Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường:

Việc tìm xác bằng sóng bức xạ như tìm kim đáy biển

15:04 | 04/12/2013

977 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên quan đến việc áp dụng sóng bức xạ để tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, Giáo sư Phan Văn Quýnh - nguyên giảng viên cao cấp Khoa Địa chất dầu khí của trường Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Xương người hay xương động vật đều có phổ phản xạ như nhau nên việc xác định vị trí xác chị Huyền là không khả thi”.

>> Xét nghiệm mẫu nước để tìm xác nạn nhân

Theo ghi nhận của PetroTimes, trưa 4/12, tại chân cầu Thanh Trì, gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, ở 36 Hàng Thiếc, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trong vụ Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng phi tang đang chuẩn bị các thủ tục để làm lễ cầu siêu và tiến hành tìm xác bằng tàu hút cát.

Giáo sư Phan Văn Quýnh cũng có mặt tại bãi sông Hồng để phản bác các nhà khoa học tìm kiếm xác nạn nhân bằng sóng bức xạ. Theo vị giáo sư này, ông đã có một thời gian dài nghiên cứu về sóng điện từ và sóng địa chấn.

Giáo sư Phan Văn Quýnh nói về phương pháp tìm xác bằng sóng bức xạ.

Giáo sư Phan Văn Quýnh nói, hôm qua, tôi có đọc tin tức biết rằng các nhà khoa học định tìm kiếm thi thể bằng phương pháp xét nghiệm mẫu nước và máy địa bức xạ từ thứ cấp. Tuy nhiên, phương pháp này hoàn toàn vô ích. Việc xét nghiệm mẫu nước không có hiệu quả gì vì cả khu vực sông rộng lớn như vậy, nước trôi chảy liên tục, không thể dùng một mẫu nước để biết rằng ở đó có thi thể hoặc từng có thi thể. Đó là chưa kể đến việc không thể xác định được đó có phải thi thể của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền hay không.

Còn về chiếc máy địa bức xạ từ thứ cấp của giáo sư Vũ Văn Bằng, theo giáo sư Quýnh cho biết: “Không thể tìm được thi thể”.

Gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền lập đàn cầu siêu.

Lý giải về việc này, giáo sư Phan Văn Quýnh nói: Việc xác định bằng sóng điện từ thì xương người hay xương động vật đều phát ra tín hiệu giống nhau. Trong trường hợp tìm kiếm này, kể cả có dùng máy rada phát tần sóng cực mạnh cũng chỉ phát hiện những vật phát ra phổ phản xạ chứ không thể dùng máy này mà tìm thấy được thi thể người chết.

“Mọi vật đều có phổ phản xạ nên việc xác định được vị trí của thi thể không khác gì mò kim đáy biển. Việc đưa phương pháp mới của các nhà khoa học vào tìm kiếm cũng sẽ không thể đem lại hiệu quả như mong muốn” - Giáo sư Phan Văn Quýnh nói.

Trước đó, sáng ngày 3/12, lực lượng Công an thành phố Hà Nội đã kết hợp cùng đội thợ lặn của trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Thăng Long triển khai việc tìm kiếm bằng phương pháp mới. Địa điểm tìm kiếm vẫn là chân cầu Thanh Trì, nơi bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường khai đã ném xác chị Huyền xuống sông.

Phương pháp tìm kiếm mới được chính các nhà khoa học, giáo sư thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam nghiên cứu và đề xuất. Cụ thể, trước đó, các nhà khoa học, giáo sư đã tiến hành lấy mẫu nước tại 20 địa điểm khác nhau trên sông Hồng đoạn qua cầu Thanh Trì. Và chỉ trong thời gian ngắn, các nhà khoa học, giáo sư đã xác định được 5 điểm có dấu hiệu thi thể phân hủy.

Do vậy, sáng ngày 3/12, các đội thợ lặn của trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Thăng Long đã tiến hành lặn, tìm kiếm tại 5 điểm trên. Một tốp thợ lặn 7 người cùng gần 20 nhà khoa học, giáo sư đã đưa nhiều loại thiết bị máy móc lên thuyền ra giữa sông để bắt đầu việc tìm kiếm. Tuy nhiên sáng ngày 4/12 vẫn chưa có kết quả.

T.Minh