Ứng dụng CNTT: Giảm tải cho bệnh viện, giảm chi phí cho bệnh nhân

16:27 | 16/11/2011

709 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ứng dụng CNTT tại các bệnh viện hiện nay là công cụ hỗ trợ tích cực cho công tác khám chữa bệnh. Đặc biệt CNTT hỗ trợ các bệnh viện tuyến Trung ương giảm tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân, giảm chi phí điều trị...

BV 175 TPHCM tiến hành hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật về ca sinh mổ cho các BS của huyện đảo Trường Sa, thông qua truyền hình trực tuyến

Hiện nay, trong lĩnh vực y tế CNTT đã hỗ trợ cho việc triển khai và ứng dụng thành công kỹ thuật cao trong các hoạt động khám chữa bệnh: chụp cắt lớp, mổ nội soi, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo E-learning, y tế điện tử,…

Những dịch vụ CNTT bước đầu đã hình thành các mô hình bệnh viện không giấy tờ, nhiều bệnh viện đã áp dụng các chương trình phần mềm trong các công tác quản lý văn bản, quản lý thuốc, khám chữa bệnh…Điều này giúp cải cách thủ tục hành chính bao gồm các công tác về đón tiếp bệnh nhân, thu phí, chỉ định xét nghiệm…

Tại hội thảo Phát triển ứng dụng Công nghệ Thông tin – Viễn thông (CNTT-VT) đối với ngành Y tế do tập đoàn VNPT và Bộ Y tế và các bệnh viện, các cơ sở y tế trên toàn quốc tổ chức ngày 15/11, nhiều đại diện của các bệnh viện đã đề cập đến vai trò và việc ứng dụng CNTT tại các bệnh viện hiện nay:

Sát cánh bên nhau vì cộng đồng

Bác sỹ Lê Thanh Ni, chuyên khoa 2, Trưởng phòng Truyền thông và kỹ năng lâm sàng, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM: Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những đơn vị đã áp dụng CNTT vào hoạt đồng từ nhiều năm nay. Năm 2011, bệnh viện này cũng đã thử nghiệm hệ thống hội chẩn trực tuyến chẩn đoán hình ảnh và tiêu biểu giải phẫu bệnh…

Y học từ xa là một trong những phương pháp để chia sẻ kinh nghiệm, góp phần giảm bệnh nhân chuyển viện; góp phần thành công Đề án 1816 của Bộ Y tế đưa ra. Về CNTT-VT cũng như Y tế phải cùng hỗ trợ nhau hơn, sát cánh bên nhau vì cộng đồng.

PGS. TS. Phạm Minh Thông, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Phổ cập trực tuyến

PGS. TS. Phạm Minh Thông, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Hiện Bệnh viện Bạch Mai có 8 bệnh viện vệ tinh. Tương lai, chúng tôi mong muốn kết nối hơn nữa với các bệnh viện khác. Bệnh viện và Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị thực hiện hội nghị trực tuyến. Sẽ kết nối Bộ Y tế với Bệnh viện Bạch mai, kết nối với các bệnh viện khác. Và như vậy, phổ rộng trực tuyến ở nhiều bệnh viện, trực tuyến giữa Bộ Y tế với tất cả các bệnh viện Trung ương, bệnh viện địa phương, bất kỳ một hội thảo, hội nghị nào ở đâu thì tại các tỉnh đều có thể tham dự. Điều này sẽ rất tốt.

Tất cả các hội thảo, hội nghị trực tuyến đây là một phần của Telemedicine. Còn rất nhiều ứng dụng của Telemedicine nữa chúng ta sẽ cố gắng triển khai trong tương lai.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Trưởng phòng CNTT, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương

Ông Nguyễn Thế Vinh, Trưởng phòng CNTT, Bệnh viện Nhi Trung ương: Hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện nhi trung ương tạo cơ hội cho nhân viên y tế được học tập, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức chẩn đoán và khám chữa bệnh.

Cùng với đó là tạo cơ hội cho các bệnh nhân được tư vấn, chẩn đoán, khám chữa bệnh bởi các chuyên gia hàng đầu và quốc tế; Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ trẻ em, giảm chi phí điều trị; Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức với đồng nghiệp trong và ngoài nước. Mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo cho các cán bộ y tế và phát triển hợp tác quốc tế.

Hiện nay, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là khám chữa bệnh không còn là vấn đề mới tại Việt Nam. Do vậy, rất cần sự kết nối lại trên cùng một hệ thống để tạo thuận lợi hơn cho bác sĩ và bệnh nhân, đặc biệt trong bố cảnh các bệnh viện tuyến Trung ương đang trong tình trạng quá tải thì việc ứng dụng CNTT thiết lập kênh thông tin hỗ trợ trực tuyến cho các bệnh viện vệ tinh là nhu cầu cấp thiết.