Tương lai nào cho cường quốc dầu khí châu Phi Algeria?

19:26 | 05/04/2019

479 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Algeria, quốc gia đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng các nước có trữ lượng dầu mỏ nhiều nhất thế giới và thứ 3 châu Phi, đang trong quá trình chuyển giao quyền lực sau khi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức sau 20 năm cai trị.

Trong một nghiên cứu mới đây về ngành dầu mỏ Algeria, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) khẳng định rằng trữ lượng dầu đã được chứng minh vào đầu năm 2018 của Algeria là 12,2 tỷ thùng. Ngoài ra, Algeria cũng có tiềm năng lớn về khí đá phiến và các nguồn dự trữ nhiên liệu ngoài khơi khác. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2013, EIA đã báo cáo rằng Algeria có trữ lượng khí đá phiến lớn thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Argentina với khoảng 20,020 tỷ mét khối.

Là cường quốc về dầu khí nhưng nền kinh tế của Algeria rơi vào khủng hoảng trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi dầu khí mất giá vào năm 2014, khiến giới thanh niên thất nghiệp phải vượt biển tìm cuộc sống mới. Kinh tế nước này hiện phát triển theo mô hình của Liên Xô trước đây với công nghiệp nặng là chủ yếu.

tuong lai nao cho cuong quoc dau khi chau phi algeria
Người dân Algeria ăn mừng sự kiện Tổng thống Bouteflika từ chức

Sau 6 tuần chịu sức ép từ đường phố và quân đội, trong tuyên bố phát đi ngày 2/4, phủ tổng thống Cộng hòa Algeria nói rằng ông Abdelaziz Bouteflika sẽ từ chức trước ngày 28/4, thời hạn kết thúc nhiệm kỳ thứ 4 của ông. Ngay sau khi hay tin, hàng nghìn người dân đã xuống đường ăn mừng.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Algeria nổ ra vào giữa tháng 2 khi ông Bouteflika tuyên bố muốn tái cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 5 liên tiếp. Người dân và phe đối lập tại nước này đã xuống đường biểu tình rầm rộ yêu cầu ông Bouteflika rút lui vì cho rằng tình trạng sức khỏe của ông (2 lần bị đột quỵ) không đủ để lãnh đạo đất nước.

Nhưng sự ra đi của ông Bouteflika chỉ giúp người dân Algeria thở phào trong phút chốc vì việc chuyển giao quyền lực tại quốc gia này dự báo sẽ nhiều chông gai.

Về mặt chính thức, tổng thống đã thông báo với Hội đồng Hiến pháp chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống. Theo thủ tục, Hội đồng Hiến pháp đã phát động tiến trình chuyển tiếp ngay trong ngày 3/4 theo điều 102 Hiến pháp. Nhưng người dân Algeria phải chờ thêm ít nhất 90 ngày nữa mới biết đất nước này có thực sự sang trang hay không.

Trước khi từ chức, Tổng thống Algeria đã lập chính phủ mới với 8/28 thành viên nội các mới thuộc chính quyền cũ. Theo nhận định của luật sư Moustapha Bouchachi và cũng là một trong những lãnh đạo phong trào phản kháng thì đây là “bình mới rượu cũ”. Sự kiện Bouteflika từ chức không làm tình thế thay đổi. Phong trào xã hội muốn thay đổi triệt để, thành lập nền Cộng hòa thứ hai với những người mới hoàn toàn, không liên quan đến chính quyền hiện nay. Về quy trình, trước hết Hội đồng Hiến pháp phải đề xuất với Quốc hội tuyên bố “tình trạng tổng thống mất khả năng”, sau đó chủ tịch Thượng viện tạm lên thay trong 45 ngày, gia hạn tối đa thêm 45 ngày, để tổ chức bầu lại tổng thống. Thế nhưng, sức khỏe của chủ tịch Thượng viện Abdelkader Bensala, 77 tuổi, khá suy sụp vì bệnh nặng, có thể gây ra nhiều vấn đề, có thể bị lợi dụng và bị lèo lái theo tương quan lực lượng trên chính trường trong 90 ngày tới.

Theo chuyên gia Hasni Abidi, Trung tâm Nghiên cứu Thế giới Arập và Địa Trung hải tại Geneve, do trống vắng một lực lượng đối lập đúng nghĩa, quân đội Algeria trở thành tác nhân số một trên chính trường, phải cố tránh tính toán sai lầm trước một tác nhân mới là “đường phố phản kháng”. Bouteflika ra đi là chiến thắng đầu tiên của quân đội và phong trào dân sự phản kháng.

Do bị kìm kẹp suốt hơn 20 năm qua, không một đảng đối lập nào tạo được uy tín. Amira Bourapui, chủ tịch phong trào Công dân - Dân chủ Algeria, lực lượng đối lập chính hiện nay không phải là tổ chức truyền thống tả hữu mà là phong trào công dân, trưởng thành chính trị từ môi trường học đường hay những nhà hoạt động chống đối chế độ. Phong trào công dân, sau chiến thắng đầu tiên, cũng cần có một thế lực tháp tùng tiến trình chuyển tiếp với người lãnh đạo mới. Nhân vật này phải thích hợp với nguyện vọng của đường phố, bởi hàng chục triệu người xuống đường không phải chỉ vì muốn lật đổ một mình Tổng thống Bouteflika. Họ muốn thành lập một chế độ cộng hòa mới.

Nhưng liệu quân đội Algeria với tham mưu trưởng là tướng Salah sẽ chấp nhận phương án này hay tiếp tục duy trì chính phủ do tổng thống Bouteflika thành lập? Dù muốn hay không, để duy trì không khí ôn hòa, một chính phủ mới, dù lâm thời, cũng phải nỗ lực đàm phán nhằm tránh xảy ra những cuộc trả thù hay thanh toán nội bộ. Một giai đoạn chuyển tiếp là cần thiết nhưng phong trào công dân Algeria đã cảnh báo họ sẽ tiếp tục tranh đấu.

Sau khi Tổng thống Bouteflika từ chức, quá trình chuyển giao quyền lực trong tương lai ở Algeria phải do chính người Algeria quyết định, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ngày 2/4, được AFP trích dẫn. Ngày 3/4, Nga ra thông báo kêu gọi không có sự can thiệp từ nước thứ ba vào việc chuyển giao quyền lực ở Algeria. Điện Kremlin nhấn mạnh rằng tất cả các quá trình chính trị diễn ra ở Algeria là một phần của các vấn đề nội bộ của quốc gia đó và rằng "không nên có sự can thiệp từ các nước thứ ba". Về phía Pháp, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cho rằng quyết định từ chức của Tổng thống Bouteflika mở ra một trang sử quan trọng cho Algeria và hy vọng rằng "quá trình chuyển đổi dân chủ này" sẽ được theo đuổi "trên tinh thần bình tĩnh và trách nhiệm".

H.Phan (Theo AFP)

tuong lai nao cho cuong quoc dau khi chau phi algeriaNga, Mỹ nói gì về quyết định từ chức của Tổng thống Algeria Bouteflika?
tuong lai nao cho cuong quoc dau khi chau phi algeriaTổng thống Algeria chấp nhận từ chức, sức ép đường phố chưa giảm
tuong lai nao cho cuong quoc dau khi chau phi algeriaAlgeria đang tìm cách ngăn chặn quan chức tham nhũng đào thoát
tuong lai nao cho cuong quoc dau khi chau phi algeriaMỹ dò xét kỹ trữ lượng dầu khí của Algeria
tuong lai nao cho cuong quoc dau khi chau phi algeriaMột phút để hiểu hết về cuộc khủng hoảng tại Algeria