Vai trò của LNG trong an ninh năng lượng của Myanmar

10:00 | 14/07/2023

273 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiệt điện khí và thủy điện là hai nguồn cung cấp tuyệt đại đa số sản lượng điện tại Myanmar. Riêng khí tự nhiên cung cấp 43,7% tổng lượng điện của Myanmar năm 2019.
Vai trò của LNG trong an ninh năng lượng của Myanmar
Biểu đồ mức tiêu thụ năng lượng tại Myanmar

Tiêu thụ năng lượng ở Myanmar

Từ năm 2012, Myanmar có mức tăng trưởng kinh tế bình quân là 7%/năm, nhưng theo CCI France International chỉ ra, "đây chủ yếu là hiệu ứng bắt kịp, sau thời gian dài bị cô lập về chính trị và kinh tế của đất nước từ năm 1962 đến năm 2011". Sự tăng trưởng này được phản ánh thông qua mức tăng trưởng trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tiêu thụ tăng hơn 70% trong giai đoạn 2010 - 2018, đạt 23,8 Mtoe (triệu tấn dầu tương đương) vào năm 2018.

Theo dữ liệu mới nhất của IEA cho năm 2018, mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Myanmar là gần 45,7%, chủ yếu dựa trên sinh khối và chất thải. Tiếp theo là dầu mỏ (chiếm 28,6% cơ cấu năng lượng năm 2018), khí đốt tự nhiên (17,1%), thủy điện (5,0%) và than đá (3,6%).

Cần lưu ý rằng mức tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người của Myanmar là 0,44 toe (tấn dầu tương đương) vào năm 2018 (dân số nước này là 55 triệu người), so với mức trung bình 1,88 toe đầu người trên toàn thế giới vào năm đó.

Vai trò của LNG trong an ninh năng lượng của Myanmar
Khí tự nhiên cung cấp 43,7% tổng lượng điện của Myanmar năm 2019

Nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn ở châu Á

Myanmar có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào (đặc biệt là khí đốt tự nhiên và thủy điện). Quốc gia này có trữ lượng khí đốt đã được chứng minh là 1.200 tỷ m3 vào cuối năm 2019, tức 0,6% trữ lượng toàn cầu.

Vào năm 2019, nước này khai thác 17,1 tỷ m3 khí đốt (0,4% sản lượng thế giới), xuất khẩu gần 2/3 sản lượng này sang các nước láng giềng (chủ yếu là Thái Lan, với một phần nhỏ sang Trung Quốc). Như vậy, Myanmar trở thành nước xuất khẩu khí đốt lớn thứ 3 ở châu Á, chỉ sau Malaysia và Indonesia (và là nước dẫn đầu châu Á về xuất khẩu khí đốt bằng đường bộ). Bên cạnh đó, Myanmar cũng là nước nhập khẩu ròng dầu mỏ, do năng lực khai thác nội địa không cao.

Theo ông Éric Mottet - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dữ liệu Đông Á tại Đại học Quebec ở Montreal (UQAM): “Myanmar hiện có 4 mỏ khí ngoài khơi đang được khai thác. Thái Lan và Nhật Bản (PTTEP, Mitsui) nắm cổ phần trong những mỏ này. Trước đây, khi nhu cầu năng lượng trong nước vẫn còn yếu, chính quyền quân sự Myanmar đã ký nhiều hợp đồng cung cấp dài hạn với Trung Quốc và Thái Lan. Chính phủ sử dụng nguồn khí đốt như một phương tiện để thu ngoại tệ”.

Vào năm 2020, “chính phủ đã cấp phép cho tập đoàn năng lượng PTTEP của nhà nước Thái Lan đầu tư 2 tỷ USD vào việc phát triển những mỏ khí tự nhiên, xây dựng các nhà máy điện (600 MW), một đường ống dẫn khí dài 370 km nối từ mỏ khí đến nhà máy điện, và một đường dây tải điện đi từ nhà máy đến Yangon (thủ đô của Myanmar)". Ngoài ra còn có “những thỏa thuận với Total và tập đoàn Woodside Energy của Úc về việc vận hành những mỏ khí ngoài khơi và xây dựng đường ống dẫn khí (bắt đầu sản xuất vào năm 2023-2024)”. Myanmar từng dự định sẽ tổ chức “đấu thầu quốc tế cho 15 mỏ khí đốt ngoài khơi và 18 mỏ khí đốt trên đất liền trong thời gian sớm”.

Nhưng kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính vào ngày 1/2/2021, theo lời nhấn mạnh của ông Éric Mottet: “Một số công ty đã tuyên bố hủy bỏ dự án đầu tư tại Myanmar. Cụ thể là trường hợp của Amata (Thái Lan) và Suzuki với ANA (Nhật Bản) - những quốc gia hiện vẫn đang hiện hữu rất nhiều trong lĩnh vực năng lượng ở Myanmar. Do đó, rất có khả năng cộng đồng quốc tế sẽ bỏ rơi ngành năng lượng Myanmar và thiết lập những biện pháp trừng phạt quốc tế đối với chính quyền quân sự. Điều này sẽ đẩy đất nước vào vòng tay của Trung Quốc và Con đường tơ lụa mới (Sáng kiến ​​​​Vành đai và Con đường). Trong sáng kiến này, năng lượng là thành phần rất quan trọng, nhất là để vận hành hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar (đường ống dẫn khí và dầu, đập thủy điện, năng lượng mặt trời)”.

Sản xuất điện năng ở Myanmar

Mục tiêu giúp tất cả mọi người tiếp cận điện vào năm 2030 vẫn còn xa vời đối với Myanmar (chỉ có 66,3% dân số Myanmar có điện để sử dụng vào năm 2018, theo Ngân hàng Thế giới). Mức tiêu thụ điện bình quân đầu người ở quốc gia này thuộc hàng thấp nhất châu Á (chưa đến 350 kWh so với mức bình quân 1.380 kWh của khu vực ASEAN năm 2018, theo Enerdata).

Theo ông Éric Motte, vấn đề năng lượng là "chủ đề trọng tâm trong chiến dịch bầu cử năm 2020" tại một quốc gia với "nhu cầu điện tăng 15 - 16%/năm và tăng gấp 4 lần trong giai đoạn năm 2003-2018". Ông nói: “Chính quyền của bà Aung San Suu Kyi đã không có nhiều nỗ lực để thúc đẩy năng lực sản xuất kể từ khi nhậm chức; hầu hết những dự án đều do chính quyền quân sự khởi xướng. Tương tự, lĩnh vực thủy điện hầu như không thu hút được đầu tư nước ngoài, mặc dù đã có vài thỏa thuận sơ bộ với các nước như Trung Quốc, Pháp, Na Uy, Áo và Singapore”.

Hiện nay, phần lớn sản lượng điện của Myanmar dựa trên hai lĩnh vực: thủy điện (47,1% trong tổng sản lượng điện quốc gia năm 2019) và khí đốt tự nhiên (43,7%). Đất nước "hiện có 20 nhà máy điện chạy bằng khí đốt và 62 nhà máy thủy điện, cũng như một nhà máy nhiệt điện than". Theo ông Éric Mottet: "Tiến độ đô thị hóa và công nghiệp hóa của đất nước và năng lượng thủy điện - từng là nguồn năng lượng chính trong nước” vẫn chưa đủ để đáp ứng lượng nhu cầu không ngừng gia tăng, “dù rằng còn nhiều tiềm năng lớn vẫn chưa được khai thác”.

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Myanmar 2040 do Bộ Năng lượng Myanmar và Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN (ERIA) công bố, tác giả cũng nhấn mạnh rằng sản lượng khí đốt của nước này sẽ giảm trong hai thập kỷ tới. Kèm theo đó, họ còn dự đoán rằng “quốc gia sẽ bắt đầu nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng vào năm 2020”. Đáng chú ý, điện năng chỉ chiếm 8% mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng ở Myanmar vào năm 2018 (so với 19,3% trên toàn thế giới).

Vai trò của LNG trong xã hội loài người hiện nayVai trò của LNG trong xã hội loài người hiện nay
Trung Quốc ráo riết tìm kiếm mua khí đốt tự nhiênTrung Quốc ráo riết tìm kiếm mua khí đốt tự nhiên
Châu Âu thiết lập kỷ lục mới về nhập khẩu LNGChâu Âu thiết lập kỷ lục mới về nhập khẩu LNG
Trung Quốc dẫn đầu trong ký kết các thỏa thuận LNG dài hạnTrung Quốc dẫn đầu trong ký kết các thỏa thuận LNG dài hạn
LNG của Mỹ: Cạm bẫy mới chờ EULNG của Mỹ: Cạm bẫy mới chờ EU

Ngọc Duyên

AFP