Vì sao Mỹ đưa quân tới Syria?

09:25 | 10/03/2017

846 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 6/3, Lầu Năm Góc thông báo gửi quân đội Mỹ tới vùng Manbij, phía bắc Syria nhằm “gia tăng nỗ lực đánh bại IS”. Đâu là mục đích thực sự của việc Mỹ triển khai quân tới Syria? Liệu việc này có giúp Mỹ hủy diệt được Nhà nước Hồi giáo (IS)?
vi sao my dua quan toi syria
Một đoàn xe bọc thép Mỹ tiến gần làng Yalanli, vùng ngoại ô phía tây thành phố Manbij, Syria, ngày 5/3/2017

Trả lời phỏng vấn Đài RT của Nga ngày 8/3, Michel Raimbaud, cựu đại sứ Pháp, hiện đang giảng dạy tại Trung tâm Nghiên cứu ngoại giao và chiến lược quốc tế, cho biết, trong suốt mấy năm qua, Mỹ đã dẫn đầu một liên minh quốc tế tấn công IS nhưng thành quả đạt được không là bao trong khi các cuộc không kích lại giết hại nhiều dân thường hơn quân khủng bố. Chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng của Syria cũng bị phá hủy. Trong khi nhóm IS không bị suy yếu lại còn khiến các nhóm đối lập ở Syria mạnh lên, tấn công chính quyền ở Damas buộc Nga phải nhập cuộc theo lời yêu cầu của Tổng thống Al-Assad.

Sự hiện diện của bộ binh Mỹ lần này (dù dưới vỏ bọc là cố vấn hay lính đặc nhiệm) thì vẫn có cùng mục đích là ngăn cản chính quyền hợp pháp ở Damas giành lại quyền kiểm soát những vùng đất bị IS và các nhóm đối lập chiếm cứ trong mấy năm qua. Ngay từ năm 2001, chính quyền Mỹ đã muốn Tổng thống Assad phải từ chức và suýt nữa thì tiến hành can thiệp quân sự dưới hình thức liên quân quốc tế để lật đổ nếu Nga không cực lực phản đối. Việc duy trì tình trạng cát cứ ở Syria sẽ giúp Mỹ và một số quốc gia thù địch với chính quyền Tổng thống Assad như Arập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel… có cơ hội thay đổi chính quyền ở Damas. Đây là kịch bản Mỹ đã làm tại Iraq, Libya và nhiều nơi khác.

Từ khi Nga đưa quân tới Syria theo lời mời của Tổng thống Assad, các nhóm đối lập và khủng bố bị đẩy lùi, mất kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ và buộc phải bước vào vòng đàm phán. Trong hai cuộc hòa đàm về Syria gần đây, một tại Astana, Kazakhstan và hai tại Genève, Thụy Sĩ, Mỹ và châu Âu không được mời tham dự thay vào đó là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì. Khi cảm thấy bị gạt ra ngoài lề cuộc chơi, Mỹ buộc phải gấp rút đưa bộ binh tới Syria. Đây là lý do thực sự giải thích viêc Mỹ ngày 6/3 đưa hơn 100 lính đặc biệt và pháo cao xạ tới Syria và dự tính còn triển khai thêm 1.000 binh lính nữa trong thời gian tới.

Nh.Thạch