Ukraine nhăm nhe lật đổ Nga trên mặt trận mới

14:00 | 16/10/2015

3,812 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ukraine sắp có một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nước này dự định biến nơi đây thành một “mặt trận mới” để chống lại nước láng giềng Nga.
tin nhap 20151016111003
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin

Cuộc bỏ phiếu bầu các thành viên mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc diễn ra ngày hôm 15/10 được cho là sẽ không có điều gì bất ngờ. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có màn bắn pháo hoa ăn mừng khi Ukraine giành được một ghế trong cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc – nơi đối thủ Nga đang giữ một ghế thành viên thường trực.

Cuộc bỏ phiếu chọn các thành viên mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm nay không có sự cạnh tranh bởi có 5 ứng cử viên cho 5 chiếc ghế thành viên không thường trực.

Yêu cầu duy nhất đối với các ứng cử viên gồm Ukraine, Ai Cập, Nhật Bản, Senegal và Uruguay là các nước này phải giành được số phiếu ủng hộ của 2/3 trong tổng số 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc. Vì thế, việc 5 nước trên được bầu là gần như chắc chắn và họ sẽ tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong nhiệm kỳ 2 năm, bắt đầu từ ngày 1/1 năm tới.

Tuy nhiên, vẫn có những chiến dịch vận động tranh cử mạnh mẽ, đặc biệt là với Ai Cập. Ai Cập đã mời đại sứ các nước tại Liên Hợp Quốc đến thăm nước này trong mùa hè và tổ chức một bữa tiệc tối hoành tráng hôm 13/10 vừa rồi cho khoảng 500 khách, trong đó có tất cả các đại sứ và phu nhân của họ. Bữa tiệc này được tổ chức tại Đền thờ Dendur ở Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan – một món quà mà chính phủ Ai Cập dành tặng cho Mỹ năm 1965.

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cũng có mặt ở New York trong tuần này và có cuộc gặp gỡ với đại sứ các nước tại Liên Hợp Quốc. Ông Klimkin công khai thể hiện cho báo giới biết, sẽ không có chuyện hoà giải trong mối quan hệ giữa Ukraine với nước láng giềng Nga sau khi xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga và vì những cáo buộc cho rằng Moscow can thiệp chính trị, quân sự vào khu vực miền đông Ukraine.

Có tin đồn cho rằng Nga đang lặng lẽ vận động các nước không bỏ phiếu cho Ukraine nhưng Ngoại trưởng Klimkin cho biết, ông này “rất lạc quan” về cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay.

"Việc được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đóng vai trò đặc biệt quan trọng với chúng tôi trong bối cảnh Nga tiếp tục gây hấn, xâm lược đất nước chúng tôi”, Ngoại trưởng Klimkin đã nói như vậy với cánh phóng viên. Ông này còn thêm rằng, “đây là lần đầu tiên, chúng ta có một trường hợp chưa từng có và cũng không thể tưởng tượng nổi, đó là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trở thành kẻ đi xâm lược Ukraine, phát động một cuộc chiến tranh lai nhằm chống lại Ukraine”.

Không chỉ muốn trở thành một thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để chống lại Nga, Kiev còn muốn loại Nga ra khỏi vị trị thành viên trường trực của hội đồng này. Hồi tháng trước, Ukraine từng tiến hành một cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội đối với đề xuất đòi Liên Hợp Quốc tước quyền phủ quyết của Nga trong Hội đồng Bảo an.

Một số nước phương Tây từ lâu đã tỏ ra khó chịu với Nga khi nước này cùng với một thành viên có quyền phủ quyết khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Trung Quốc nhiều lần bỏ phiếu ngăn chặn việc thông qua các nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm áp đặt trừng phạt đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, Kiev đặc biệt nổi giận với Moscow khi nước láng giềng phá vỡ nỗ lực của họ trong việc lên án cái mà Kiev gọi là “cuộc xâm lược của Nga” dẫn đến cuộc xung đột khiến gần 8.000 người thiệt mạng ở miền đông Ukraine.

Nga miêu tả cuộc khủng hoảng kéo dài 18 tháng qua ở Ukraine là một “cuộc nội chiến” và khẳng định Moscow không đóng bất kỳ vai trò nào trong cuộc nội chiến đó.

Quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.

Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt 18 tháng qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.

Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.

Việc chính quyền Kiev đối đầu không khoan nhượng với Moscow được cho là một chính sách không có lợi. Một số nhà phân tích tin rằng, nếu biết tạo sự cân bằng trong chính sách, Kiev sẽ được hưởng lợi từ cả mối quan hệ với phương Tây lẫn với Nga.

Theo VnMedia