Từ một bộ phim bị cấm

19:00 | 02/10/2013

600 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bất cứ một sự can thiệp thô bạo nào vào nội dung phim sẽ biến tác phẩm điện ảnh thành một nồi lẩu thập cẩm, đầu Ngô mình Sở đoạn giữa Trung Đông. Cuối cùng, người chịu trận là khán giả. Và chắc chắn là khán giả sẽ đổ tội lên đầu người làm phim.

Một bộ phim chưa ra rạp đã được quảng cáo gây xôn xao trong dư luận, được người hâm mộ chờ đợi bởi nội dung (nghe đoán) là hấp dẫn, dàn diễn viên hành động có tiếng. Thế nhưng, hồi hộp bao nhiêu thì khán giả lại thất vọng bấy nhiêu, bởi Hội đồng duyệt phim quốc gia không cho phép phát hành.

Lý do Hội đồng duyệt phim đưa ra cũng hết sức thỏa đáng - tất nhiên rồi - là bộ phim mang quá nhiều yếu tố bạo lực, vi phạm luật điện ảnh. Nguyên nhân dẫn đến lý do này là e sợ ảnh hưởng xấu đến khán giả. Cũng lại hết sức thỏa đáng! Làm nghệ thuật, nhất là điện ảnh - một loại hình tác động đến cả thị giác lẫn thính giác đến nhiều người thì phải hết sức cẩn thận.

Tất nhiên, Hội đồng không bao giờ khắt khe với các đạo diễn nước nhà. Chính một thành viên Hội đồng đã tâm sự trên báo. “Thương anh em nghệ sĩ lắm, bỏ bao nhiêu công sức, tiền của ra làm phim, ai muốn cấm phát hành làm gì. Nhưng phim làm ra không được vi phạm luật, không được lạm dụng bạo lực và tình dục. Làm gì có chuyện băng đảng đánh nhau đến vài trăm người cả đêm mà không bị lực lượng an ninh xử lý ngay lập tức như trong phim”. Ý kiến tiếp theo, địa danh trong phim phải có thật để người ta không được hiểu nhầm.

Cảnh trong phim "Hello Cô Ba"

Xin thưa, nghệ thuật là hư cấu - chứ không phải hư véo - với quan niệm này, có lẽ đến những đạo diễn hàng đầu Hollywood cũng không thể làm phim tại Việt Nam. Làm phim hành động à, sẽ bị Hội đồng chất vấn là làm gì có nhân vật anh hùng nào lại đi giữa làn đạn mà không chết, thậm chí lại còn không bị thương. Cũng chung nỗi niềm đó, mong sao các hãng hoạt hình nổi tiếng thế giới đừng sang Việt Nam làm phim. Bởi vì, với tư duy như hiện tại thì những bộ phim như “Tom và Jerry” đừng bao giờ và đừng mong chờ có cơ hội ra rạp. Bởi vì làm gì có chuyện con mèo bị đập bẹp dúm như thế lại phồng lên như cũ để đuổi con chuột. Chuột đập mèo là phi lý, đã thế lại còn bạo lực. Mèo bị đập bẹp, gãy hết gân cốt mà sống lại bình thường, không qua giai đoạn phẫu thuật chỉnh hình thì hoàn toàn vô lý. Tóm lại là sẽ không được phát hành.

Nhân chuyện phim hoạt hình, một đạo diễn phim hoạt hình có kể trong buổi trà dư tửu hậu - câu chuyện này trong giới điện ảnh ai cũng biết. Rằng anh mang phim lên duyệt sau cả năm trời miệt mài sáng tác. Xem xong, một vị hội đồng bắt phải sửa chi tiết con trâu bị đá bay lên bụi tre, bởi như thế là phi lý. Đạo diễn trình bày, đây là phim hoạt hình. Vị hội đồng lại bảo, hoạt hình cũng phải có lý, chứ phi lý như thế tôi xem còn không thấy thật, làm sao khán giả nhí thấy thật. Đến lúc này, đạo diễn hoạt hình ấy đành phải mang về sửa lại, con trâu đương nhiên là không bay được lên ngọn tre. Sau khi phim được duyệt, vị đạo diễn ấy cười mà rằng khán giả nếu biết những chuyện này, chắc chắn sẽ thông cảm và hiểu cho những người làm phim. Ngôn ngữ hoạt hình mà phải nệ thực thì nếu không khéo, khán giả sẽ phải (hay bị) thưởng thức những bộ phim mang tính minh họa hơn là sáng tạo.

Cách đây ít năm, Hãng phim hoạt hình Việt Nam rất táo bạo khi quyết định sản xuất phim dài, tức là hơn 20 phút như thông thường. Kịch bản có tên là “Vào hang kiến”, kể về cuộc chu du của một cậu bé bị đàn kiến bắt làm tù binh, qua đó nói lên một vài ý tưởng nào đó cũng nhân văn và sâu sắc lắm. Đọc xong kịch bản, ông giám đốc hãng hớt hơ hớt hải mời ngay biên kịch lên, đề nghị sửa kịch bản thành loài kiến đánh nhau với loài mối, đừng cho hai loài kiến đánh nhau em ạ, kẻo Hội đồng họ cho là mình đề cập đến vấn đề nội chiến đang nóng bỏng trên toàn cầu. Biên kịch bảo, anh ơi, loài kiến nọ mới giành tổ của loài kia, chứ hai loài có tập tục sống khác nhau thì tranh giành của nhau làm gì. Giám đốc lại bảo, thế mới duyệt được em ạ, nghe anh đi, nếu không thì không làm phim được, không bao giờ được. Nghe bùi tai, vả lại đến giám đốc hãng còn phải ngại Hội đồng, biên kịch đồng ý sửa kịch bản. Nghe đâu sau đó, biên kịch không một lần đến xem lại bộ phim được làm từ kịch bản của mình. Bởi nếu đến, chắc chắn vị biên kịch đó sẽ cười chua chát khi thấy đứa con tinh thần của mình bị biến dạng đến mức độ không thể nhận ra được.

Tóm lại là, nếu để qua cửa ải Hội đồng thật nhanh và gọn, cứ phải tránh tình dục và bạo lực. Mà để phim hấp dẫn, các nhà làm phim của kinh đô điện ảnh Hollywood đã khẳng định: tình dục và bạo lực là hai yếu tố căn bản nhất để kéo khán giả đến rạp.

Mặc kệ họ, ta làm theo cách của ta. Phim nước ngoài vào rạp ta sẽ được ưu ái hơn. Bởi như thế mới chứng tỏ với bạn bè thế giới là chúng ta đang hòa nhập với thế giới, chúng ta có tư duy rất thoáng. Còn phim quốc nội thì phải nghiêm ngặt, bởi nó sẽ đại diện cho chúng ta, sẽ mang hình ảnh của chúng ta đến với bạn bè năm châu. Cho nên, không thể để bụi đời, giang hồ đánh nhau cả đêm như vậy. Phải là chuẩn bị đánh, rồi hai bang chủ ôm nhau khóc òa, tuyên bố từ nay sẽ là anh em, rồi dựng cảnh làm sao cho trên đầu mũi dao có bông hoa nở, thế thì mới nhân văn. Hoặc giả đang chuẩn bị đánh thì lực lượng an ninh đến bắt hết do có mật báo, thế mới thể hiện được sự cao siêu của phản gián cũng như tình báo. Các nhà làm phim cứ yên tâm, phim đã làm là sẽ được ra rạp, chỉ cần sửa chữa lại cho nhân văn và hiện thực là được.

Hãy biết thông cảm cho Hội đồng. Công việc là phải vậy, chức trách là phải vậy. Họ cũng đã hoặc đang làm điện ảnh, nên rất hiểu tâm tư của người làm điện ảnh. Chỉ cần không phạm luật là họ sẽ đồng ý cho phim được phát hành. Bằng chứng là một loạt phim hài siêu nhảm vẫn được chiếu đấy thôi. Bởi phim hài thì vô hại, làm gì có đánh nhau, đổ máu, làm gì có những cảnh giường chiếu nóng bỏng. Khi dư luận lên tiếng, rằng những bộ phim đó sao lại được ra rạp thì Hội đồng trả lời rằng, đó là phim giải trí, vô hại, không vi phạm Luật Điện ảnh. Thêm nữa, các nghệ sĩ đã mất bao nhiêu công sức tiền của để làm phim, nay lại cấm phát hành, làm như thế khác nào hất đổ nồi cơm của anh em. Câu trả lời thật thỏa đáng và hết sức tình người, phải không nhỉ?

Cho nên nhà sản xuất phim cứ yên tâm rằng, phim cũng sẽ được chiếu nếu cắt hết những cảnh bạo lực đi, hãy cho nhân vật chuyển từ đối đầu sang đối thoại, thậm chí cho thêm cảnh hài vào. Hoặc nếu để thì phải giảm bớt đi, đáng 5 người chết chỉ cho 4 chết 1 sống, như thế đỡ bạo lực hơn nhiều. Hoặc chết nhưng không được chảy máu để không gây hiệu ứng xấu về mặt thị giác. Đảm bảo phim sẽ ra được rạp.

Chỉ có điều, nếu làm vậy sẽ bị khán giả lên án. Bởi điện ảnh là môn nghệ thuật đòi hỏi sự tổng hợp và nhất quán. Phim là của đạo diễn, cho nên trên generique (trích giới thiệu phim) mới ghi là “A film of”… hoặc “Un film de…” dịch sang tiếng Việt là “Bộ phim của…” chứ không phải của Hội đồng duyệt. Cho nên, bất cứ một sự can thiệp thô bạo nào vào nội dung phim sẽ biến tác phẩm điên ảnh thành một nồi lẩu thập cẩm, đầu Ngô mình Sở đoạn giữa Trung Đông. Cuối cùng, người chịu trận là khán giả. Và chắc chắn là khán giả sẽ đổ tội lên đầu người làm phim, đương nhiên rồi.

Anh Thư