nâng thu nhập bình quân ngang với các nước phát triển trung bình ở mức 1.000 USD/người/năm, đến bây giờ đã là trên 1.200 USD/người/năm.

Điểm nổi bật nhất chính là xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục, sau 5 năm kim ngạch xuất khẩu tăng 97,7%, năm 2011 đã đạt tới 96,9 tỉ USD và năm nay hy vọng chạm ngưỡng 100 tỉ USD.

Về phần mình, một Trưởng đoàn đàm phán WTO khác của Chính phủ, ông Lương Văn Tự lại tỏ ra tiếc nuối vì thời điểm chúng ta gia nhập tổ chức này… hơi muộn.

“Các bạn thử nhìn sang Trung Quốc, họ tận dụng ưu thế của một thành viên WTO đầy đủ tới gần 1 thập kỷ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Còn chúng ta chỉ được hưởng “vinh dự” đó vẻn vẹn 2 năm (VN gia nhập WTO từ ngày 7/11/2006-PV),” ông Tự bình luận.

Vị nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho hay, người Trung Quốc tận dụng tối đa về nguồn vốn nước ngoài, chuyển giao công nghệ, các thủ thuật quản trị kinh doanh… từ G7 khi nhóm này ồ ạt kéo nhau đến Bắc Kinh từ những năm cuối cùng thế kỷ 20. Kết quả là nền kinh tế Trung Quốc có những bước đại nhảy vọt, để chiếm lĩnh vị thế cao chót vót trên cả chính trường lẫn kinh tế-tài chính như hiện tại.

Càng đến thời hạn cam kết với WTO (31/12/2018) để trở thành một nền kinh tế thị trường đầy đủ, độ mở của nền kinh tế sẽ ngày càng lớn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, về thách thức, vấn đề lớn nhất hiện nay là khi chúng ta hội nhập toàn cầu nhiều hơn thì ảnh hưởng tiêu cực của nó có thể dội ngược vào trong nước nhiều hơn. Nền kinh tế Việt Nam giống như một con thuyền mới ra biển đã gặp ngay bão tố khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng môi trường, năng lượng, lương thực.

Cộng thêm những yếu kém vốn có của nền kinh tế khi chưa thay đổi được mô hình tăng trưởng, vẫn chạy theo số lượng, chạy theo tốc độ, chưa chú trọng tới hiệu quả, chất lượng. Vì vậy, tác động từ bên ngoài dội vào nặng nề hơn khiến tăng trưởng vài năm gần đây giảm xuống và gặp những vđề vĩ mô nặng nề hơn so với những nước khác xung quanh cũng chịu cùng tác động toàn cầu như vậy.

Về đầu tư nước ngoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn nhận định, đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đã biết cách nhận diện nguồn đầu tư nào nghiêm túc, nguồn đầu tư nào nhắm tới nhiều mục đích (ô nhiễm môi trường, rửa tiền, biến chính quốc thành trạm trung chuyển…).

“Chúng ta không nhận vốn FDI bằng mọi giá. Từ nhiều năm nay yếu tố phát triển bền vững mới là tiên quyết trong hoạt động đầu tư nước ngoài,” ông Toàn khẳng định.

Cũng theo vị chuyên gia này, Chính phủ Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện 2 hệ thống, mà theo ông sẽ là lực đẩy mạnh mẽ cho đầu tư nước ngoài. Một là hệ thống hành lang pháp lý, thủ tục hành chính; và thứ hai là hệ thống giao thông-cơ sở hạ tầng.

Nếu giải quyết vấn đề trên thật rốt ráo, chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh khi chúng ta kỷ niệm 10 năm gia nhập WTO, vào cuối năm 2016.

Hữu Tùng