Vì sao giới đại gia Trung Quốc muốn rời khỏi đất nước?

07:00 | 28/09/2014

3,625 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Barclays, gần một nửa số người Trung Quốc giàu có muốn ra nước ngoài định cư trong 5 năm tới, chủ yếu để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn, với các điều kiện về giáo dục, an ninh và y tế tốt hơn cho con cái của họ.

Năng lượng Mới số 359

Ngân hàng Anh đã đặt câu hỏi với 2.000 người ở 23 nước có tài khoản trên 1,5 triệu USD và trong số đó có 200 người sở hữu trên 15 triệu USD. Nghiên cứu cho thấy rằng, 47% người giàu Trung Quốc muốn ra nước ngoài sinh sống trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, con số này ở Ấn Độ là 5%, Mỹ là 6%, Hongkong là 16%, Singapore là 20%, Vương quốc Anh là 20% và mức trung bình toàn cầu là 29%.

Hướng đến ưa chuộng nhất đối với nhà giàu Trung Quốc là Hongkong, với 30% người được hỏi muốn sang đặc khu này sinh sống. Được trao trả cho Trung Quốc năm 1997, cựu thuộc địa Anh được hưởng các quy chế đặc biệt, chất lượng giáo dục và y tế cũng như Nhà nước pháp quyền tại đây khiến hàng tỉ người dân Hoa lục phải mơ ước.

Vì sao giới đại gia Trung Quốc muốn  rời khỏi đất nước?

Hongkong - lựa chọn số 1 để định cư của giới nhà giàu Trung Quốc

Điểm đến thứ 2 được giới nhà giàu Trung Quốc ưa chuộng là Canada (23%) - nơi có hệ thống phúc lợi nổi tiếng và phong cảnh tuyệt vời. Đã có hàng trăm nghìn người Trung Quốc tới Canada định cư và hình thành nên các cộng đồng người Hoa lớn ở Vancouver và Toronto. Việc Ottawa tuyên bố kết thúc chương trình đầu tư - nhập cư (IIP) hồi tháng 2 đã khiến khoảng 60.000 người xin cư trú bằng con đường đầu tư (80% trong số này là nhà giàu đại lục) bị vỡ mộng. Tuy vậy, số hồ sơ xin nhập cư vào Canada của công dân Trung Quốc tồn đọng vẫn còn rất nhiều, khiến Ottawa trong những tháng gần đây bị quá tải và không thể xử lý.

Trong những động cơ thôi thúc giới nhà giàu mới nổi Trung Quốc muốn rời bỏ đất nước đi định cư ở nước ngoài, giáo dục và cơ hội việc làm cho con cái được đặt lên hàng đầu, chiếm 78%. Tiếp theo là môi trường đầu tư kinh tế và an ninh (73%), chất lượng y tế và các dịch vụ xã hội (18%).

Cần lưu ý rằng, vừa qua, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã dẫn đầu bảng xếp hạng Chương trình đánh giá học sinh toàn cầu (PISA) thuộc Hiệp hội các nước phát triển (OECD) về trình độ học môn toán, khoa học và sức đọc của học sinh ở độ tuổi 15. Rõ ràng, thực tế cho thấy, bản thân người Trung Quốc cũng chẳng tin tưởng vào bảng xếp hạng này và vẫn đang không ngừng chỉ trích cách dạy, cách học làm thui chột óc sáng tạo ở Hoa lục. Người giàu thì tìm cách kiếm một chỗ con cái mình đi du học ở ngoại quốc.

Trung Quốc là quốc gia có số sinh viên theo học tại Mỹ nhiều nhất thế giới. Các đại gia Trung Quốc cũng tỏ ra cực kỳ hào phóng khi hiến tặng cho các trường đại học thuộc nhóm Ivy League (tên gọi của nhóm 8 trường hàng đầu nước Mỹ, bao gồm Đại học Brown, Đại học Columbia, Đại học Cornell, Đại học Dartmouth, Đại học Harvard, Đại học Princeton, Đại học Pennsylvania, Đại học Yale). Trong đó, phải kể đến khoản tài trợ lớn nhất từ trước đến nay - 350 triệu USD cho trường Đại học Harvard của cựu sinh viên trường này - tỷ phú địa ốc Hongkong Gerald Chan vào tháng 9/2014; khoản tặng 15 triệu USD cho Đại học Harvard trong tháng 7/2014 của nhà sáng lập đế chế bất động sản Soho ở Trung Quốc, hai vợ chồng tỉ phú Phan Thạch Ngật và Trương Hân; hoặc món tiền 8.888.888USD do người sáng lập Quỹ đầu tư Hillhouse Capital Management - ông Lei Zhang tặng Đại học Yale hồi năm 2010.

Vấn đề an ninh cũng là mối lo hàng đầu của các nhà giàu Trung Quốc, đặc biệt là giới giàu do tham nhũng. Hiện tượng “lõa quan” - tức là quan chức chính phủ có gia đình sinh sống ở nước ngoài và sử dụng mối quan hệ đó để tuồn tài sản bất hợp pháp ra khỏi Trung Quốc, nhằm tránh bị phát hiện, điều tra, hoặc chuẩn bị ra nước ngoài sinh sống khi cần “hạ cánh”, gia tăng chóng mặt. Trong tháng 7/2014, chỉ riêng tỉnh Quảng Đông nhận dạng được 2.190 vị, trong đó có 866 quan chức bị sa thải ngay.

Linh Phương (tổng hợp)