Vấn đề thanh khoản tại các ngân hàng đáng lo ngại trong thời gian tới?

19:27 | 03/05/2020

2,012 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hiện nhiều doanh nghiệp, tổ chức phải rút tiền gửi để trang trải cầm cự kinh doanh, trả định phí, trong khi người dân bị cắt giảm hoặc mất thu nhập do ảnh hưởng dịch Covid-19 cũng phải rút tiền gửi để chi tiêu. Vì thế, chuyên gia tài chính cho rằng, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, vấn đề thanh khoản của các ngân hàng rất đáng lo ngại.

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho biết, tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%).

Như vậy, theo số liệu huy động vốn trong các tổ chức tín dụng có tăng trưởng nhưng mức tăng lại chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh thực tế, nguồn lực dòng vốn tại doanh nghiệp và người dân đã giảm sút so với những năm trước.

Nguyên nhân của tình trạng trên được giải thích một phần do đã thành thông lệ, những tháng đầu năm, doanh nghiệp phải rút mạnh tiền để trả lương thưởng cuối năm cho nhân viên.

van de thanh khoan tai cac ngan hang dang lo ngai trong thoi gian toi
Nhiều doanh nghiệp, người dân phải rút tiền tiết kiệm để trang trải các chi phí hàng ngày

Bên cạnh đó, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp không thể sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận bằng không hoặc về mức âm, nên để trả tiền văn phòng, kho bãi, lương công nhân viên, nhiều cá nhân và doanh nghiệp phải rút tiền về để trang trải.

Mặt khác, theo phân tích của chuyên gia tài chính, thị trường tiền tệ trên thế giới nhiều xáo động cũng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tới các ngân hàng trong nước. Dù trong quý I, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định vẫn điều hành ổn định chính sách tiền tệ, trong đó có tỷ giá ngoại tệ dù thị trường thế giới có nhiều biến động, nguyên nhân chủ yếu nhờ lượng dự trữ ngoại hối hiện đã đạt 84 tỷ USD, nên có thể sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết. Nhưng trong quý I, tiền đồng (VND) đã giảm xấp xỉ 1%, nên nếu dịch bệnh kéo dài thì tiền đồng còn có thể mất giá nhiều hơn.

Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, tiền đồng có thể mất giá mạnh hơn do nguồn cung thị trường thiếu hụt, bởi khách du lịch sụt giảm, nhiều thị trường xuất khẩu lớn bị gián đoạn. Hơn nữa, các quỹ đầu tư nước ngoài bán tài sản trên thị trường cổ phiếu để rút tiền về cũng làm tăng sức ép đối với tỷ giá VND. Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ còn khó khăn hơn khi lượng kiều hối năm nay sẽ không đạt như năm trước, do kiều bào cũng gặp khó khăn khi làm ăn, sinh sống ở vùng dịch.

Thực tế, hiện nay thanh khoản các ngân hàng vẫn đang dư dả, nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục trong thời gian tới, thì tính thanh khoản của ngân hàng được dự báo sẽ chịu tác động mạnh, lượng tiền sẽ càng bị rút ra nhiều hơn do nhu cầu chi trả ngày càng lớn của khách hàng.

Trước tình hình trên, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh các giải pháp để huy động vốn. Cụ thể như việc hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm online. Theo biểu lãi suất huy động tiền đồng tại nhiều ngân hàng thương mại vào đầu tháng 5, mặt bằng lãi suất tiết kiệm online đang cao hơn 0,3-1,2%/năm so với lãi suất huy động tại quầy.

Biểu lãi suất được các ngân hàng niêm yết cho thấy, lãi suất tiết kiệm online tại hàng loạt ngân hàng như Techcombank, TPBank, Sacombank, VIB, MSB, VietBank, VietABank hay BaoVietBank đều cao hơn lãi suất thông thường từ thấp nhất 0,1% đến cao nhất 0,6%/năm.

So với mặt bằng chung, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mức lãi suất tiết kiệm online cao hơn. Trong khi lãi suất tiền gửi thông thường các kỳ hạn 6-13 tháng có lãi suất tăng dần 7,1-7,7%/năm, lãi suất tiết kiệm online ở các kỳ hạn tương ứng lại tăng lên từ 8,21% đến 8,76%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), lãi suất tiết kiệm online thậm chí còn cao hơn lãi suất tiết kiệm thông thường tại quầy 0,5-1,2%/năm. Theo đó lãi suất tiết kiệm online các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng hiện được ngân hàng này trả tới 8,0-8,3%/năm và là số ít các ngân hàng đang trả lãi suất trên 8%/năm.

Để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, NHNN đã ban hành văn bản đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ.

Các ngân hàng thương mại đến nay triển khai liên tiếp nhiều chương trình miễn giảm phí chuyển mạch trong năm 2020 gồm miễn phí dịch vụ công và miễn/giảm lên đến 72% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống và miễn/giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho giao dịch từ trên 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng, đến hết ngày 31/12.

M.T

van de thanh khoan tai cac ngan hang dang lo ngai trong thoi gian toiCMCN 4.0 hỗ trợ “xanh” hóa các hoạt động ngân hàng
van de thanh khoan tai cac ngan hang dang lo ngai trong thoi gian toiNgân hàng ồ ạt chào bán nhà, thiết bị máy móc, ô tô và ... vỏ bình gas
van de thanh khoan tai cac ngan hang dang lo ngai trong thoi gian toiGiá trị giao dịch số hóa tăng giúp nhiều ngân hàng duy trì tăng trưởng trong mùa dịch