35 năm Trung-Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao:

Vai trò của “Ngoại giao bóng bàn”

13:26 | 06/09/2014

2,086 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 4-9, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều đã tiếp cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhân dịp 2 nước kỷ niệm 35 năm ngày Trung-Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lý Nguyên Triều nhấn mạnh, 2 nước cần thực hiện nghiêm chỉnh nhận thức chung quan trọng đã đạt được giữa lãnh đạo hai nước, kiên định xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ, kiên trì phương châm không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng, thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ phát triển một cách lành mạnh trong tương lai.

Ông Jimmy Carter với tư cách là người chứng kiến sự phát triển quan hệ Mỹ-Trung cho rằng, sẵn sàng tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy mối quan hệ này.

Hơn 13 năm trước (24-3-2001), Phó Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Tiền Kỳ Tham đã kết thúc chuyến thăm Mỹ (từ 18 đến 24-3-2001) một cách khá thành công. Bởi ngoài việc mời được cả Tổng thống George W.Bush và Ngoại trưởng Collin Powell thăm Trung Quốc trong năm 2001, ông Tiền Kỳ Tham còn buộc Mỹ tuyên bố tiếp tục duy trì chính sách “1 nước Trung Quốc”, tạm ngừng bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan.

Trước cuộc gặp giữa Tổng thống George W.Bush với Phó Thủ tướng Tiền Kỳ Tham (22-3-2001), tối 18-3-2001, tại nhà số 6 khu nhà khách Điếu Ngư Đài, Trung Quốc đã kỷ niệm trọng thể 30 năm “Ngoại giao bóng bàn” Trung-Mỹ bằng bữa tiệc lớn với sự có mặt của Phó Thủ tướng Lý Lam Thanh, cựu Ngoại trưởng Kissinger cùng nhiều quan chức cấp cao khác của Trung Quốc và Mỹ.

Cũng tại buổi lễ kỷ niệm kể trên, ông Lý Lam Thanh đã có trận thi đấu bóng bàn vui vẻ với cựu Ngoại trưởng Kissinger. Buổi lễ kỷ niệm 30 năm “Ngoại giao bóng bàn” được tổ chức tại đúng địa điểm 30 năm trước, ông Kissinger đã có chuyến thăm bí mật Trung Quốc để khai thông mối quan hệ Trung-Mỹ.

Vai trò của “Ngoại giao bóng bàn”

Phó Chủ tịch Trung Quốc  Lý Nguyên Triều phát biểu tại buổi chiêu đãi kỷ niệm 35 thiết lập quan hệ Ngoại giao

Sau khi nhận được những tín hiệu tích cực từ Mỹ, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng bắt đầu hành động. Tháng 4-1978, khi tiếp đoàn đại biểu Nhật Bản sang thăm Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã phát tín hiệu cho Mỹ - Bắc Kinh sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với Washington.

Sau đó (ngày 4-12-1978), Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Hàn Niệm Long đã nói với ông Woodcok, Chủ nhiệm văn phòng liên lạc Mỹ tại Trung Quốc rằng, Chính phủ Trung Quốc đã xem xét đề nghị của Tổng thống Jimmy Carter, đồng ý lấy ngày đầu năm 1979 là ngày bình thường hoá quan hệ Trung-Mỹ. Và ngày 13-12-1978, Đặng Tiểu Bình sẽ tiếp ngài! Woodcok dường như không tin vào tai mình nên đã yêu cầu ông Hàn Niệm Long nói lại một lần nữa.

Ngay sau đó thông tin này được hoả tốc báo cáo lên Tổng thống Jimmy Carter. Sau khi xem xét kỹ lưỡng những báo cáo của Woodcok, Tổng thống Jimmy Carter đã quyết định mời Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ trong tháng 1-1979. Chính phủ Mỹ cho rằng, đã đến lúc xem xét thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ngày 14-12-1978, Đặng Tiểu Bình tiếp Woodcok, Chủ nhiệm văn phòng liên lạc Mỹ tại Trung Quốc (chậm 1 ngày so với dự kiến ban đầu). Tại cuộc tiếp kiến, Woodcok đã thay mặt Tổng thống Jimmy Carter chính thức mời Đặng Tiểu Bình sang thăm Mỹ.

Tổng thống Jimmy Carter cảm thấy hơi sửng sốt khi biết Đặng Tiểu Bình nhận lời thăm Mỹ một cách chóng vánh. Một trong những thoả thuận được coi là quan trọng nhất giữa lãnh đạo cấp cao Trung-Mỹ là Washington thừa nhận lập trường của Bắc Kinh: “1 nước Trung Quốc; Đài Loan là một phần của Trung Quốc”. Khi tiến hành bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, Mỹ phải lập tức cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan; lấy ngày 1-1-1979 là ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ… Nhưng để có thoả thuận kể trên, Tiến sỹ Kissinger đã phải thực hiện những chuyến công du bí mật, rất ít người biết.

Vai trò của “Ngoại giao bóng bàn”

Phó Chủ tịch Trung Quốc  Lý Nguyên Triều tiếp cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter

Sau khi thăm và thi đấu thành công, đoàn bóng bàn Mỹ đã rời Trung Quốc hôm 17-4-1971. Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đã nhân sự kiện này để thúc đẩy việc bình thường hoá quan hệ Trung-Mỹ. Để thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Mỹ, ngày 21-4-1971, Thủ tướng Chu Ân Lai một lần nữa thông qua “kênh liên lạc bí mật tại Pakistan” để mời Tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc. Ngày 27-4-1971, Đại sứ Pakistan tại Mỹ đã trao cho Tiến sỹ Kissinger thư mời của Thủ tướng Chu Ân Lai.

Ngay sau khi nhận được thư của Thủ tướng Chu Ân Lai, Tiến sỹ Kissinger lập tức báo cáo ngay với Tổng thống Nixon. Khi bàn đến việc cử người đi Bắc Kinh, Nixon trầm ngâm nói: "Tôi không muốn có sơ suất trong giai đoạn bắc cầu này, nên quyết định cử anh đi Trung Quốc". Kissinger vô cùng kinh ngạc trước quyết định của Nixon, nhưng vẫn khẩn trương chuẩn bị cho chuyến đi. Ngày 28-4-1971, Kissinger đã nhờ Tổng thống Pakistan thông báo với Thủ tướng Chu Ân Lai biết ý kiến của Mỹ - tất cả mọi liên hệ chính thức giữa Trung Quốc và Mỹ tạm thời thông qua “kênh Pakistan”.

Trước khi lên đường sang Trung Quốc, Kissinger đã đọc rất nhiều sách triết học, lịch sử, nghệ thuật của Trung Quốc. Ngày 3-5-1971, Kissinger điện cho ông Frank, Đại sứ Mỹ tại Pakistan: "Vì lý do bí mật nên ngài lập tức trở về Mỹ để hội đàm với tôi. Cuộc hội đàm giữa chúng ta chỉ giới hạn trong 3 người: Tôi, anh và Tổng thống”. Mặc dù tỏ ý nghi hoặc về nội dung bức điện mật, nhưng Frank vẫn bay ngay về Mỹ để gặp Kissinger. Ngày 10-5-1971, ông Kissinger chuyển cho Thủ tướng Chu Ân Lai (qua kênh Pakistan) bức thư của Tổng thống Nixon. Ngày 2-6-1971, Thủ tướng Chu Ân Lai phúc đáp thư cho Kissinger.

Sau khi nhận được thư của Thủ tướng Chu Ân Lai, Kissinger cảm thấy nhẹ nhõm như trút đi một gánh nặng, còn Tổng thống Nixon thì coi đó là bức thư quan trọng nhất nhận được từ sau Đại chiến thế giới lần thứ 2. Ngày 28-6-1971, trên trang nhất tờ New York Times đăng tin, Kissinger có khả năng được chọn làm Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh. Tại cuộc họp báo ngày 30-6-1971, thư ký báo chí Nhà Trắng tuyên bố: Từ 2 đến 5-7-1971, Tổng thống Nixon sẽ cử Tiến sĩ Kissinger tới miền Nam Việt Nam để điều tra tình hình,sau đó sẽ Paris để hội đàm với Đại sứ Mỹ tại Pháp, có ghé qua Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan để hội đàm với quan chức của các nước này.

Để chuẩn bị đón tiếp Kissinger, Thủ tướng Chu Ân Lai đã thành lập Ban chỉ đạo do Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Ngoại trưởng Diệp Bằng Phi và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Hoàng Hoa phụ trách. Để đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận và những người tò mò, Kissinger đã tạo ra các hoạt động nguỵ trang như ở Sài Gòn 3 ngày, New Dehli 2 ngày... Tới mỗi nơi, Kissinger đều nói về sự kiện “ngoại giao bóng bàn” giữa đội bóng bàn hai nước Trung-Mỹ và Washington phải tiếp cận với Bắc Kinh hơn.

16 giờ 30 phút ngày 9-7-1971, Thủ tướng Chu Ân Lai đến tầng 5 Điếu Ngư Đài gặp Kissinger và khi bắt tay Tiến sĩ, ông đã nói: "Đây là cái bắt tay đầu tiên của quan chức cấp cao Trung-Mỹ hơn 20 năm qua. Kissinger cũng không hổ danh là nhà ngoại giao lão luyện: "Điều đáng tiếc là cái bắt tay lần này chưa được công khai chính thức, nếu không, cả thế giới đều kinh hoàng". Sau cái bắt tay đó, Kissinger giới thiệu với Thủ tướng Chu Ân Lai từng người trong đoàn. Điều khiến Kissinger kinh ngạc là Thủ tướng Chu Ân Lai biết rất rõ về từng trợ lý của mình. Tham gia hội đàm, về phía Trung Quốc có Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Hoàng Hoa, Trương Văn Phổ, Hùng Hướng Huy, Vương Hải Dung, Đường Văn Sinh.

23 giờ 20 phút ngày 9-7-1971, cuộc hội đàm đầu tiên kết thúc trong bầu không khí khá vui vẻ. Ngay sau khi cuộc hội đàm kết thúc, Thủ tướng Chu Ân Lai vội đến Trung Nam Hải báo cáo với Chủ tịch Mao Trạch Đông về tình hình đàm phán. Các cuộc hội đàm sau đó đã diễn ra khá suôn sẻ và trên đường ra sân bay, Kisinger nói với Nguyên soái Diệp Kiếm Anh: "Tôi mang hy vọng đến và mang tình hữu nghị về. Tất cả những kết quả đạt được đều vượt dự kiến ban đầu, tôi đã hoàn thành tốt đẹp sứ mệnh bí mật của mình". Chuyến đi của Kissinger chỉ kéo dài 48 tiếng và rời Bắc Kinh đúng 12 giờ 20 phút ngày 11-7-1971

Phù Lưu-Tiên Du