CMCN 4.0 hỗ trợ “xanh” hóa các hoạt động ngân hàng

13:00 | 29/04/2020

523 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tạo ra những bước nhảy vọt, không chỉ giúp hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm nhiều chi phí mà còn hỗ trợ “xanh” hóa các hoạt động.

Ngân hàng không giấy

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Từ đó đã tạo hiệu ứng tích cực ban đầu trong tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Để thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về việc thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

cmcn 40 ho tro xanh hoa cac hoat dong ngan hang
Nhiều ngân hàng đẩy mạnh phát triển "tín dụng xanh"

Tiếp đó, Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cũng đã được NHNN ban hành.

Nhằm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, nhiều ngân hàng đã xem việc áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của ngân hàng như là một giải pháp hữu hiệu nhất. Nhiều chuyên gia đánh giá cuộc CMCN 4.0 đang tạo ra những bước nhảy vọt, không chỉ giúp hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm nhiều chi phí mà còn hỗ trợ “xanh” hóa các hoạt động.

Hiện nay, các ngân hàng đang phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử - một trong những hoạt động làm xanh hóa hoạt động ngân hàng. Đã có hàng chục ngân hàng thương mại đang cung ứng dịch vụ Internet banking, cung ứng dịch vụ Mobile banking và nhiều tổ chức trung gian cung ứng các dịch vụ thanh toán điện tử.

Tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới 10%, đến cuối năm 2025 con số này giảm xuống còn 8%.

Chính vì vậy, các ngân hàng cần phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng… Đặc biệt, xu hướng “ngân hàng không giấy” sẽ trở nên phổ biến, dẫn đến giảm dần vai trò của các chi nhánh ngân hàng.

Hiện nay, các ngân hàng đang rất chú trọng đến việc chuyển đổi số. Thậm chí, một số ngân hàng nêu vấn đề chuyển đổi số với tinh thần rất cao, đó là “tồn tại hay không tồn tại”. Trong đó, có thể điểm một số cái tên như: Vietcombank, TPBank, VPBank, Techcombank…

Lãnh đạo Vietcombank từng phát đi một thông điệp trong nội bộ “chuyển đổi số hay là chết” để đảm bảo tinh thần này “thấm” đến toàn bộ nhân viên.

Hưởng ứng mạnh mẽ chiến lược tăng trưởng xanh, Sacombank là cái tên được nhắc đến nhiều khi không chỉ triển khai dịch vụ thanh toán hóa đơn điện tử mà ngân hàng này cũng đã trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam dừng hoàn toàn cấp mã pin thẻ bằng hình thức in ra giấy để góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời, tiết kiệm chi phí, thời gian và hạn chế rủi ro.

Nằm trong xu hướng ngân hàng 4.0, ứng dụng mCard do Sacombank phát hành có thể xem như là một dạng ví thẻ tạo ra những trải nghiệm mới mẻ về sự tiện ích, hiện đại và an toàn bảo mật trong giao dịch thanh toán, giúp người dùng tiết kiệm thời gian và góp phần giảm thiểu những thủ tục giấy tờ truyền thống.

Thúc đẩy phát triển tín dụng xanh

Ngành Ngân hàng đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư; định hướng nguồn lực tài chính vào những lĩnh vực xanh; hạn chế dòng vốn vào những dự án gây ảnh hưởng tới môi trường; góp phần thúc đẩy các khách hàng vay vốn chuyển đổi dự án và mục đích sử dụng vốn vay sang các dự án thân thiện với môi trường.

Theo số liệu thống kê của NHNN, với sự vào cuộc tích cực của hệ thống các tổ chức tín dụng, đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018; trong đó, dư nợ trung dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh. Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh chiếm 46% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 15% tổng dư nợ tín dụng xanh; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% tổng dư nợ tín dụng xanh và lâm nghiệp bền vững chiếm 5% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Các chính sách tín dụng xanh là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải độc hại, hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Hệ thống ngân hàng có thể góp phần hạn chế những rủi ro về mặt môi trường, xã hội, thông qua việc không cho vay vốn đối với những dự án gây ô nhiễm hoặc có tác động xấu tới môi trường và cuộc sống của người dân.

Để hạn chế rủi ro, thời gian qua nhiều ngân hàng đã chuyển đổi hoạt động sang sử dụng nền tảng công nghệ hiện đại. Áp dụng công nghệ trong việc quản lý dữ liệu thông tin giúp hạn chế nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đặc thù hoạt động ngân hàng là hoạt động then chốt của nền kinh tế. Thông qua hoạt động ngân hàng có thể tác động tới hầu hết các thành phần và lĩnh vực của nền kinh tế. Vì vậy, với quyết tâm của ngành Ngân hàng, tính "xanh" có thể được lan tỏa hiệu quả và rộng khắp tới hầu hết mọi hoạt động và lĩnh vực của nền kinh tế.

Ứng dụng rộng rãi ngân hàng xanh, trong giai đoạn đầu, sẽ phát sinh chi phí phụ trội cho mỗi ngân hàng. Vì vậy, không dễ gì để tất cả đối tác tham gia cung ứng dịch vụ ngân hàng đều tự giác triển khai ngân hàng xanh. Cùng với kế hoạch xây dựng khuôn khổ pháp lý có tính hiệu lực cao điều tiết ngân hàng xanh, chương trình phổ cập thông tin và nhận thức về ngân hàng xanh cần được triển khai rộng khắp, trở thành nét văn hóa của cộng đồng, sẽ quyết định tiến độ và mức độ thành công của chiến lược triển khai ngân hàng xanh.

M.T

cmcn 40 ho tro xanh hoa cac hoat dong ngan hangCần đặt mục tiêu cho chính sách tín dụng xanh
cmcn 40 ho tro xanh hoa cac hoat dong ngan hangCòn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng xanh
cmcn 40 ho tro xanh hoa cac hoat dong ngan hangPhát triển tín dụng xanh qua cách tiếp cận tổng thể và có hệ thống