Tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin

15:54 | 29/11/2023

1,557 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời công nghệ thông tin phát triển, mỗi người hãy là “nhà thông thái”, tỉnh táo phân tích, sàng lọc và lựa chọn thông tin để không sa bẫy, để quyết định, điều chỉnh hành vi của mình.
Tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin
Ảnh minh họa.

Từ lâu lắm rồi có câu chuyện nhiều người sang tai nhau gần như truyện dân gian vậy. Rằng, có một đám đông bất ngờ cụm lại, mỗi lúc mỗi đông, cùng ngửa cổ nhìn lên vòm cây cổ thụ. Người nọ hỏi người kia: Cái gì đấy? Có chuyện gì thế? À, có tổ chim, tổ quạ gì đó (!) Mãi sau, một chàng trai trẻ mặt mày tái dại, quay sang vị trán hói đứng bên: Bác cũng bị chảy máu cam như cháu à. Lúc ấy mọi người mới òa lên vì sự “ngớ ngẩn” của mình. Hóa ra cậu ấy phải đứng ngửa mặt là vì thế. Chả hề có cái “tổ” con chuồn chuồn nào ở trên cao ấy.

Thời nay “hội chứng” chảy máu cam vẫn tiếp diễn và có thể còn nặng hơn, nhanh hơn, bởi tác động của mạng xã hội. Hễ thấy một vài người bàn việc gì hoặc cùng làm việc gì đấy là y như rằng những người chung quanh bị tác động, bị hút vào vòng xoáy ấy. Đành rằng, đó là tâm lý tự nhiên của con người, nó có cả mặt tốt và mặt xấu. Trước những việc làm tích cực kéo theo được nhiều người học tập, làm theo, từ đơn lẻ mà lan rộng, từ chấm sáng nhỏ thành vầng sáng lớn, thế là tốt. Từng có những phong trào thi đua sâu rộng bắt đầu từ một việc làm tốt, rồi sau đó trở thành điển hình.

Thế nhưng, một con chim bay cả đàn nháo nhác. Mặt trái của tâm lý đám đông, hiệu ứng đám đông thì sao? Trước hết, nó tạo lực cản ghê gớm trong đời sống cộng đồng. Một chủ trương được đưa ra, có một vài người bàn chùn vì thấy chẳng có lợi lộc gì cho bản thân, thế là chung quanh dẫu không phản đối nhưng cũng bảo nhau thôi hẵng từ từ. Dần dần thì thành một “căn bệnh”: đùn đẩy, né tránh. Sợ sai, sợ khuyết điểm, lại không có khoản trích lợi nhuận to, thù lao nhỏ, thế là chẳng muốn động chân động tay vào việc.

Khởi đầu của tin đồn là những “lao xao”, sau đến “nhao nhao”, thành một làn sóng, sóng sau nối sóng trước. Bởi vậy cái cũ bám sâu vào đời sống như tắc kè bám đá, cái mới khó vào. Chuyện giải phóng mặt bằng làm đường sá, xây dựng khu công nghiệp, đụng đến đất đai thường gặp sự phản ứng dữ dội là vì thế.

Thời nay, thời internet phát triển, mạng xã hội rào rào phán xét về những chuyện mới, lạ, bất kể đã kiểm chứng hay chưa. Từ chuyện thế giới, Hamas tấn công Israel, Triều Tiên lại thử tên lửa đạn đạo, vụ sập hầm lò ở Ấn Độ... đến chuyện trong nước: “bác sĩ mạng” giả danh bán thuốc rởm, Ôsin bắt cóc trẻ em là con chủ nhà, chàng trai lấy vợ già hơn 30 tuổi, v.v.. Đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Nhiều người viết lên facebook, zalo, cứ như nhà điều tra xã hội học, thậm chí như quan tòa, phán “như đúng rồi”, quy chụp nặng nề. Họ “mắng” ông sếp nọ là ngu hết phần ngu của người khác. Họ bảo nếu họ có quyền thì sẽ tống ngay cha nọ cha kia vào “lò”. Họ dự báo, sắp tới sẽ căng đấy, theo chỗ tôi nắm được... Thế rồi hàng trăm, hàng nghìn người like, bình luận, chia sẻ. Cái thế giới ảo tạo nên hiệu ứng đám đông mới thật nhanh chóng, khủng khiếp! Nguy hiểm hơn là có tờ báo lại vô tư đăng theo mạng xã hội mà không hề kiểm tra thông tin.

Thế giới ảo dễ nảy sinh thói a dua, vô cảm. Hiệu ứng đám đông nếu không phải là những hiệu ứng tích cực thì sẽ tác động theo chiều ngược lại. A dua, ăn theo nói leo, nói cho sướng miệng “đổ phải nhà nào nhà nấy phải chịu”, gây nên không biết bao nhiêu phiền toái, oan ức cho người khác, mà khi khiếu nại, thanh minh xong, “được vạ thì má đã xưng”.

Trong thời kinh tế số, xã hội số, phải tận dụng những thành quả kỳ diệu do công nghệ thông tin mang lại. Không nên đổ lỗi cho “nhà mạng” , cho rằng đó là mảnh đất tốt để sinh ra các nhân vật tay nhanh hơn não. Kỹ thuật công nghệ dù hiện đại đến đâu cũng chỉ là công cụ. Tạo nên, kích hoạt, lan rộng hiệu ứng hoàn toàn do con người. Vì thế, mỗi người tiếp nhận thông tin phải là “nhà thông thái”, tỉnh táo phân tích, sàng lọc và lựa chọn thông tin để không sa bẫy, để quyết định, điều chỉnh hành vi của mình. Hơn thế, biết cách tác động, cung cấp, lý giải thông tin, bác bỏ những điều vu cáo, bịa đặt, từ đó có thể biến hiệu ứng xấu thành hiệu ứng tốt./.

Trẻ em - Nạn nhân của những thông tin xấu độcTrẻ em - Nạn nhân của những thông tin xấu độc

Hải Đường