Vì sao Triều Tiên từ chối đàm phán hạt nhân “kiểu Iran” với Mỹ?

13:50 | 22/07/2015

2,799 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố không quan tâm và không muốn một cuộc đàm phán "theo kiểu của Iran" với Mỹ để giải quyết những bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Iran có gì khác biệt?
Vì sao Triều Tiên từ chối đàm phán hạt nhân “kiểu Iran” với Mỹ?
Triều Tiên nói "không" với việc đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này

Một tuần sau hiệp ước lịch sử mở ra khả năng dỡ bỏ cấm vận đã làm tê liệt nền kinh tế Iran, để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân, ngày 21/7, Bình Nhưỡng bác bỏ mọi đề nghị noi gương Tehran.

Hôm qua, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói: "Thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran là thành quả nỗ lực lâu dài hướng tới công nhận quyền của Iran với hoạt động hạt nhân và dỡ bỏ trừng phạt. Nhưng tình hình của chúng tôi là hoàn toàn khác"

"Về hình thức và nội dung chúng tôi là một quốc gia hạt nhân, và như một quốc gia hạt nhân chúng tôi có những quyền lợi riêng của mình"-phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên giải thích.

Theo lời người này, Bình Nhưỡng hoàn toàn không quan tâm đến cuộc đối thoại để thảo luận vấn đề đóng băng chương trình hạt nhân của nước mình hoặc đơn phương từ bỏ chương trình này.

Lý do được đại diện Bộ Ngoại giao Triều Tiên đưa ra là: "Sức mạnh răn đe hạt nhân của chúng tôi là phương tiện cần thiết để bảo vệ chủ quyền và quyền tồn tại của đất nước khỏi những sức ép hạt nhân và chính sách thù địch mà Mỹ thi hành trong suốt nửa thế kỷ nay. Sức mạnh răn đe hạt nhân của chúng tôi không phải là thứ để mặc cả trên bàn thương lượng".

Ông giải nhấn mạnh rằng chừng nào Mỹ vẫn tiếp tục chính sách thù địch trong quan hệ với Bình Nhưỡng, thì sẽ không thể có bất cứ thay đổi gì về sức mạnh kiềm chế hạt nhân của Triều Tiên.

Sau khi 6 cường quốc thế giới đạt được thỏa thuận với Iran về vấn đề hạt nhân của nước này, nhiều phương tiện truyền thông thế giới đã coi đây là mô hình mẫu cho Triều Tiên noi theo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên khác nhau một trời một vực.

Georgy Toloraya, Giám đốc Trung tâm Chiến lược châu Á thuộc Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga), từng là cán bộ ngoại giao tại Triều Tiên, cho rằng không nên trông đợi bước đột phá nhanh chóng trong cuộc thương lượng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên vì 2 lý do dưới đây.

Thứ nhất, không giống như Iran, Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm và thậm chí qui chế hạt nhân còn được ghi nhận trong Hiến pháp của nước này. Thật khó hình dung là Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ điều đó, liều lĩnh phá hoại tính hợp pháp của chế độ Triều Tiên.

Thứ hai, Iran như là một quốc gia độc lập, không sửa soạn hủy diệt nước nào. Còn với Triều Tiên là tình huống khác. Bình Nhưỡng cho rằng mục đích thực sự trong chính sách của Mỹ và Hàn Quốc là làm suy yếu chao đảo và lật đổ chế độ Triều Tiên. Bình Nhưỡng thấy chỉ có vũ khí hạt nhân là bảo đảm duy nhất để tránh khỏi việc xóa bỏ nhà nước Triều Tiên. Thứ vũ khí này có thể chặn đứng cả gây hấn quân sự trực tiếp từ bên ngoài lẫn những toan tính phá hoại chế độ từ bên trong.

Theo ông Toloraya, lẽ ra có thể giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng giải pháp như hiện tại với Iran, vào thời điểm khi mà Triều Tiên vừa nghĩ đến chế tạo vũ khí hạt nhân. Năm 1994, Mỹ và Triều Tiên đã ký cái gọi là Thỏa thuận khung, theo đó Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy sự hỗ trợ phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình. Nhưng Thỏa thuận khung đã thất bại phần lớn là do lỗi của phía Washington.

Thỏa thuận khung năm 1994 là văn kiện rất khôn ngoan và đúng đắn. Nga ủng hộ Thỏa thuận này, vì trông đợi rằng khi Bình Nhưỡng đóng băng chương trình hạt nhân của mình, còn Mỹ đáp lại bằng tháo bỏ các biện pháp trừng phạt và cung cấp hỗ trợ kinh tế, kể cả trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thì bang giao của hai nước sẽ đi theo hướng bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, Washington đã tính rằng chế độ Triều Tiên sắp sụp đổ nên cứ trì hoãn kéo dài thời gian, không vội thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với Triều Tiên, mà cũng chẳng có động thái gì để bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng. Người Triều Tiên đã nhận ra sự thật này một cách nhanh chóng, và cũng bắt đầu vi phạm thỏa thuận. Thế là cả hai bên Mỹ và Triều Tiên đều vi phạm cam kết, ngăn cản sự thực hiện thành công Thỏa thuận khung.

Vào đầu những năm 2000, chính quyền Triều Tiên ngày càng được củng cố không như Mỹ tính toán. Sau cuộc gặp lịch sử hồi mùa hè năm 2000 tại Bình Nhưỡng của các nhà lãnh đạo Bắc và Nam Triều Tiên-ông Kim Jong Il và ông Kim Dae-jung, Bình Nhưỡng bắt đầu cố gắng thoát ra khỏi vòng cô lập. Năm 2002, sau một thời gian dài gián đoạn, đề án kiến thiết nhà máy điện hạt nhân ở Triều Tiên đạt đến giai đoạn xây dựng hầm ngầm bên dưới lò phản ứng và cung cấp nhiên liệu cho lò phản ứng. Và thế là, để không thực hiện Thỏa thuận khung, người Mỹ lập tức gay gắt cáo buộc Bình Nhưỡng bí mật làm giàu uranium. Bình Nhưỡng giận dữ ra khỏi thỏa thuận với IAEA và bắt đầu công khai phát triển vũ khí hạt nhân. Ngay cả cuộc đàm phán 6 bên cũng không giúp được gì, bởi người Mỹ hành xử thiếu trung thực, luôn cố gây áp lực với Bình Nhưỡng chứ không quan tâm thực thi hứa hẹn của chính mình. Như vậy, hóa ra là người Mỹ đã buộc Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân.

Trường hợp của Iran cũng không phải là không có tác dụng gì với Triều Tiên. Chuyên gia Toloraya cho rằng trường hợp Iran tạo ra khả năng trở lại tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Đóng băng chương trình hạt nhân của triều Tiên là cần thiết cho tất cả: cả Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và cuối cùng là cho cả chính bản thân Triều Tiên, bởi đổ nhiều tiền cho yếu tố răn đe hạt nhân vẫn không phải là khoản đầu tư tốt nhất đối với Bình Nhưỡng. Thế nhưng dù sao thế giới chẳng nên quá mong đợi thành công tương tự như với trường hợp của Iran, vì giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bây giờ không phải là một nhiệm vụ ưu tiên của Chính quyền Obama. Ông Obama đã đạt thành công đối ngoại bằng cách bình thường hóa quan hệ với Cuba và tháo gỡ vấn đề hạt nhân của Iran, giành điểm cho đảng của ông trước cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Còn chủ đề Triều Tiên khó có tác dụng hỗ trợ cho cuộc tranh cử này.

THẾ GIỚI 24H: Sau Iran sẽ đến Triều Tiên? THẾ GIỚI 24H: Sau Iran sẽ đến Triều Tiên?

Nh.Thạch

Năng lượng Mới