Tượng đài mẹ anh hùng giữa lòng Đà Nẵng

07:00 | 18/05/2022

2,004 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Người mẹ ấy đã đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ cách mạng, vận chuyển, tiếp tế lương thực và anh dũng hy sinh ngay trong ngôi nhà của mình. Người mẹ ấy đã trở thành biểu tượng của nhân dân Đà Nẵng.
Tượng đài mẹ anh hùng giữa lòng Đà Nẵng
Tượng đài mẹ Nhu nằm trên đại lộ Điện Biên Phủ, hướng mặt về phía biển và trung tâm thành phố

Nhiều du khách đến Đà Nẵng hôm nay, khi ra vào cửa ngõ thành phố, luôn thấy một tượng đài sừng sững trên đại lộ Điện Biên Phủ, hướng vào trung tâm thành phố. Đó là tượng đài mẹ Nhu, tên thật là Lê Thị Dãnh (không rõ năm sinh), quê làng Thanh Khê, nay là phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà mẹ là cơ sở cách mạng nội thành. Hầm bí mật được xây dựng ngay trong nhà mẹ để nuôi giấu cán bộ.

Lịch sử Đảng bộ Đà Nẵng ghi lại, từ năm 1967, để đẩy mạnh chiến tranh du kích trong thành phố Đà Nẵng, một lực lượng bộ đội gồm 6 đồng chí được đưa vào phường Thanh Lộc Đán (nay là phường Thanh Khê Đông) hoạt động. Đồng chí Bảy Vân, Quận đội trưởng Quận đội II trực tiếp lãnh đạo đơn vị vũ trang này. Vào đêm 23-12-1968, một đơn vị biệt động thành sau khi tập kích đồn lính bảo an Phú Lộc (quận Nhì) đã rút về trú ẩn ở nhà mẹ Nhu và nhà mẹ Hiền ở bên cạnh. Ngày 26-12-1968, do một tên phản bội chỉ điểm, địch đã ập đến nhà, bao vây và bắt mẹ Nhu, tra tấn mẹ, buộc mẹ phải khai nơi trú ẩn của các chiến sĩ biệt động. Tên phản bội là Lữ Hùng - Quận đội phó Quận đội II. Mẹ Nhu thét lớn: “Nó phản bội rồi các con ơi! Đánh đi!”. Lời nói của mẹ vừa dứt, tên ác ôn đã nổ súng bắn mẹ gục ngay giữa nhà.

Tổ biệt động từ dưới hầm, tung nắp xông lên, quét những loạt đạn AK vào đám lính ngụy. Ở hầm bên nhà mẹ Hiền, các chiến sĩ biệt động cũng tung nắp lên chiến đấu hỗ trợ. Trận đánh diễn ra ngoài dự kiến, vô cùng khốc liệt. Đến tối mịt, địch tăng viện thêm lực lượng, điều 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đến tiến theo hai hướng, từ biển Thanh Khê lên và từ quốc lộ ập xuống. Lực lượng địch lên đến 3 tiểu đoàn, gấp 80 lần lực lượng ta. Hai tổ biệt động vẫn ngoan cường đánh bật từng đợt tấn công của địch.

Tượng đài mẹ anh hùng giữa lòng Đà Nẵng
Thế hệ trẻ Đà Nẵng vẫn luôn ghi nhớ trận đánh huyền thoại và sự hy sinh anh dũng của mẹ Nhu tại nhà mẹ, nay đã thành Khu lưu niệm mẹ Nhu

Sau đó, nhờ sự che chở và dẫn đường của nhân dân Thanh Khê, các chiến sĩ biệt động đã rút ra ngoài an toàn ngay trong đêm. Trong trận đánh ấy, 7 dũng sĩ biệt động Thanh Khê, trong đó có cả những nữ chiến sĩ, đã tiêu diệt hơn 80 tên lính Mỹ, ngụy, khiến địch phải kinh hoàng. Sau trận đánh, Đặc khu ủy Quảng Đà đã tuyên dương công trạng mẹ Nhu và 7 dũng sĩ biệt động Thanh Khê.

Tượng đài mẹ anh hùng giữa lòng Đà Nẵng
Thế hệ trẻ Đà Nẵng vẫn luôn ghi nhớ trận đánh huyền thoại và sự hy sinh anh dũng của mẹ Nhu tại nhà mẹ, nay đã thành Khu lưu niệm mẹ Nhu

Bao thời gian trôi qua, người dân Đà Nẵng mãi mãi không quên người mẹ anh hùng cùng 7 chiến sĩ biệt động dũng cảm. Trận đánh trên đất Thanh Khê đã đi vào huyền thoại. Sự hy sinh của mẹ Nhu đã gây xúc động lớn, một niềm cảm phục sâu sắc trong lòng người dân Đà Nẵng.

Tượng đài mẹ anh hùng giữa lòng Đà Nẵng
Thế hệ trẻ Đà Nẵng vẫn luôn ghi nhớ trận đánh huyền thoại và sự hy sinh anh dũng của mẹ Nhu tại nhà mẹ, nay đã thành Khu lưu niệm mẹ Nhu

Sau ngày Đà Nẵng được giải phóng, chính quyền TP Đà Nẵng đã quyết định dựng tượng Mẹ anh hùng Lê Thị Dãnh (mẹ Nhu). Năm 1985, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng được mời để tạc tượng mẹ Nhu. Sau nhiều ngày đêm trăn trở, Phạm Văn Hạng đã nảy ra ý tưởng dựng tượng mẹ Nhu bằng chính những vật liệu chiến tranh còn sót lại. Tượng đài mẹ Nhu được làm từ 7.000 vỏ bom, đạn được thu nhặt ở khắp Đà Nẵng. Phạm Văn Hạng và những người thợ cơ khí ở các xưởng ôtô ngày đêm cùng làm, để bức tượng cao gần 12m thành hình sau 6 tháng, kịp khánh thành năm 1985 đúng dịp kỷ niệm 10 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng.

Bức tượng của mẹ anh hùng mặt hướng về phía cửa biển Đà Nẵng, như trong tư thế đang phất tay ra lệnh “tiến lên” cho đàn con dũng sĩ, được đặt trên đại lộ Điện Biên Phủ dẫn vào trung tâm thành phố từ cửa ngõ Ngã ba Huế, nơi con đường thiên lý Bắc Nam ngày ngày có hàng nghìn xe cộ qua lại. Bức tượng của mẹ hướng mặt về biển và phía trước mặt là con đường được đặt tên Dũng Sĩ Thanh Khê.

Năm tháng qua đi, tượng đài mẹ Nhu vẫn đứng hiên ngang giữa lòng thành phố để nhắc nhở các thế hệ sau về công lao và sự hy sinh của các chiến sĩ, những anh hùng đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ nền độc lập của đất nước và cho hòa bình hôm nay. Tượng đài mẹ Nhu không chỉ có ý nghĩa một nhân chứng lịch sử, không chỉ là không gian văn hóa mang nhiều suy tưởng, mà còn luôn nhắc nhớ mọi người về giá trị của hòa bình. “Trân quý hòa bình” là một trong những ý nghĩa quan trọng của dịp lễ 30-4.

Miền Trung có hai người mẹ - mẹ Thứ và mẹ Nhu. Cả hai người phụ nữ anh hùng đều được Nhà nước ghi công và dựng tượng. Căn nhà mẹ Nhu xưa từng là hầm chiến đấu nuôi giấu chiến sĩ biệt động, nay đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Di tích Nhà tưởng niệm mẹ Nhu từng là cơ sở quan trọng trong khu tam giác chiến lược trọng điểm An Khê - Phú Lộc - Thanh Khê của phong trào cách mạng quận Nhì, nơi nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ, tập kết vũ khí đạn dược. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia theo Quyết định số 4699/QĐ-BVHTTDL ngày 28-12-2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Gần nửa thế kỷ sau chiến tranh, ngôi làng Thanh Khê Ðông vốn xưa kia chon von trước biển, dân cư thưa thớt, nay đã trở thành phố phường rộn rã và phát triển. Biển Thanh Khê mùa hè sôi động, nườm nượp du khách. Họ đang sống trong thời bình. Khi ngang qua tượng đài mẹ Nhu, chắc chắn trong lòng mọi người đều dâng lên niềm cảm xúc khâm phục người mẹ anh hùng của Đà Nẵng.

*Tư liệu từ Lịch sử Đảng bộ Đà Nẵng và lời kể của Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám, 1 trong 7 dũng sĩ Thanh Khê, hiện ở tổ 54 phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.

Minh Ngọc