Vì sao cần di dời sân bay Vũng Tàu?

08:15 | 08/07/2012

1,928 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sân bay Vũng Tàu chuyên cung cấp dịch vụ bay biển phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Từ vài năm nay đã có chủ trương di dời sân bay này ra khỏi khu vực trung tâm TP Vũng Tàu và chuyển đổi công năng trong quy hoạch mở rộng không gian đô thị của thành phố biển. Thế nhưng việc di dời sân bay vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu phương án khả thi…

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giao trách nhiệm cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Giao thông Vận tải nghiên cứu khả thi các phương án di dời sân bay Vũng Tàu (nằm trên trục đường 30-4 của TP Vũng Tàu) về khu vực đảo Gò Găng thuộc xã Long Sơn (TP Vũng Tàu).

Sân bay Vũng Tàu đang nằm trong kế hoạch di dời

Mục đích chính của việc di dời sân bay Vũng Tàu là gì?

Theo lý giải, sân bay này nằm gần trung tâm TP Vũng Tàu nên việc di dời sang khu vực Gò Găng (thuộc xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) là để tạo điều kiện khai thác hoạt động bay tốt hơn và nhằm đảm bảo phát triển quy hoạch không gian đô thị cho TP Vũng Tàu khi được mở rộng. Bởi vì trong thời gian tới việc xây dựng nhiều tòa nhà cao tầng ở khu vực này sẽ vướng quy định về tĩnh không bay. Cũng cần phải nói thêm, do quá trình phát triển đô thị, sân bay Vũng Tàu đã và đang bị các khu dân cư vây kín.

Bên cạnh đó, tiếng ồn gây ra bởi máy bay trực thăng và an toàn giao thông hàng không tại sân bay này cũng cần phải được quan tâm. Về lâu dài, không thể để một sân bay nằm cạnh khu vực trung tâm thành phố vốn tập trung đông dân cư sẽ dễ xảy ra chuyện bất cập vì mật độ hoạt động ngày càng cao. Mặt khác, TP Vũng Tàu cũng cần có thêm quỹ đất để xây dựng mở rộng các khu đô thị mới trong tương lai. Đồng thời, việc chuyển sân bay về khu vực Gò Răng cũng nhằm tạo sức bật cho địa bàn này phát triển trong tương lai.

Trước đó, tháng 8/2011, Bộ Giao thông Vận tải đã có thông báo đồng ý đề nghị di dời sân bay Vũng Tàu của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm tạo thuận lợi và hỗ trợ cho việc quy hoạch phát triển và mở rộng TP Vũng Tàu. Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Được biết, theo Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không dân dụng, sân bay Vũng Tàu sẽ được phát triển thành cảng hàng không trong giai đoạn đến 2020 để khai thác chung các hoạt động bay quân sự và dân dụng gồm các chuyến bay taxi, bay dịch vụ, bay dầu khí. Ngoài sân bay Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có cảng hàng không Côn Đảo tại Côn Đảo phục vụ các chuyến bay dân dụng.

Sân bay Vũng Tàu dưới sự quản lý điều hành, khai thác của Công ty Bay dịch vụ miền Nam (Southern SFC) thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (VNH, là công ty đứng đầu về cung cấp dịch vụ trực thăng tại Việt Nam hiện nay) do Bộ Quốc phòng quản lý và khai thác, chủ yếu cung cấp dịch vụ bay biển, phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên biển bằng máy bay trực thăng.

Đầu tháng 6/2012 vừa qua, Công ty Bay dịch vụ miền Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu lên các kiến nghị của Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam gửi lên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về các phương án di dời sân bay Vũng Tàu trong thời gian tới.

Theo đó, phương án thứ nhất là Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam kiến nghị giữ lại 1/3 diện tích sân bay Vũng Tàu và toàn bộ khu vực hạ tầng kỹ thuật hiện có đang phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty. Đồng thời trả lại 2/3 diện tích còn lại cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phương án thứ hai là nếu phải di dời toàn bộ sân bay Vũng Tàu sang khu vực Gò Găng thì công tác bàn giao phải được tiến hành sau khi sân bay Gò Găng đã xây dựng xong hoàn chỉnh các hạng mục công trình, bảo đảm đưa vào vận hành khai thác ổn định, không làm gián đoạn hoạt động bay phục vụ dầu khí và các hoạt động bay khác. Sân bay Gò Găng mới phải được giao toàn bộ cho Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam quản lý, khai thác và sử dụng.

Được biết, nhằm phục vụ cho việc di dời sân bay Vũng Tàu, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quy hoạch gần 300ha ở khu vực Gò Găng và xây dựng các tuyến cầu, đường nối từ Quốc lộ 51 đến Gò Găng. Đảo Gò Răng vốn là một đảo nhỏ, có vị trí đẹp (4 mặt là sông nước và biển), hội tụ nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển trong tương lai. Đảo có diện tích khoảng 17km2, trong đó phần đảo khoảng 13,5km, hiện là điểm dân cư thuộc xã Long Sơn.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có chủ trương phát triển Gò Găng thành một khu đô thị mới, hiện đại mang tầm vóc quốc tế. Theo định hướng quy hoạch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như đồ án quy hoạch của Công ty AREP (Pháp) trình bày quy hoạch phân khu 1/2.000 đảo Gò Găng, các khu chức năng ở Gò Găng trong tương lai sẽ được cơ cấu như sau: khu đô thị thấp tầng: 150-170ha, trung tâm dịch vụ: 30ha, sân bay Gò Găng: 250-300ha, khu làng cá: 70-100ha, đường giao thông nông thôn chính: 110-120ha, vùng sinh thái: 613ha.

Tổng quy mô dân số dự kiến cho Gò Găng sẽ khoảng 25.000-28.000 người, trong đó khu dân cư đô thị mới 15.000-18.000 người, khu dân cư nghề cá khoảng 8.000-10.000 người. Được biết, sân bay Gò Găng sẽ xây dựng theo tiêu chuẩn của một sân bay cấp 3, với chiều dài đường băng 2.000m. Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được chỉ đạo phải sớm có báo cáo cụ thể về tình hình quản lý, sử dụng đất đai ở khu vực này, thông qua đó đề xuất phương án xây dựng, đấu nối đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước đến hàng rào khu đất dự kiến xây dựng sân bay Gò Răng.

Đối với sân bay Vũng Tàu hiện có 2 đường cất hạ cánh. Đường 36/18 dài 1.800m, có thể tiếp nhận các loại máy bay nhỏ như DC3, AN-38. Đường băng 30/12 dài 1.200m dùng cho trực thăng. Theo Cục Hàng không, sân bay này thuộc quyền quản lý của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân và không có hoạt động bay dân dụng.

Với đội máy bay trực thăng hiện đại như Mi 17-1V, Mi 172, Super Puma AS 332L2, EC 155B1, EC 225… và đội ngũ phi công, kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm, Công ty Bay dịch vụ Miền Nam là sự lựa chọn số một đối với các công ty dầu khí nằm trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và các công ty liên doanh điều hành đang tiến hành khai thác và thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam hiện nay như: Vietsovpetro, Cửu long JOC, Biển Đông POC, JVPC, TNK, PCVL, PVEP POC, KNOC, Thăng Long – Trường Sơn JOC, Hoàng Long – Hoàn Vũ JOC, Chevron Vietnam, Lam Sơn JOC, Premier Oil, VRJ, Côn Sơn JOC, Idemitsu, Salamander, Mitra, Origin…

Ngoài ra, các nhà thầu phục phục vụ dầu khí như MODEC, PV OIL, PGS, CGG Veritas… cũng là khách hàng truyền thống của Công ty Bay dịch vụ miền Nam khi có nhu cầu sử dụng trực thăng để phục vụ các chuyến bay phục vụ bán dầu, khảo sát địa chấn…

Thế Vinh