Tuyệt vời từ thế giới ảo…

06:58 | 15/04/2015

832 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc chia sẻ thông tin tưởng chừng là ảo trên các trang mạng xã hội nhưng hiệu quả lại không ngờ khi cả trăm tấn dưa của đồng bào Quảng Nam đã được đem đi tiêu thụ. Thêm một hiệu ứng tốt của “thế giới ảo” minh chứng rằng: Không có môi trường nào xấu, vấn đề là chúng ta có biết “gạn đục khơi trong” hay không mà thôi!

Năng lượng Mới số 413

Nút “like” cứu dân

Cuối tháng 3 vừa qua, cơn mưa lũ trái mùa kéo về đã khiến hàng nghìn tấn dưa của cho bà con nông dân tỉnh Quảng Nam chìm trong biển nước. Thảm cảnh hơn là trong khi số dưa “vớt vát” được còn đang ùn ứ ở cửa khẩu thì thương lái lại lợi dụng cơ hội ép giá… Điều này khiến nông dân Quảng Nam có nguy cơ “trắng tay”. Những thông tin này sau khi xuất hiện trên mạng xã hội đã khiến hàng nghìn trái tim của cư dân mạng trăn trở, làm sao để giúp đỡ bà con nơi đây và thế là phong trào “Mua dưa ủng hộ đồng bào Quảng Nam” được phát động.

Trên khắp các diễn đàn, trang cá nhân… đồng loạt đăng tải thông tin. Mỗi giây, mỗi phút những lời kêu gọi liên tục được “share” đi và nhận về hàng nghìn like, comment. Những nhóm tình nguyện, đội vận chuyển dưa miễn phí được thành lập chóng vánh và hừng hực nhiệt huyết lên kế hoạch nhanh nhất để chia sẻ giúp đỡ bà con.

Ban đầu phong trào được phát động từ Đà Nẵng, sau đó là Hà Nội và đến nay đã lan ra nhiều tỉnh, thành. Để rồi cả trăm tấn dưa được vận chuyển từ Quảng Nam về Hà Nội, rồi từ Quảng Nam đi các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Điện Biên, Phú Thọ, Quảng Ninh... cùng với thông điệp: “Một ngày ăn dưa, bà con Quảng Nam một mùa no đủ”.

Hơn một tuần qua, những chuyến xe chở dưa Quảng Nam lũ lượt về Hà Nội. Trên nhiều tuyến phố: Trần Duy Hưng, Nguyễn Xiển, Trương Định, Phạm Văn Đồng, Trần Nhân Tông, Cầu Diễn… đều trở thành những điểm bán dưa. Nhờ sự kêu gọi của cộng đồng mà thông tin bán dưa ủng hộ đồng bào Quảng Nam được lan truyền nhanh chóng. Rất nhiều tình nguyện viên sẵn sàng trợ giúp ban tổ chức vận chuyển dưa đến nơi tiêu thụ.

Những điểm có sức chứa cả chục tấn, tưởng chừng “ế ẩm” lại nhanh chóng “cháy hàng”, nhiều địa điểm dưa chưa kịp tiếp đất đã theo chân khách. Có người còn phải gọi điện đặt trước mà cũng không đến lượt, phải ra về chờ đợt sau. Và có lẽ cũng rất lâu rồi người dân Hà Nội mới lại thấy cảnh xếp hàng mua dưa, thậm chí là mua dưa trong đêm tối.

Người bán, tình nguyện viên và cả khách cùng phải chầu chực, mỗi khi xe dưa về người bán, tình nguyện viên và cả người mua đều trở thành “bốc vác” để chuyển dưa xuống nhanh chóng.

Trên các trang mạng xã hội rộn ràng hơn với hình ảnh người dân nô nức đi… mua dưa, rồi không ít những comment xúc động: “Trong lúc khó càng thấy tình yêu thương, đùm bọc sâu sắc của người Việt mình”, thậm chí đã có những giọt nước mắt đã rơi khi được chứng kiến cảnh tượng đó.

Tuyệt vời từ thế giới ảo…

Là một trong những tình nguyện viên đã theo sát chương trình “Mỗi quả dưa là một tấm lòng” suốt tuần qua, bạn Nguyễn Hoa Quỳnh (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) nói: “Mình thấy các bác nông dân khổ quá nên giúp được các bác chút nào hay chút đó. Những ngày qua được chứng kiến những tấm lòng hảo tâm đến mua dưa mình thấy rất vui. Đa phần người đến đều muốn mua số lượng lớn bởi mục đích của họ để ủng hộ bà con là chính. Dù mình đã làm rất nhiều chương trình từ thiện nhưng mình chưa thấy chương trình nào lại được người dân ủng hộ đến thế. Mình tin rằng biết được thông tin này bà con Quảng Nam cũng sẽ được an ủi”.

Vậy là từ một thông tin rồi những lời kêu gọi tưởng chừng chỉ là a dua theo trào lưu trên các trang mạng xã hội thì những nút “like” ảo lại biến thành hành động thực tế đầy nhân văn.

Tất cả ở hành động

Thực tế thì đây không phải là trường hợp đầu tiên được ủng hộ từ việc “share” tin trên các trang mạng xã hội. Mà trước đó mạng xã hội cũng đã là khởi nguồn cho nhiều trái tim được kết nối và rất nhiều số phận được giúp đỡ.

Trước đây đã có rất nhiều câu chuyện đẹp về hiệu ứng của mạng xã hội như: Một cô gái tìm được ân nhân, một chàng trai tìm lại được cha sau nhiều năm thất lạc, một người già neo đơn nay đã được bao bọc, một em bé nghèo đã được đến trường… Tất cả những con người ấy, những mảnh đời bất hạnh ấy đều được vơi bớt sự thống khổ nhờ vào một phương tiện mạng tên: Mạng xã hội.

Trên thực tế thì cùng với sự phổ biến của Internet và các mạng xã hội (facebook, twitter…) thì đã rất nhiều tổ chức tình nguyện biết cách tận dụng cơ hội để biến mạng xã hội thành “phương tiện” kêu gọi những người cùng chung chí hướng đi làm từ thiện. Bằng cách đưa ra những thông tin cụ thể về chương trình như: Địa điểm thực hiện, thời gian tổ chức và số tài khoản nhận tiền quyên góp cũng như thông tin liên lạc của các thành viên đại diện… lên fan page của nhóm và trang cá nhân của từng thành viên.

Còn nhớ, chính nhờ mạng xã hội mà Chương trình “Góp bánh Trung thu tặng trẻ em miền núi” của Câu lạc bộ Tình nguyện trẻ đã quyên góp được rất nhiều quần áo ấm, bánh, kẹo, đồ chơi… rồi cùng nhau chuyển đến tay các em học sinh xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Ngay như hoạt động của nhóm từ thiện Ấm (trên địa bàn Hà Nội), hiện tại cũng đều nhờ vào sự kết nối của mạng xã hội. Còn nhớ hình ảnh các bạn trẻ vượt qua cái rét căm căm của đêm lạnh Hà Nội đã tỏa đi khắp các nẻo đường Hà Nội, khệ nệ ôm theo những chiếc túi lớn có chăn, áo ấm và đồ ăn đến bên những người vô gia cư đã làm xúc động hàng triệu trái tim.

Gần đây nhất, hiệu quả từ việc sử dụng mạng xã hội mà Bộ trưởng Bộ Y tế đã có điều kiện tiếp cận với những bệnh nhân, những trường hợp cụ thể. Cũng từ chuyện công khai trang cá nhân mà Bộ trưởng đã giúp đỡ được người thân của những chiến sĩ có công với đất nước.

Điển hình là trường hợp em Phan Thị Trang, quê ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, con gái của liệt sĩ Phan Huy Sơn (cán bộ y tế của Binh chủng Hải quân hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma) đã có điều kiện cống hiến cho xã hội nhờ vị tư lệnh ngành y tạo điều kiện sắp xếp công việc.

Những câu chuyện trên chứng tỏ không phải tất cả những câu chuyện đi ra từ mạng xã hội, từ nút “like” đều là phù phiếm, mà trên thực tế nó là công cụ giúp cho tình người được lan tỏa. Nó cũng đi ngược lại với những lo ngại trước đây về mạng xã hội ảnh hướng tới lối sống của đông đảo công chúng đang ham mê với “đời sống ảo” này.

 Về điều này TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) nhận định: “Mạng xã hội phát triển là xu thế chung của thời đại, chúng ta không thể đi ngược lại xu thế đó. Trước nay cũng có rất nhiều ý kiến lo sợ sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội và cho rằng nó tác động tiêu cực đến lối sống của đại bộ phận giới trẻ.

Nhưng tôi cho rằng, sử dụng mạng xã hội tốt hay xấu phụ thuộc vào ý thức và hành động của người sử dụng. Nên thay vì coi nó là xấu thì mỗi người hãy biết hạn chế mặt tiêu cực mà tận dụng nó, biến nó thành hành động. Thực tế cũng đã có rất nhiều những điều tốt đẹp xuất phát từ mạng xã hội và nó cũng đang làm được nhiệm vụ cao cả là kết nối con người đến gần nhau hơn”.

Huyền Anh