Viện phí tăng: Ngành Y "cười", bảo hiểm "khóc"!

23:48 | 01/09/2012

801 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Không chỉ người dân mà ngay cả ngành bảo hiểm cũng đang đau đầu với khung giá viện phí mới được Bộ Y tế áp dụng từ gần 1 tháng nay.

Viện phí tăng đã tạo áp lực lớn cho ngành bảo hiểm.

 

Có một thực tế đã diễn ra từ nhiều năm nay là ngành y và bảo hiểm luôn rất khó “gặp nhau” trong việc thực hiện các chính sách chi trả viện phí cho người bệnh nhân. Ngành bảo hiểm luôn kêu khổ với các hóa đơn thanh toán viện phí của bệnh viện, còn bệnh viện lại chẳng mặn mà gì với cái gọi là khám theo sổ bảo hiểm của nhiều bệnh nhân.

Mâu thuẫn này càng trở lên gay gắt khi khung viện phí mới được Bộ Y tế xây dựng cao hơn khá nhiều so với khung viện phí cũ. Đồng nghĩa với việc này là chi phí của ngành bảo hiểm cũng vì thế mà phình to và theo ý kiến phản hồi của lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đăng tải trên các phương tiện truyền thông thời gian qua thì nếu không có sự điều chỉnh, không có những chính sách phù hợp thì khi mức viện phí mới được áp dụng rộng rãi trên địa bàn cả nước, nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm là hoàn toàn có thể xảy ra. Ngành y thu được 10 thì cũng đồng nghĩa với bảo hiểm sẽ chi 10 từ các bệnh nhân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm.

Điều này đã được ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, ngành bảo hiểm chỉ có thể tự cân đối nguồn thu và các khoản kinh phí dự phòng trong ngắn hạn và đến lúc không còn đủ khả năng thì mức đóng bảo hiểm sẽ phải tăng.

“Quỹ bảo hiểm y tế là quỹ ngắn hạn. Mức đầu vào và đầu ra có thể khác nhau do tần suất khám chữa bệnh khác nhau nên khó để nói là nó có thể chịu đựng trong bao lâu ở mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay khi mức viện phí cần chi trả cho người bệnh tăng", ông Sơn nhấn mạnh.

Từ chia sẻ trên có thể thấy rằng, với mức viện phí hiện tại và trong bối cảnh đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì xem ra phương án tăng viện phí đang không chỉ gây khó cho người dân mà với cả ngành bảo hiểm. Thu nhập của người dân không tăng, trong khi, giá cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng khiến khả năng tài chính của người dân bị co hẹp.

Phương án tăng mức viện phí hiện đang được áp dụng như vậy vẫn chưa thỏa đáng, đó là vẫn chưa kể tới một loạt các vấn đề vốn được xem là bất cập của ngành y từ nhiều năm nay như chất lượng dịch vụ y tế, tình trạng tiêu cực, phong bì, phong bao,… liệu có giảm. Vậy nên, giờ đây liệu rằng đề xuất tăng mức đóng bảo hiểu có phù hợp, có khả thi và có một lần nữa gây khó cho người dân.

Được biết, sau khi mức viện phí tăng, Bộ Y tế đã tính tới phương án tăng mức đóng phí bảo hiểm lên 5% xong vẫn chỉ là dự kiến và đang đưa ra bàn thảo. Thông tin này có thể là tín hiệu vui với ngành bảo hiểm và có thể xoa dịu sự căng thẳng giữa ngành y tế và bảo hiểm từ sau khi mức viện phí mới được áp dụng. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì chắc chắn nó sẽ không nhận được sự đồng thuận của xã hội.

Không biết xung đột giữa ngành bảo hiểm và y tế sẽ được giải quyết như thế nào, nhưng với những gì đang diễn ra và với thực tế cuộc sống của người dân vẫn còn đang rất khó khăn như hiện nay thì chỉ có ngành y là có thể cười vì đã được tăng mức viện phí, còn ngành bảo hiểm sẽ còn phải “khóc” vì xem ra phương án 5% sẽ khó khả thi.

 

Thanh Ngọc